Nếu như là một người kinh doanh thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội để phát triển thương hiệu, xây dựng cộng đồng, giữ chân khách hàng hiện có và tìm kiếm khách hàng tiềm năng thì ắt hẳn bạn nên biết rằng công cụ truyền thông – tiếp thị này giống như một “con dao hai lưỡi”. Nó có thể đưa bạn lên “đỉnh” với sự ủng hộ của đông đảo công chúng trực tuyến, nhưng cũng có thể dìm bạn xuống “tận đáy” nếu như làm gì đó khiến cho thế giới ảo này cảm thấy không hài lòng.
Đó là lý do khiến cho việc tham gia hiện diện trên các phương tiện truyền thông xã hội giống như một nghệ thuật. Trong khi công cụ này được xem như là kênh phân phối đầu tiên và là nền tảng để tham gia tiếp xúc với khách hàng, dường như việc tương tác thường xuyên luôn trở thành chiến lược ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp thì có một số minh chứng cho thấy rằng “sự kiệm lời” có khi lại mang đến nhiều hiệu quả tốt đẹp hơn.
Càng đơn giản càng “đẹp”
Nhiều doanh nghiệp mắc chung một “căn bệnh” là thích khoa trương mọi thứ về mình trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm “đánh lừa” cảm giác của người dùng và khiến họ tin tưởng. Tuy nhiên thì người dùng trực tuyến hiện nay rất thông minh trong việc tiếp nhận thông tin, do vậy, bạn không cần phải cố gắng nói tốt về mình trong khi họ có thể đã thừa biết điều đó.
Theo xu hướng hiện tại, việc sử dụng Twitter, Facebook, Instagram,… để chia sẻ các nội dung như bài viết, hình ảnh, hay thiết lập một câu chuyện thương hiệu đang là chiến lược của nhiều công ty. Ví dụ như với một nhà bản lẻ rượu vang trực tuyến, thay vì chỉ chia sẻ các chương trình khuyến mãi, họ có thể mở ra các cuộc thảo luận về nho, phác thảo “tính cách” cho công ty bằng cách chia sẻ những tin tức tích cực về rượu vang, báo giá rượu vang kèm hình ảnh, hay những bài viết về nhà máy rượu độc đáo,… và nhiều hơn thế nữa.
Thực tế khách hàng không chỉ tìm hiểu thông tin về sản phẩm, về doanh nghiệp và các chương trình khuyến mãi mà còn quan tâm đến rất nhiều lợi ích khác từ những câu chuyện mà bạn chia sẻ. Từ đó, họ cũng sẽ bắt đầu nhận thấy thương hiệu của bạn giống như một phần trong cuộc sống của họ.
Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội giống như một kênh phân phối nội dung hữu ích có thể giúp tăng số lượng người dùng trung thành và người dùng tham gia tương tác. Chiến lược truyền thông xã hội này có thể nhanh chóng đẩy mạnh sự phát triển thương hiệu của doanh nghiệp và cung cấp cái nhìn sâu sắc cho người tiêu dùng trực tuyến.
Chủ yếu là những gì mà bạn chia sẻ
Nếu như doanh nghiệp của bạn kinh doanh giày chạy thì những “fan” hâm mộ trực tuyến có nhiều khả năng là những người thích việc chạy bộ và các hoạt động thể thao khác. Khi đó, nội dung đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội có thể liên quan đến báo giá giày chạy, thông tin về việc chọn đúng giày chạy, cũng như các chương trình bán giày đặc biệt, các chương trình khuyến mãi, các sản phẩm mới nổi bật, tin tức thể thao,…
Điều quan trọng hơn cả là không chỉ chia sẻ thông tin về thương hiệu, về sản phẩm mà bạn nên tạo ra sự thú vị trong sự hiện diện trực tuyến của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng cách chia sẻ thông tin hữu ích đối với người xem. Chính điều đó sẽ giúp gia tăng đáng kể sức ảnh hưởng của thương hiệu trên mạng xã hội rộng lớn.
Đừng bỏ bê tương tác
Chắc hẳn bạn đã từng chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp hoàn toàn “bơ” trước ý kiến hay những câu hỏi thắc mắc của người dùng. Nói theo cách khác là vì quá bận rộn, một chút lơ là hoặc cố ý mà họ xem sự tương tác của khách hàng trên các phương tiện truyền thông xã hội là không hề tồn tại và lãng quên dần vào quá khứ. Đó chính là sai lầm cần tránh và là “con dao hai lưỡi” có thể giết chết thương hiệu của bạn trong tâm trí người dùng trực tuyến.
Tuy nhiên, khi tương tác lại, bạn cũng cần phải thực sự nhanh trí và cẩn thận trong từng lời nói, tránh tối đa việc gây ra “scandal” ảnh hưởng đến uy tín của mình. Chẳng hạn trong lúc khách hàng tức giận có những phản hồi không hay, bạn khômg nên trả lời một cách vội vàng, hãy dành thời gian suy nghĩ, cân nhắc để chắc chắn rằng lời nói của mình có khả năng đại diện cho thương hiệu và khiến cho khách hàng cảm thấy thỏa đáng nhất.
Nhìn chung, khi tham gia hiện diện trên mạng xã hội, những nội dung đăng tải có thể khiến cho người dùng đón nhận nhiều nhất chính là những hình ảnh, bài viết hữu ích hay những câu chuyện ý nghĩa xoay quanh thương hiệu và lợi ích của khách hàng. Trong khi thúc đẩy tương tác không hẳn là ưu tiên hàng đầu nhưng bạn cũng đừng quên kiểm tra thông báo, hộp tin nhắn và đáp ứng nhu cầu của người dùng khi cần thiết. Mặt khác, không phải bất cứ phương tiện truyền thông xã hội nào cũng giống nhau, bạn cần phải khảo sát để biết đâu là chiến lược nội dung tối ưu cho thương hiệu và doanh nghiệp của mình nhé.