Với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị di động đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng, tạo nên một kỷ nguyên mới cho Marketing Online. Rất nhiều phương thức tiếp thị độc đáo được sáng tạo hoặc cải biến để phù hợp với trào lưu này, như SMS Marketing, Email Marketing,… Thời gian gần đây một công cụ khác cũng được tận dụng cho việc quảng cáo, đó là mã QR (Quick Response). Mục đích ban đầu của QR code dĩ nhiên không phải dùng cho việc tiếp thị, vậy họ đã biến chúng thành phương tiện truyền tải thông điệp quảng cáo như thế nào và liệu rằng nó có thể sánh ngang với những công cụ hiện tại hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này bạn sẽ rõ hơn.
QR code chỉ là trào lưu hay công cụ Marketing Online mới?
1. QR code là gì và khác mã vạch truyền thống ra sao?
QR code (Quick response code – mã phản hồi nhanh) hay còn được gọi là Matrix-barcode (Mã vạch ma trận), là dạng mã vạch 2 chiều có thể được đọc bởi máy đọc mã vạch hoặc điện thoại thông minh, máy tính bảng đã tích hợp ứng dụng chuyên quét mã vạch. Mã QR có hình vuông nền trắng, bên trong bao gồm nhiều điểm đen và các ô vuông nhỏ hơn. Tốc độ đọc mã QR thường nhanh hơn các loại mã vạch khác.
Về cơ bản thì QR code cũng như mã vạch truyền thống, được dùng rộng rãi trong bán lẻ để lưu trữ thông tin và giá cả của sản phẩm. Nhưng điểm nổi trội của QR code nằm ở khả năng lưu trữ, nếu mã vạch cũ chỉ ghi nhớ được 20 chữ số thì QR cho phép chứa đựng thông tin hàng ngàn chữ số, nhờ vậy mà nó có thể mã hoá nhiều thông tin hơn. Mã QR có thể là một địa chỉ trang web, thời gian tổ chức sự kiện, thông tin liên hệ, địa chỉ email,… tuỳ thuộc vào thiết bị đọc mã mà nó sẽ dẫn bạn đến website đích, tự động gọi tới số điện thoại,… nhờ vậy mà bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian cũng như thao tác thực hiện.
2. Ưu điểm và nhược điểm của QR code
QR code là một công nghệ hiện đại cho phép mã hoá và đọc thông tin nhanh chóng, tiện lợi, dưới đây là những ưu nhược điểm của loại mã này.
Ưu điểm:
Khối lượng thông tin lưu trữ lớn
Thông tin đa dạng
Dễ quét, tiết kiệm thời gian
Nhược điểm:
Bắt buộc phải sử dụng thiết bị quét mã QR hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng cho phép đọc loại mã này.
Chỉ đọc được khi có mạng
Khó khăn với những người lần đầu sử dụng
Chưa phổ biến
Với những ưu, nhược điểm trên, vậy QR code được ứng dụng vào Marketing Online ra sao, hãy cùng tìm hiểu trong phần tiếp theo.
3. Ứng dụng QR code vào Marketing Online
Thứ nhất phải nói đến sự mới lạ của QR code, với những chấm đen và ô vuông đặc thù QR code thu hút người dùng ngay từ cái nhìn đầu tiên, tạo nên sự tò mò nhất định, mà đây chính là thứ tiếp thị rất cần. Ẩn sau những ký tự đặc biệt này lại là các thông tin được trình bày dưới nhiều dạng khác nhau càng kích thích sự khám phá của mọi người, họ đều muốn biết khi quét mã QR sẽ hiện ra điều gì. Dựa vào đặc điểm này mà các nhà tiếp thị có thể “úp mở” hình ảnh, nội dung quảng cáo của mình sau mã QR, ví dụ điển hình nhất là hãng đồ lót nổi tiếng Victoria’s Secret với mẫu quảng cáo dưới đây.
Thứ hai là dùng mã QR để thu gọn thông tin về sản phẩm hoặc doanh nghiệp, điều này được áp dụng khác nhiều trên các sản phẩm bán lẻ. Thay vì ghi một dòng rất dài về tên sản phẩm, giá cả, thuộc tính thì giờ đây chỉ cần một động tác quét mã là mọi thứ sẽ hiện lên màn hình điện thoại của khách hàng.
Chỉ một ô vuông nhỏ sẽ chứa đựng toàn bộ thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp
Thứ ba là mã QR còn được dùng để liên kết tới website của doanh nghiệp hoặc trực tiếp kết nối với đường dây nóng. Khách hàng không phải mất công nhập từng số, từng chữ nữa, chỉ cần quét mã sẽ được tự động chuyển đến trang đích.
Ngoài ra khi dùng mã QR các nhà tiếp thị còn đo đếm được hiệu quả của chiến dịch dựa vào công cụ thống kê số lượt khách hàng truy cập website, số điện thoại, hình ảnh,… thông qua mã. Nhờ vậy mà bạn có thể phân tích, tìm nguyên nhân và đưa ra các biện pháp khắc phục, cải thiện cho chiến dịch sau.
(Còn tiếp…)
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
QR code – Công cụ Marketing Online mới? (P2)
10 bí quyết xây dựng thương hiệu trực tuyến hiệu quả (P1)
10 bí quyết xây dựng thương hiệu trực tuyến hiệu quả (P2)