Các bước mở cửa hàng tạp hóa: Lập kế hoạch kinh doanh tiệm tạp hóa

Trong phần 1 Các bước mở cửa hàng tạp hóa: Cần chuẩn bị gì trước khi kinh doanh tiệm tạp hóa chúng ta đã tìm hiểu về những lưu ý và các bước chuẩn bị trước khi mở cửa hàng tạp hóa. Sau khi đã thu thập được những thông tin đó, nhiệm vụ tiếp theo của bạn là phải vạch ra một chiến lược rõ ràng, bao gồm các yếu tố sau đây.

Các bước lập kế hoạch mở cửa hàng tạp hóa

  1. Tài chính

Bạn phải sử dụng nguồn tài chính của mình sao cho thật hiệu quả, phải sinh lời để đảm bảo cho kinh doanh được tiếp diễn và chu cấp cho cuộc sống của bạn và gia đình. Bởi vậy, bạn phải tính toán toàn bộ các loại chi phí từ thuê cửa hàng (nếu có), chi phí vận chuyển, giá nhập hàng để đưa ra mức giá hợp lý.

Đối với những cửa hàng nhỏ thì việc trang trí, lắp tiện nghi như máy lạnh,… nên bỏ qua. Quan trọng là hàng hóa phong phú, các mặt hàng thiết yếu đầy đủ, giá thành phải chăng, khi khách mua số lượng lớn thì phải chiết khấu cho họ.

Mở tạp hóa cần bao nhiêu vốn? Về câu hỏi này, anh Nguyễn Văn Định – chủ tiệm buôn bán tại Tâm Định, Phai Vệ, Lạng Sơn chia sẻ: “Nếu bạn chịu khó thức khuya dậy sớm, chấp nhận tích tiểu thành đại, chi tiêu tiết kiệm và đặc biệt là hy sinh thời gian để quản lý nó thì bạn có thể kinh doanh loại hình này. Có ít vốn làm nhỏ thì chỉ mất tầm 500 triệu đổ lại, còn nhiều vốn thì bao nhiêu cũng được.”

  1. Mặt hàng kinh doanh tạp hóa

Thông tin từ điều tra nhân khẩu và nguồn cung hàng ở phần 1 đã thu thập được sẽ giúp bạn đưa ra quyết định các mặt hàng sẽ bán một cách nhanh chóng. Hàng hóa phải đa dạng, nhiều loại, lưu ý nhỏ là các sản phẩm thiết yếu như các loại gia vị, xà phòng, bánh, kẹo, sữa tươi,… phải được chú trọng trên hết, khi hết hàng phải được bổ sung ngay.

Còn đối với một cửa tiệm lớn, bạn cần chú trọng tới thương hiệu sản phẩm. Chỉ nhập sản phẩm sữa bột, bánh kẹo, rượu vang…  cao cấp từ những hãng lớn, uy tín trên thị trường. Nhớ là nhập với số lượng lớn để được hưởng ưu đãi từ nhà cung cấp.

Các mặt hàng thiết yếu cần phải được bổ sung kịp thời khi mở cửa hàng tạp hóa.

  1. Hình thức bán

Có hai hình thức là mua hàng dự trữ và ký gửi. Nếu ký gửi tại các siêu thị lớn thì bạn sẽ nhận được hoa hồng theo thoả thuận ban đầu.

  1. Quản lý cửa hàng

Vì là một cửa hàng riêng nên bạn phải kiêm rất nhiều nhiệm vụ như quản lý kho hàng, quản lý bán hàng rồi cả quản lý tài chính nữa. Nếu một mình làm sẽ rất cực, nên hãy đầu tư các phần mềm quản lý bán hàng để công việc trở nên dễ dàng hơn.

Hiện nay có rất nhiều trường hợp cửa hàng bị những kẻ giả danh tiếp thị công ty bán những sản phẩm nhái, chất lượng không được kiểm chứng, hoặc giả làm người mua hàng để trộm hàng hoặc tiền. Bạn phải thật cẩn thận đề phòng những đối tượng này.

Bạn Nguyễn Thắng cho hay: “Mối lo ngại lớn nhất khi mở cửa hàng là quản lý các khoản thu chi, hàng tồn, hàng bán ra nhưng không biết lãi bao nhiêu. Vì thế, nếu muốn quản lý tốt, bạn nên dùng phần mềm quản lý bán hàng. Tuy nhiên, đầu tư cho nó cũng kha khá. Ngoài mua phần mềm hết tầm 5 triệu, bạn còn phải đầu tư thêm máy tính, máy đọc mã vạch 1,7 triệu, máy in 2,2 triệu, máy in tem tầm 6,5 triệu; ngót nghét cũng gần 20 triệu, nhưng đổi lại nó giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề mà không phải đau đầu.”

