Bài này thuộc phần 2 trong 4 phần của chủ đề Kinh doanh spa và mở tiệm cắt tóc (hair salon)
Khi kinh doanh dịch vụ spa làm đẹp, hay mở tiệm cắt tóc gội đầu chúng ta có thể kinh doanh những loại hình dịch vụ nào để thu hút khách, cần những kinh nghiệm gì? Hãy cùng tiếp tục chuỗi kinh nghiệm mở spa và tiệm cắt tóc nhé.
Nên mở các loại hình dịch vụ spa, làm tóc nào?
Nếu mở tiệm salon tóc thì các dịch vụ chính luôn là cắt tóc, tạo kiểu, uốn, nhuộm. Các dịch vụ liên quan đến tạo kiểu là tạo sóng, xoăn xoắn ốc, xoăn một phần hay xoăn phần đuôi, duỗi tóc. Các dịch vụ liên quan tới nhuộm bao gồm nhuộm lowlight, nhuộm highlight, nhuộm nhuộm 3D), khôi phục màu nhuộm, phủ hóng, chăm sóc tóc sau khi nhuộm. Gần đây tết tóc cũng đang là một dịch vụ rất được khách hàng yêu cầu nhiều. Cuối cùng là các dịch vụ làm tóc cho những dịp đặc biệt quan trọng như cưới hỏi, đi tiệc, hay sinh nhật…
Ngoài ra còn các dịch vụ làm móng, chăm sóc chân tay vốn dĩ là dịch vụ thẩm mỹ nhưng hầu như salon tóc nào cũng cung cấp kèm theo như cắt tỉa và đánh móng, đắp móng bột, móng lụa, đắp móng khuôn khối, đắp parafin, nối móng Nail tipping, matxa và tẩy da chết chân tay trong khi làm móng,…
Hãy cân nhắc khả năng tài chính (thuê thợ và mua trang thiết bị, dụng cụ làm móng), tìm hiểu nhu cầu khách hàng để quyết định có mở thêm dịch vụ làm móng ngay từ đầu hay không. Một salon tóc thì đương nhiên các dịch vụ chính như cắt, tạo kiểu, làm xoăn, duỗi và nhuộm bắt buộc phải có, không nhất thiết phải có dịch vụ làm móng. Nhưng nếu có thì bạn có thể tận dụng được không gian salon sẵn có và lôi kéo thành công những khách hàng làm tóc của mình.
Nhiều bạn hay thắc mắc mở tiệm cắt tóc cần bao nhiêu vốn thì có thể dựa vào các loại dịch vụ bạn định kinh doanh để tính ra các chi phí mở tiệm cắt tóc. Mở quán cắt tóc nam sẽ ít dịch vụ hơn mở tiệm cắt tóc nữ.
Với kinh doanh spa thì có muôn vàn dịch vụ, về cơ bản được chia thành 3 loại dịch vụ chính là chăm sóc da và body, trang điểm và tẩy lông. Cũng có spa cung cấp thêm dịch vụ làm móng nhưng giá thành sẽ đắt đỏ hơn.
Chăm sóc da và body gồm những dịch vụ con sau:
• Matxa toàn thân;
• Tẩy da chết toàn thân bằng kem enzyme, bằng kem tẩy da chết, bằng muối tắm hoặc các loại mặt nạ bùn hay paraffin…;
• Thủy trị liệu (Ngâm khoáng nóng, sục bồn,…);
• Đắp, chườm các dưỡng chất ( giúp cơ thể săn chắc, hạn chế tích nước);
• Tẩy lông bao gồm các dịch vụ:
• Waxing các bộ phận mặt, chân, cánh tay, bikini, lưng, nách;
• Triệt lông vĩnh viễn;
• Tạo hình, phun thêu lông mày.
• Trang điểm: Trang điểm dự tiệc, trang điểm cô dâu, bấm lỗ tai,…
Các dịch vụ spa ngoài nhân viên còn yêu cầu phải có thiết bị, dụng cụ, mỹ phẩm đi kèm nên bạn phải suy xét thật kỹ để không ảnh hưởng tới lợi nhuận. Giả dụ bạn muốn mở thêm dịch vụ thủy trị liệu, nhưng chi phí đầu tư máy móc cho dịch vụ này quá tốn kém. Vậy thì trước tiên hãy tập trung vào các dịch vụ không phải đầu tư nhiều như làm mặt, matxa mới là quyết định đúng đắn.
