Kinh doanh bánh kẹo ngoại “hot” những ngày cận kề Tết

Những năm gần đây, mức thu nhập trung bình của người dân tăng, Việt nam cũng có nhiều mối quan hệ giao thương hợp tác với nhiều tập đoàn bán lẻ đa quốc gia dẫn đến nhiều sự thay đổi trong hành vi và tâm lí người tiêu dùng. Điển hình trong số đó là tâm lí “sính” hàng ngoại. Những ngày Tết cận kề, thị trường tiêu dùng đang nóng lên, không ít người đã sớm tìm hiểu, săn lùng các mặt hàng bánh kẹo ngoại phục vụ nhu cầu gia đình mình. Cũng chính vì vậy xu hướng kinh doanh bánh kẹo ngoại đang nóng hơn bao giờ hết trong những ngày giáp Tết này.

Hiện nay trên thị trường kinh doanh bánh kẹo ngoại rất phong phú và đa dạng xuất xứ từ nhiều nước như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Bỉ… Giá của những sản phẩm nhập khẩu cũng cao hơn giá bánh kẹo trong nước, đặc biệt là các dòng bánh cao cấp như Peperidge Farm, Danisa, Arcor, Roshen, Kalfany, Meiji…. Không chỉ xuất hiện trên các kệ hàng của những cửa hàng chuyên đồ nhập khẩu, các loại bánh kẹo nhập khẩu còn được bán ở các siêu thị, các shop mini chuyên đồ dành cho trẻ. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, mặc dù giá cao hơn các sản phẩm cùng chủng loại được sản xuất trong nước nhưng do nhu cầu khá cao của người tiêu dùng nên những sản phẩm có xuất xứ từ các nước tiên tiến luôn hút khách. Một đặc điểm nổi bật của bánh kẹo nhập ngoại là hương vị và hình thức rất hấp dẫn, bắt mắt. Một hộp bánh quy bơ có xuất xứ Bỉ có giá 55.000 đồng/hộp 100gr thì với hàng nội chỉ có giá 38.000 đồng/hộp.

Một khách hàng ở Đội Cấn cho biết, trẻ em bây giờ chỉ hay ăn vào dịp có sự kiện như sinh nhật, còn bình thường gia đình mua thì chỉ là bánh quy để lót dạ, do vậy ngoài yếu tố dinh dưỡng những người ở thành phố thường chọn mua những loại bánh nhập khẩu để dùng. “Nhu cầu bánh kẹo giờ ít đi nhiều, do vậy khi cần chỉ mua bánh kẹo ngoại. Vì nó ngon, nhiều vị và đặc biệt là chỉ quan tâm đến bánh kẹo nhập khẩu vì mẫu mã phong phú và thật sự ngon hơn hàng trong nước”. Trên các shop online, diễn đàn mạng xã hội cũng luôn rộn ràng những chia sẻ các loại bánh kẹo chuyên dành cho trẻ nhỏ. Các loại bánh ăn dặm, kẹo tăng cường canxi, kẹo chống sâu răng… cũng được các shop quảng cáo rầm rộ những ngày cận kề Tết.

Phong trào này đã mang tới cơ hội kinh doanh tại nhà hoặc kinh doanh online tới cho rất nhiều bạn trẻ có người nhà ở nước ngoài. Mặt hàng được ưa chuộng nhất thường là Chocolate, thậm chí nhiều người còn nhận lấy hàng theo yêu cầu của người tiêu dùng. Ngoài hàng nhập khẩu từ Mỹ và Úc, những năm gần đây hàng Nhật cũng được khách hàng ưa chuộng, phổ biến nhất là các loại có hương vị trà xanh như sôcôla trà xanh, bánh quy hộp có in nhân vật phim hoạt hình…Năm nay, ngoài các loại bánh kẹo ngoại, thị trường Tết năm nay còn có thêm nhiều chủng hàng mới như nho khô Mỹ, hạt macca Úc, mứt chà là, hạnh nhân, nhân quả óc chó, hạt dẻ cười… phần lớn nhập khẩu từ Mỹ, một số nhập từ New Zealand, Úc…Các cửa hàng còn nhận gói giỏ hàng tết theo yêu cầu, thành phần chủ yếu các loại bánh cookie của Mỹ, sôcôla, trà và bánh quy xốp. Trung bình mỗi giỏ quà từ 700.000 đồng đến vài triệu đồng cũng có. Người tiêu dùng thường không tiếc tiền cho những mặt hàng này bởi cũng có tâm lí muốn chọn mua các sản phẩm của các thương hiệu lạ của các nước trên thế giới vì nghĩ chúng sẽ đảm bảo ngon, chất lượng.

Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có những mặt trái của nó, kinh doanh bánh kẹo ngoại cũng như vậy.  Một số dòng bánh cao cấp công bố nhập khẩu từ châu Âu nhưng thực chất sản xuất tại các nước châu Á và đóng gói tại Việt Nam, điều đó cũng giảm sút rất nhiều so với chất lượng thực sự của bánh có nguồn gốc từ châu Âu nhưng lại được bán với giá rất cao. Chưa hết, bánh cao cấp ngoại nhập đã qua hạn sử dụng 12-18 tháng (chỉ còn 6-12 tháng sử dụng) được đưa về Việt Nam để thay đổi bao bì, bán với giá rẻ hơn từ 20%-40% so với giá hàng mới. Chính vì vậy người tiêu dùng cũng nên cẩn trọng, xem kỹ cơ cấu sản phẩm được gói bên trong, tránh mua nhầm hàng ngoại kém chất lượng, vừa ảnh hưởng sức khoẻ người sử dụng đồng thời giảm giá trị, ý nghĩa của món quà gửi trao.


Chia sẻ bài viết này