Vì sao người Việt thích mua hàng trên eBay, Amazon, Alibaba?

VECOM cho rằng, ngoài việc hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, một lý do nữa để khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng trực tuyến từ nước ngoài nhiều là do các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Rakuten… có uy tín rất cao.

Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2017 vừa được Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam -Vietnam Online Business Forum 2017 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24/2.

EBI 2017 là kết quả đánh giá thị trường thương mại điện tử trên phạm vi cả nước dựa trên dữ liệu thu thập được trong cuộc khảo sát VECOM thực hiện từ cuối tháng 8 đến tháng 11/2016 đối với 3.566 doanh nghiệp với chủ yếu là các công ty TNHH (45%) và công ty cổ phần (34%).

Tại báo cáo EBI 2017, VECOM đã đưa ra nhận định, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, từ năm 2016, thị trường thương mại điện tử Việt Nam bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh hơn song chưa thực sự bền vững do những trở ngại lớn vẫn không thay đổi, đó là lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến còn thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ biến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu và mức chênh lệch rất lớn giữa TP.HCM, Hà Nội với các địa phương khác.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đánh giá, thương mại điện tử xuyên biên giới và bán hàng đa kênh đang nổi lên nhanh chóng. Theo khảo sát năm 2016 của Cục Thương mại điện tử và CNTT tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có tới 32% doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài qua kênh trực tuyến, 11% tham gia các sàn thương mại điện tử và 49% có website.

Trong số doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia khảo sát có website thì tỷ lệ website có tên miền .vn là 46%, có tên miền quốc tế là 54%, trong đó có tên miền .com và .net là 51%. Tỷ lệ website có tiếng nước ngoài là 63%. Theo VECOM, khuynh hướng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng tên miền quốc tế cho website của mình ngược hoàn toàn với các doanh nghiệp chú trọng tới thị trường trong nước.

Các doanh nghiệp cho biết gặp gỡ trực tiếp để đàm phán và ký hợp đồng vẫn là kênh hiệu quả nhất. Với kênh trực tuyến, email là công cụ chủ yếu phục vụ giao kết hợp đồng. Xu hướng các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng các sàn thương mại điện tử quốc tế uy tín ngày càng phổ biến do hiệu quả đem lại từ các mô hình này ngày càng rõ nét và cũng là xu hướng sử dụng của các nhà nhập khẩu toàn cầu.

Theo thông tin từ Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba tại Việt Nam, tính đến năm 2016, số lượng tài khoản thành viên ở Việt Nam trên website Alibaba.com đã đạt mức 500.000 thành viên. Số lượng thành viên tăng trưởng trong 3 năm gần đây trung bình là 100.000 thành viên/năm, gấp tới 10 lần giai đoạn trước năm 2009.

Theo khảo sát của VECOM, khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Đáng chú ý, trong báo cáo Chỉ số EBI 2017 mới công bố, VECOM cũng cho hay, mặc dù chưa có số liệu tin cậy nhưng theo khảo sát của Hiệp hội này thì có sự không cân bằng trong giao dịch trực tuyến qua biên giới giữa nhập khẩu và xuất khẩu với khách hàng cá nhân. Cụ thể, khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam.

VECOM lý giải, nguyên nhân có thể do hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng, phù hợp với một bộ phận lớn người tiêu dùng trong nước, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không qua các nhà phân phối trung gian.

Bên cạnh đó, theo VECOM, nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu như Amazon, eBay, Rakuten… có uy tín rất cao. Trong khi đó, những nhà bán hàng trực tuyến trong nước chưa có đủ uy tín và sự tin cậy của chính khách hàng trong nước.

Cùng với lý do chi phí hoàn tất đơn hàng đối với các hợp đồng mua hàng trực tuyến nước ngoài thấp hơn chiều ngược lại, một nguyên nhân nữa được VECOM đưa ra để lý giải cho việc khách hàng cá nhân Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ trực tuyến từ nước ngoài nhiều hơn so với khách hàng cá nhân nước ngoài mua sản phẩm trực tuyến từ Việt Nam là các nhà sản xuất Việt Nam chưa chú trọng đúng mức tới kênh sản xuất trực tuyến, trong khi chất lượng, hình thức, giá cả của nhiều sản phẩm trong nước lại chưa cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự của nhiều nước khác. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ, thương nhân của một nước dễ dàng bán trực tuyến sản phẩm ở nước khác tới thị trường toàn cầu.

Do vậy, VECOM cho rằng một mặt cần có sự hỗ trợ để việc mua hàng từ nước ngoài của các khách hàng cá nhân Việt Nam thuận lợi hơn, song quan trọng hơn là cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để thương nhân Việt Nam tăng cường các kênh bán lẻ trực tuyến sản phẩm trong nước cho khách hàng ở nước ngoài, coi đây là kênh quan trọng thúc đẩy xuất khẩu trong giai đoạn tới.


Chia sẻ bài viết này