Dịch vụ spa lên ngôi khi nhu cầu sắc đẹp của chị em ngày một lớn
Thêm một chú ý nữa là, mặc dù không làm thủy trị liệu thì spa bạn cũng đừng quên đầu tư phòng tắm đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ. Bởi sau khi đắp mặt nạ mặt hay toàn thân, sau khi tẩy da chết,… khách hàng có chỗ để tắm tráng. Nếu như bỏ quên lưu ý này thì buộc bạn phải chi thêm một khoản không nhỏ để cải tạo lắp đặt nhà tắm, hoặc đổi địa điểm, hoặc ngưng cung cấp dịch vụ ‘ướt” mà thôi!
Hãy đưa ra những gói dịch vụ gồm ít nhất 3 dịch vụ nhỏ có liên quan tới nhau, vừa giúp khách hàng được chăm sóc, làm đẹp toàn bộ lại tăng doanh thu cho spa. Chẳng hạn như gói dịch vụ thủy trị liệu là một dịch vụ “ướt”, bạn nên kèm theo 4 loại dịch vụ “khô”, khách hàng sẽ cảm thấy bạn thật chu đáo. Thời gian các gói cũng nên chia thành nửa buổi ( tối đa 3 tiếng) và trọn một buổi ( tối đa 5 tiếng trừ đi 30 phút- 1 tiếng nghỉ ăn trưa) để khách hàng lựa chọn phù hợp với công việc, lịch trình của mình.
Một ngày vận hành của spa, hay salon tóc diễn ra như thế nào?
Theo kinh nghiệm mở spa, hay tiệm cắt tóc, các công việc ở salon/spa mỗi ngày thường không giống nhau, mỗi ngày lại nảy sinh nhiều nhiệm vụ mới cần giải quyết. Các công việc thường là cố định, ngày nào cũng như ngày nào đó là xếp lịch cho khách, nhận và gọi điện thoại, đào tạo nhân viên mới, mua bổ sung đồ nghề,… Các công việc phải giải quyết theo ngày như chia ca (phải điều chỉnh khi nhân viên xin nghỉ gấp), lên kế hoạch quảng bá, tiếp thị, tổ chức những chương trình khuyến mại đặc biệt trong ngày, trong tuần, theo dõi thu chi. Về nhân sự, bạn sẽ phải tuyển người, tìm kiếm nhân tố tiềm năng, chỉ bảo và truyền đạt kinh nghiệm cho nhân viên học việc, nhân viên mới, đánh giá năng lực làm việc của nhân viên hiện tại, quản lý tạo môi trường làm việc nghiêm túc, hòa đồng, hòa giải khi có mâu thuẫn. Còn nếu bạn có tay nghề cao, ngoài việc quản lý bạn chắc chắn sẽ còn tham gia tạo mẫu tóc nữa.
Kể cả ngày cũng không thể hết được công việc của một chủ salon. Bởi vậy, hãy kiếm thêm một người quản lý chuyên nghiệp để phụ giúp bạn những công việc hành chính, giúp bạn an tâm tâp trung vào công việc chuyên môn. Mặc dù khi vãn khách hoặc trong thời gian để đợi tóc ngấm thuốc uốn/ duỗi/ nhuộm bạn vẫn có thể tranh thủ làm những công việc khác, nhưng nếu muốn vừa tạo mẫu tóc đẹp đúng ý khách lại vừa quản lý giỏi những việc ghi chép, cân đối sổ sách chu toàn cả hai, thì dường như đây là nhiệm vụ bất khả thi!
Qua phần 2 của chủ đề kinh doanh dịch vụ spa, mở tiệm cắt tóc, bạn đã hình dung được các loại hình dịch vụ cụ thể cần có là gì, cũng như việc vận hành một salon hay spa diễn ra như thế nào. Hãy nhấp một ngụm cafe và suy nghĩ xem bạn sẽ kinh doanh dịch vụ spa hay mở tiệm cắt tóc? Và sẽ lựa chọn các dịch vụ nào để kinh doanh, vừa phù hợp với thị trường của bạn, cũng như nguồn vốn và chi phí mà chúng ta đang có.
Suy nghĩ thấu đáo rồi, thì hãy tiếp tục chuyển sang phần 3 của chủ đề này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem việc mở spa hay salon tóc sẽ cần những gì? Và thực hiện chúng như thế nào nhé: Kinh doanh spa và mở tiệm cắt tóc: Khảo sát thị trường và xây dựng thương hiệu