Những thượng đế không nên chiều lòng trong kinh doanh bán lẻ

“Khách hàng là thượng đế”, câu nói cửa miệng này đã trở thành phương châm của nhiều người trong kinh doanh bán lẻ. Đa số trường hợp thì nó luôn đúng, vì phải có khách hàng mới có lợi nhuận, nếu không cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt cho họ doanh nghiệp sẽ phải đứng trước nguy cơ thua lỗ. Tuy nhiên, một số ít thượng đế lại không dễ chiều lòng một chút nào, nếu doanh nghiệp cứ cố gắng tìm mọi cách để nài kéo họ mua sản phẩm thì chỉ làm mất thời gian mà đôi khi không mang đến kết quả. Bài viết này sẽ nói về những kiểu thượng đế như vậy.

Khách hàng chỉ là thượng đế khi muốn hợp tác

1. Khách hàng không biết mình muốn gì

Đây là kiểu thượng đế dễ khiến bạn ức chế nhất, họ yêu cầu sản phẩm này, đến khi bạn đưa cho họ rồi tư vấn chán chê họ lại muốn xem sản phẩm khác. Vòng luẩn quẩn cứ thế lặp lại cho đến hết buổi, bạn bị cuốn vào những câu hỏi lặp đi lặp lại và chẳng thể nào dứt ra được để tư vấn cho những khách hàng cần thiết khác. Trường hợp này không phải do sản phẩm của bạn kém cũng không phải do bạn không có khả năng thuyết phục, mà vì khách hãng cùng không biết chính họ muốn gì. Thực tế là nếu may mắn bạn sẽ bán được món đồ này đấy, nhưng quãng thời gian bạn bỏ ra vì họ quả thật không xứng đáng.

Để đối phó với những vị khách kiểu này, tốt nhất là hãy đưa cho họ cuốn catalog giới thiệu các sản phẩm trong cửa hàng của bạn, để họ tham khảo và tự quyết định muốn gì, sau đó bạn mới tư vấn.

2. Khách hàng thích mặc cả

Mặc cả giá bán là điều dễ thấy khi mua hàng trong chợ, thế nhưng khi vào các cửa hàng bán lẻ đã niêm yết giá thì chắc chắn sẽ khiến người khác khó chịu. Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu có một vị khách cứ cò kè thêm một bớt hai trong cửa hàng mình, xung quanh là nhiều người khác đang nhìn vào? Nếu để chiều lòng họ bạn giảm giá đôi chút thì chắc chắn bạn cũng phải chiều cả những những vị khách còn lại. Còn nếu bạn kiên quyết không giảm có thể sẽ bị coi là hách dịch, không tôn trọng khách hàng. Cách tốt nhất là hãy đề nghị họ xem xét các sản phẩm cùng loại có giá thấp hơn hoặc đến những nơi khác mua sắm.

3. Khách hàng thiếu hợp tác

Quá tam ba bận, đừng cố gắng mềm mỏng với những thượng đế thiếu hợp tác!

Đây là những vị thượng đế thật sự coi mình là… thượng đế. Họ luôn tỏ ra khó chịu với nhân viên, dùng giọng quát tháo và chuyên bới móc để tìm ra lỗi sai. Họ làm vậy có thể có mục đích hoặc chỉ vì bản chất của họ vốn dĩ là thế. Cố gắng chiều lòng những khách hàng thiếu hợp tác chỉ khiến thương hiệu của bạn xấu đi trong mắt người tiêu dùng. Nếu đã thuyết phục họ mua hàng quá hai lần bằng thái độ mềm mỏng nhưng không được thì tốt nhất hãy mời họ rời khỏi, đừng để cửa hàng của bạn biến thành cái chợ và ai thích làm gì cũng được.

4, Khách hàng thanh toán chậm trong kinh doanh bán lẻ

Trường hợp khách hàng thanh toán chậm thường gặp đối với đơn hàng lớn và khách yêu cầu trả thành nhiều đợt. Thay vì trả tiền đúng hẹn họ thường khất lần sau, đôi khi đến mấy tháng mới trả đủ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, vì không có doanh thu sẽ không có tiền vốn xoay vòng trong khi hàng đã chuyển đến cho khách. Với những trường hợp này bạn cần buộc khách hàng cam kết có văn bản sẽ thanh toán đúng hạn, nếu không thì phải bồi thường cho bạn. Những cam kết có đảm bảo thế này sẽ có tác dụng ước thúc khách hàng, khiến họ không chậm trễ ngày thanh toán.

Trong kinh doanh bán lẻ, bạn chỉ nên phục vụ những thượng đế có tinh thần hợp tác mà thôi, còn nếu không đừng cố gắng vừa mất công vừa mất thời gian.

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Những sai lầm khi ứng dụng QR code trong Marketing Online

Bí quyết xử lý tình huống khách hàng khiếu nại (P2)

Bí quyết xử lý tình huống khách hàng khiếu nại (P1)


Chia sẻ bài viết này