Khi xây nhà, bạn cũng cần phải nắm trong tay được bản vẽ để chắc chắn mọi chi phí nằm trong dự liệu của bạn, thì tương tự, khi buôn bán bạn cũng phải có một kế hoạch chi tiết. Theo hướng kinh doanh bán lẻ – mở tiệm tạp hóa đặc thù cần nhiều thời gian để gây dựng uy tín và nhiều cạnh tranh nên nếu có ý định, bạn phải lập kế hoạch tối thiểu từ 2 năm trở lên.

  1. Phương pháp marketing, thu hút khách hàng

Để tìm ra giải pháp marketing hữu hiệu nhất khi mở cửa hàng tạp hóa, bạn chỉ cần trả lời câu hỏi: “Khách hàng nhớ tới bạn duy nhất điểm gì?” Marketing có một thuật ngữ mang tên Positioning (Định vị) – tiếp cận khách hàng đúng hướng nghĩa là bạn đã thành công biến mình thành duy nhất, không đối thủ nào so được với bạn. Chẳng hạn, muốn mua lúc nào cũng được và mua ở bất kỳ chỗ nào chính là đặc điểm nhận dạng của chuỗi cửa hàng 7-Eleven, còn khi nhắc tới chuỗi siêu thị Walmart, hẳn ai cũng tới vì giá rẻ,… Bạn cần định vị được đúng mục tiêu, để khi nói tới cửa hiệu của mình, khách hàng sẽ nghĩ ngay tới “dịch vụ chăm sóc tốt nhất”, “nhiều ưu đãi hấp dẫn”, “nhanh nhất”, “đầy đủ nhất”, “giá rẻ nhất”,…

Sau nhiều năm mở tiệm tạp hóa, kinh nghiệm anh Nguyễn Văn Định đúc kết lại là: “Cách giao tiếp với khách hàng cũng hết sức quan trọng vì mô hình tiệm tạp hóa nhỏ lẻ trong một khu dân cư sẽ chỉ sống được bằng lượng khách nhất định ở cộng đồng dân cư đó. Nó khác với những cửa hàng phục vụ khách qua đường, lượng khách không gói gọn trong một khu vực nhỏ. Vì thế, khi giao tiếp, phục vụ khách hàng, chủ tiệm hoặc người bán phải hết sức khéo léo, gần gũi để tạo mối liên hệ tốt.”

Việc đặt tên cho cửa hàng tạp hóa cũng không được lơ là. Phải chọn được tên ngắn gọn, dễ gọi để khách nhớ lâu. Thông thường lấy theo tên của bạn, hoặc của người thân trong gia đình, hoặc đặc điểm riêng biệt của quán. Có những quán dù chẳng có biển hiệu tử tế vẫn được khách hàng yêu quý đặt cho những cái tên như quán Cây đa, quán ông Ba gầy,…

  1. Trưng bày

Như đã nói ở phần 1, việc trưng bày hàng hóa phải khoa học để việc tìm và lấy hàng được nhanh chóng, thuận tiện cho cả khách lẫn bạn. Như vậy chúng ta cần có các kệ để hàng. Hãy tận dụng các loại bàn ghế cũ, hoặc đóng kệ gỗ hay kệ sắt đều được, miễn sắp xếp hàng hóa gọn gàng là ổn.

Việc trưng bày sản phẩm đẹp mắt không chỉ có tác dụng về phần nhìn mà còn giúp nâng cao doanh thu đáng kể cho cửa hiệu của bạn nữa đấy. Minh chứng thuyết phục nhất đó là tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị các kệ hàng luôn được sắp xếp ngăn nắp và đẹp mắt. Ví dụ: Nếu có mặt hàng nào đang có khuyến mại, hoặc bán chạy phải trưng bày ở nơi khách dễ nhìn thấy nhiều nhất, đặt cạnh ở những mặt hàng thường mua kèm nhau như kem đánh răng với bàn chải đánh răng.

Hy vọng với những kinh nghiệm đã chia sẻ và hướng dẫn chi tiết các bước trên đây bạn có thể bắt tay vào mở cửa hàng tạp hóa nhỏ của riêng mình. Chúc các bạn kinh doanh thành công!


Chia sẻ bài viết này