Đi tìm sự thật về hàng Made in Việt Nam mà bạn vẫn tin dùng

Khi cuộc sống con người được cải thiện, nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao. Để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, hàng loạt các mặt hàng thời trang, giày dép, quần áo, túi xách… với đầy đủ chủng loại, mẫu mã, thương hiệu đã ra đời.

Không chỉ những cửa hàng ngoài đời thực, mà ngay cả những shop quần áo, giày dép online cũng đua nhau quảng bá sản phẩm của mình, với những cái tên quen thuộc như hàng Việt Nam Xuất Khẩu (VNXK), hàng xuất khẩu, hàng xách tay Mỹ, Đức…, nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những cái tên mỹ miều đó, các lô hàng này có nguồn gốc thực chất từ đâu, và chúng được phân phối như thế nào trên thị trường. Trong bài viết này, Kinh Doanh Việt.vn xin chia sẻ một vài thông tin về nguồn gốc của các mặt hàng thời trang, giày dép nói chung trên thị trường, giúp bạn phân biệt một cách chính xác từng loại mặt hàng.

Về cơ bản, nguồn hàng cung ứng tại thị trường hiện nay được nhập từ nhiều nơi, và có nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn khác nhau, nhưng chung quy lại, chúng đều được phân phối ra từ những nơi sau:

Nguồn hàng nhập khẩu

Nguồn hàng nhập khẩu là các loại hàng hóa không phải do Việt Nam sản xuất, mà được nhập khẩu từ nước ngoài về. Về cơ bản chúng được chia thành hai loại.

Hàng nhập khẩu chính hãng

Có nghĩa là các mặt hàng giày dép, thời trang được nhập khẩu trực tiếp về nước thông qua các công ty, các đại lý ủy quyền cho thương hiệu. Do vậy, những mặt hàng này khi mua người dùng sẽ luôn được đảm bảo về tem bảo hành, hay các dịch vụ hậu mãi.

Hàng xách tay

Đây là hình thức nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam không theo cách chính thống, nghĩa là do các cá nhân tự mua bên đó và mang về nước. Thông thường, hàng hóa vận chuyển theo cách này chiếm số lượng khá ít, và người vận chuyển không phải chịu nhiều chi phí thuế nên giá bán ra thường rẻ hơn so với nhập khẩu chính hãng. Tuy nhiên, người mua dễ bị gạt mua phải các mặt hàng xách tay “dởm” được trà trộn lẫn, và không có các chế độ bảo hành, hậu mãi sau khi mua hàng.

Nguồn hàng Việt Nam Gia Công

Đây là loại hàng hóa được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng tất cả các nguyên liệu cần có để sản xuất đều do các công ty bên nước ngoài cung cấp. Nghĩa là các đối tác nước ngoài sẽ gửi đơn đặt đặt hàng, kèm theo các nguyên nhiên liệu để sản xuất. Các nhà máy tại Việt Nam chỉ cần đi thuê nhân lực sản xuất dưới sự giám sát rất khắt khe của các chuyên gia nước ngoài. Do vậy, nếu có các sản phẩm lỗi, hay sản phẩm dư thừa, ngay lập tức chúng đều được tiêu hủy để tránh tình trạn bị tuồn ra ngoài thị trường. Thông thường hàng Việt Nam gia công chúng ta thường gặp là các sản phẩm giày dép, như Nike, Adidas, Mobus, Quick. Chính vì lý do đó, mà chúng ta vẫn hay bắt gặp những đôi giày hàng hiệu, nhưng lại mang mác Made in Việt Nam, bởi theo quy định, khi sản phẩm được sản xuất tại đâu chúng sẽ được ghi mác “made in” tại quốc gia đó. Khi phân phối ra thị trường, các mặt hàng này được tuồn ra từ nhiều cách khác nhau:

Hàng kiểm mẫu

Đây là những mẫu sản phẩm được đem đi kiếm tra chất lượng tại Cục Kiểm tra Chất lượng Sản phẩm (KCS), thông thường chúng ít khi được trả lại kho khi các mẫu được kiểm xong. Do vậy, các sản phẩm này sẽ được mang tặng cho bạn bè, người thân tín, …

Hàng tuồn ra ngoài

Dù được kiểm soát gắt gao và nghiêm ngặt, nhưng sản phẩm vẫn được tuồn ra ngoài thông qua những người quản lý, hay công nhân lấy cắp. Tuy nhiên, số lượng này là rất ít và chiếm phần trăm khá nhỏ.

