Trên thị trường hiện có nhiều sản phẩm liên kết đầu tư, nổi bật trong số đó là mô hình đầu tư dành cho cá nhân theo xu hướng đa dạng hóa kênh đầu tư thông qua bảo hiểm nhân thọ (BHNT).
Ngoài việc sử dụng mức lãi suất thực tế, mô hình trên còn cung cấp nhiều tính năng cho nhà đầu tư, bao gồm: khả năng tạm ứng và rút tiền mặt từ giá trị tài khoản hợp đồng, thay đổi số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm đóng thêm, sản phẩm bổ sung đa dạng…
Hình thức đầu tư này cũng được cho là một giải pháp tài chính ổn định. Theo đó, ngoài mức lãi suất hưởng hằng tháng, tài sản của nhà đầu tư còn được gia tăng thông qua việc đầu tư vào cổ phiếu hoặc đầu tư nhiều vào trái phiếu.
Nhìn chung, với những sản phẩm đầu tư mới này, nhà đầu tư được hưởng lãi suất khoảng 8%/năm. Trừ phí quản lý dao động từ 1,5-2%/năm, số tiền thu cố định hằng tháng của nhà đầu tư đã ngang bằng với lãi suất gửi ngân hàng. Cộng thêm khoản lãi phát sinh từ đầu tư cổ phiếu/trái phiếu thông qua các quỹ đầu tư thì số tiền thu được khá nhiều.
Thực tế, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, lợi ích đầu tư qua các sản phẩm đầu tư liên kết là có thể phân tán được rủi ro vì nhà đầu tư không chuyên khó có thể theo dõi được tổng quan nền kinh tế, cần có các chuyên gia hỗ trợ và tư vấn. Chưa kể, các sản phẩm này có thể giảm thiểu chi phí đầu tư bởi các tổ chức tài chính lớn.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhắc rằng, để lựa chọn đầu tư, nhà đầu tư cần phải để ý đến cả những nhược điểm mà sản phẩm đầu tư đó có. Vì thực tế, cũng có rất nhiều sản phẩm đầu tư không mang lại nhiều lợi nhuận. Đơn cử, năm 2014, rất nhiều sản phẩm đầu tư thuộc các quỹ đầu tư tính trung bình lợi suất là âm.
Năm 2014, có 9/40 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường có kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Số công ty thua lỗ hoặc lãi không đáng kể vẫn chiếm số đông.
Theo ông Hiếu, lãi suất hiện tại như vậy là phù hợp với diễn biến lạm phát, vốn đang thấp và có thể còn thấp hơn trong thời gian tới.
Cũng theo ông Hiếu, ở nhiều nước dù lãi suất có thời điểm âm người dân vẫn gửi vì tính an toàn cao, được nhà nước bảo vệ.
Ở Việt Nam, lãi suất huy động đang ở mức 5 – 6%/năm không hẳn kém hấp dẫn bởi thời buổi làm ăn khó khăn, lãi như vậy không phải quá thấp.
Vì vậy, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng họ sẽ chọn gửi VND dài hạn hoặc chuyển sang đầu tư chứng khoán để có mức sinh lợi cao hơn, loại bớt các kênh đầu tư theo kiểu chờ thời (tăng lãi suất, tăng tỷ giá, tăng giá vàng).
Tất nhiên việc chuyển hướng đầu tư phải tùy thuộc vào việc Ngân hàng Nhà nước công bố hướng đi của lãi suất, tỷ giá trong 3-5 năm tới…
Theo Doanhnhansaigon.vn