Tại sao bạn phỏng vấn xin việc thất bại? (P2)

Trong phần 1 của bài viết Tại sao bạn phỏng vấn xin việc thất bại? chúng ta đã cùng tìm hiểu 3 lý do vì sao bạn luôn nhận được những cái lắc đầu khi ứng tuyển. Phần 2 ngay sau đây sẽ là những nguyên nhân khác mà các bạn nên xem xét lại để rút kinh nghiệm cho những lần tuyển dụng sau.

4. Đau một lần… rồi thôi

Mười người đi xin việc thì chín người bị từ chối, và hầu hết chín người đó đều lựa chọn… đau một lần rồi thôi. Nghĩa là khi cảm thấy sẽ thất bại sau phỏng vấn xin việc họ từ bỏ luôn, mặc cho nhà tuyển dụng nói rằng sẽ hồi âm hay sẽ cho họ cơ hội khác. Mặc dù đây là đặc điểm tâm lý dễ hiểu nhưng nếu bạn không vượt qua được nó thì còn thất bại dài dài.

Kiên trì cũng là một đức tính mà các nhà tuyển dụng cần ở ứng viên, nếu bạn chỉ vừa thấy nguy đã sớm nản thì đâu ai dám tuyển bạn nữa. Vì vậy sau khi phỏng vấn bạn nên gửi lại một email cảm ơn đồng thời bày tỏ niềm khao khát được làm việc tại doanh nghiệp và mong muốn có một cơ hội thứ hai. Như vậy có thể lần này bạn trượt nhưng lần sau bạn sẽ là người được ưu tiên hơn.

5. Đặt lương lên hàng đầu

Vẫn biết đi làm là để kiếm tiền, bạn hiểu và nhà tuyển dụng cũng hiểu. Trong rất nhiều bài chia sẻ bí quyết khi phỏng vấn hay kinh nghiệm của người đi trước truyền đạt luôn khuyên bạn cần phải coi trọng vấn đề lương thưởng. Tuy nhiên nếu cứ mười câu thì hết bảy câu bạn nói đến lương, bạn yêu cầu thế này, bạn đòi hỏi thế nọ, trong khi không chứng minh được năng lực thực sự của mình thì sớm muộn cũng bị đánh rớt.

Bạn được quyết đề bạt lương, thương thảo mức phù hợp nhưng chỉ nên đưa ra sau khi đã thuyết phục được nhà tuyển dụng rằng bạn phù hợp với vị trí hiện tại mà thôi. Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm, nếu làm không khéo bạn sẽ bị đánh giá là người quá coi trọng vật chất, thiếu các năng lực làm việc khác.

6. Nói quá nhiều về bản thân

Vì để gây ấn tượng cho người phỏng vấn nên nhiều người thường thao thao bất tuyệt về bản thân, về những thành tích tại doanh nghiệp cũ hay về khả năng của mình. Thực ra đây là điều nhà tuyển dụng muốn nghe ở bạn, vừa để đánh giá mức độ tự tin vừa tìm hiểu kỹ năng bạn có, tuy nhiên họ chỉ dừng ở mức muốn biết chứ không muốn thấy sự tự kiêu.

Bạn có thể đã từng tài giỏi, nhưng ở một môi trường mới, công việc mới và những mối quan hệ mới bạn cũng chỉ là một người mới mà thôi. Doanh nghiệp muốn biết bạn sẽ dùng kĩ năng của mình vào việc gì để giúp ích cho sự phát triển của họ hơn là ngồi nghe bạn “chém gió”.

Kinh nghiệm ở đây là chỉ trả lời khi được hỏi, chỉ hỏi khi không hiểu và chỉ nói khi liên quan đến lợi ích.

7. Nản chí

Điều cuối cùng mà chúng tôi hi vọng bạn sẽ không phạm phải là sự nản chí. Vì không phải ai cũng may mắn tìm được công việc thích hợp ngay lần đầu tiên phỏng vấn, hầu hết chúng ta đều trải qua năm lần bảy lượt bị từ chối. Điều quan trọng là bạn phải nhìn lại quá trình xin việc của mình, tự đánh giá xem có phạm phải 6 lỗi trên không hay vì nguyên nhân khách quan nào đó.

Hi vọng rằng sau bài viết này bạn sẽ rút ra những kinh nghiệm để những phần phỏng vấn xin việc sau thành công và vào được công ty như mong muốn!

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Tại sao bạn phỏng vấn xin việc thất bại? (P1)

Những điều cần hỏi khi phỏng vấn xin việc (P1)

Những điều cần hỏi khi phỏng vấn xin việc (P2)


Chia sẻ bài viết này