Câu chuyện muôn thuở của sinh viên mới ra trường là làm sao để tìm được việc, để thoát kiếp thất nghiệp, vì vậy nhiều người cứ mải miết rải hồ sơ, mải miết dự tuyển để rồi đón nhận những cái lắc đầu liên tiếp. Có một thực tế là, khi gặp phải tình huống ấy đa phần lại “mải miết” như cũ với hi vọng tương lai sẽ tìm được việc làm phù hợp mà chưa từng một lần nhìn lại lý do vì sao mình phỏng vấn xin việc thất bại. Bài viết này sẽ nêu ra một số lý do đôi khi chính chúng ta cũng không nhận ra, khiến cho công việc mơ ước ngày càng xa tầm với.
1. Sợ bản yêu cầu công việc
Thông thường, khi đăng tin tuyển dụng các doanh nghiệp luôn có mục yêu cầu công việc bên cạnh những đãi ngộ mà ứng viên sẽ có được. Và nếu bạn để ý, đa số tin tuyển dụng như thế đều liệt kê một danh sách đầu việc với rất nhiều gạch đầu dòng, thậm chí với những vị trí đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao thì còn nhiều hơn. Nhưng khi nhìn vào đó, đa số chúng ta sẽ cảm thấy… hoảng, vì lo sợ bản thân không thể đáp ứng lượng công việc đồ sộ như thế hoặc thiếu tự tin vào kĩ năng của mình dẫn đến suy nghĩ “có nộp CV cũng không được nhận đâu”.
Nếu vì vậy mà không dám nộp hồ sơ thì bạn đã bị loại ngay từ vòng đầu đúng như ý của nhà tuyển dụng. Bản yêu cầu công việc ngoài chức năng mô tả những việc bạn phải làm khi được nhận còn được dùng để sàng lọc, khảo nghiệm ứng viên. Người thiếu kỹ năng, đáng bị loại! Người sợ việc nhiều, đáng bị loại! Người thiếu tự tin, cũng đáng bị loại!
Dĩ nhiên, nếu một nửa trong số danh sách yêu cầu bạn không đáp ứng được thì nên xem xét lại mức độ phù hợp của bản thân. Còn nếu những yêu cầu như thế chỉ là một số ít thì vẫn nên thử nộp hồ sơ, vì thực tế nhiều doanh nghiệp đánh giá cao vòng phỏng vấn và thực hành hơn là hồ sơ.
2. Rải hồ sơ quá nhiều
Tâm lý chung của người khi đi xin việc là thừa hơn thiếu, cứ nộp thật nhiều hồ sơ nếu trượt chỗ này thì còn chỗ khác. Tuy vậy, một bộ hồ sơ không phải giấy in hàng loạt, các loại giấy tờ như bằng cấp, chứng minh thư, sơ yếu lý lịch,… đều cần dấu công chứng y nguyên bản gốc. Trong khi đó sau khi phỏng vấn xin việc thất bại không phải lúc nào người ta cũng trả hồ sơ cho bạn ngay, thậm chí cả tháng sau may ra mới có. Ngoài ra, việc rải hồ sơ tràn lan còn khiến bạn phải “chạy sô” phỏng vấn, có đôi khi buộc phải bỏ chỗ này để đến chỗ kia vì trùng lịch.
Vì vậy, trước khi gửi hồ sơ bạn nên liệt kê các doanh nghiệp đang tuyển dụng theo mức độ phù hợp giảm dần, sau đó lựa chọn khoảng 4 vị trí đầu để gửi. Ngoài ra, khi gửi cũng nên chú ý thời hạn tuyển dụng để căn thời gian được đi phỏng vấn.
3. Nghĩ bằng cấp là nhất
Đây là cái sai mà nhiều người thường gặp khi cầm trên tay tấm bằng loại ưu rồi nghĩ rằng như thế là mình được ưu tiên. Chuyện bằng cấp quyết định đỗ hay trượt khi phỏng vấn xin việc đã là quá khứ từ nhiều năm trước ở nước ta, còn bây giờ nó chỉ là điều kiện cần, khả năng làm việc mới là điều kiện đủ mà các nhà tuyển dụng muốn.
Việc trau dồi kiến thức, thi đỗ các loại bằng cấp, chứng chỉ cao là điều tốt, tuy nhiên những điều đó cũng chỉ giúp bạn làm việc thuận lợi hơn thôi, chứ không có nghĩa nó trở thành tấm vé vàng cho bạn. Cách tốt nhất vẫn là đi làm, đi thực tập ở nhiều nơi trong khoảng thời gian nhất định để tích lũy kinh nghiệm.
(Còn tiếp…)
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Tại sao bạn phỏng vấn xin việc thất bại? (P2)
8 việc làm của sếp khiến nhân viên nghỉ việc (P1)
8 việc làm của sếp khiến nhân viên nghỉ việc (P2)