> Có thể bạn chưa đọc

7 tuyệt chiêu sử dụng Facebook để thăm dò đối thủ cạnh tranh

Bắt kịp xu hướng kinh doanh thời trang cuối năm 2017 đầu 2018

bảng giá website doanh nghiệp

Nguồn hàng VNXK

Cũng giống như nguồn hàng gia công, hàng VNXK cũng được gia công tại Việt Nam, và sau đó xuất khẩu đi các nước EU, Châu Mỹ…. Tuy nhiên, điểm khác biệt của hàng VNXK là các công ty đối tác nước ngoài sẽ không cung cấp nguyên liệu sản xuất, các nhà máy tại Việt Nam chỉ nhận đơn hàng từ đối tác và sau đó đi tìm nguyên liệu để sản xuất theo yêu cầu trong đơn hàng.

Tuy cũng được giám sát nghiêm ngặt trong quá trình sản xuất, nhưng một số lượng không nhỏ hàng VNXK vẫn được tuồn ra ngoài, nhất là khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các sản phẩm do công nhân lấy cắp, phần lớn số lượng còn lại có được do lượng hàng dư ra so với hợp đồng. Khi sản xuất, các công ty thường làm dư ra lượng hàng khoảng từ 3-5%, đề phòng các trường hợp xấu có thể xảy ra (hàng lỗi, hỏng) gây thiếu hàng cho đối tác. Do vậy, sau khi xuất hàng cho đối tác, lượng sản phẩm dư cũng nhiều, và theo quy định các công ty tại Việt Nam có thể bán thanh lý sau khi hàng được xuất đi từ 3-6 tháng.

Mặc dù cũng là hàng VNXK, nhưng cũng rất nhiều các sản phẩm trong đó là hàng lỗi, bởi chúng là những sản phẩm bị thanh lọc, chỉ những mặt hàng được xuất cho các đối tác bên nước ngoài mới thực sự là hàng đạt tiêu chuẩn cả về chất lượng và hình thức, mẫu mã.

Nguồn hàng copy

Hàng copy hay còn gọi là hàng nhái, thực chất cũng được phân ra thành nhiều mức chất lượng khác nhau. Bởi vậy, khi nói đến hàng nhái, không hẳn tất cả đều kém chất lượng, vẫn rất nhiều mặt hàng đạt tiêu chuẩn đến 95% so với hàng thật. Đó chính là các mặt hàng super fake. Về cơ bản, nguồn hàng copy được phân thành các loại:

Nguồn hàng Copy từ nước ngoài

Một chiếc túi da hàng fake cao cấp

Thông thường, nguồn hàng này được các nước Châu Âu đặt đơn hàng và thuê các quốc gia khác như Việt Nam, Trung Quốc sản xuất các mẫu sản phẩm nhái theo các thương hiệu lớn nổi tiếng trên thế giới. Về cơ bản, các mặt hàng thường có mẫu mã y hệt như các sản phẩm thương hiệu, nhưng so về chất lượng, và nguyên liệu sản xuất có phần kém hơn.

Thực chất, nguồn hàng này được tuồn ra trên thị trường rất nhiều, vì 2 lý do chính:

Số lượng hàng dư thừa còn lại sau khi đã xuất hàng theo hợp đồng. Cũng giống như hàng VNXK, khi sản xuất các công ty tại Việt Nam cũng làm dư ra một lượng hàng nhất định để đề phòng bất chắc. Do vậy, khi xuất hàng theo hóa đơn, lượng sản phẩm dư thừa các công ty Việt Nam sẽ được quyền thanh lý.

Một nguyên nhân khác là nếu chẳng may việc làm giả này bị các công ty chính hãng phát hiện ra, các đối tác sẽ bỏ luôn lô hàng đang sản xuất, chấp nhận mất luôn cả số tiền đặt cọc (khoảng 40% giá trị hợp đồng). Để thu hồi vốn cho mình, các công ty Việt Nam sẽ bán các mặt hàng này ra ngoài để thu hồi vốn.

Nguồn hàng Copy trong thị trường nội địa

Phần lớn các nhà sản xuất quần áo hay gia công giày dép tại Việt Nam đều sản xuất mặt hàng này. Nguyên liệu sản xuất thường được họ tận dụng từ những nguyên liệu dư thừa khi làm hàng Gia Công, hay hàng VNXK, bằng cách mua thu gom từ nhiều công ty giày khác nhau. Sau khi sản phẩm được thực hiện hoàn chỉnh, chúng sẽ được bán ra tại thi trường nội địa.

Về cơ bản, do nguyên liệu chuẩn nên các sản phẩm làm ra đều đạt chất lượng. Tuy nhiên, mẫu mã sản phẩm thường được làm khác đi so với những sản phẩm chính hãng.


Chia sẻ bài viết này