Tại sao đến bây giờ facebook công bố về nút “dislike” mà không phải vài năm trước? Bí mật gì đằng sau sự thay đổi này khiến cả thế giới sốc này?
Nút Dislike – “đứa con” của sự già hóa người dùng facebook
CEO Mark Zuckerberg ngày 15/9 đã thông báo rằng công ty đang nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm nút tương tác mới: “Dislike”, điều này ngay lập tức trở thành chủ đề “hot” nhất tất cả các trang công nghệ trên toàn thế giới cũng như các group trên facebook. Theo Zuckerberg, tính năng này là một trong những yêu cầu nhiều nhất từ người sử dụng trong những năm qua “Mọi người đã yêu cầu nút Dislike trong suốt bao nhiêu năm trời” và trên thực tế nó sẽ giống một nút bộc lộ sự đồng cảm, chứ không đơn giản là thích hay không thích, khen hay chê. Tuy vậy người sử dụng facebook vẫn chào đòn nồng nhiệt sự kiện này.
Nhưng tại sao đến bây giờ, Facebook mới chịu giới thiệu nút mới sao bao nhiêu năm người dùng phản hồi, thắc mắc, vận động hành lang? Lời giải thích này có thể là do sự thay đổi trong hồ sơ người dùng web. Hiện nay mạng xã hội này đang được sử dụng bởi người trưởng thành nhiều hơn là độ tuổi thanh thiếu niên dễ bị tổn thương.
Một nút “dislike” không quá tiêu cực
Khi người dùng facebook bộc lộ đề nghị về một nút “dislike” trong vài năm trở lại đây thì công ty thực sự đã nghiên cứu vấn đề này từ rất lâu rồi nhưng đơn giản là họ không thích cái nút này, mà theo CEO Mark Zuckerberg mô tả, họ không muốn “biến facebook thành một diễn đàn mà ở đó mọi người ca ngợi hoặc vùi dập những bài viết của người khác. Đó không phải là dạng cộng đồng mà chúng tôi muốn tạo ra”.
Nút like đã trở thành biểu tượng của facebook
Chính vì vậy, từ lâu facebook vẫn luôn né tránh việc bổ sung nút “Dislike” vì lo ngại những tiêu cực có thể xảy ra. “Bạn chắc chắn sẽ không muốn việc bản thân chia sẻ những khoảng khắc quan trọng trong cuộc sống với mọi người nhưng lại bị ai đó không ủng hộ” và “Dislike không phải là những gì chúng tôi hướng tới, chúng tôi luôn muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Đó là những phát biểu của Mark Zuckerberg trước đây, nhưng giờ thời điểm đã tới, Facebook đã quyết định bổ sung nút “Dislike” sau nhiều năm nói điều này sẽ không xảy ra.
Facebook đang cố gắng xây dựng một cộng đồng tích cực, không muốn trở thành một hệ thống như kiểu Reddit, suốt ngày tràn ngập việc upvote hay downvote và ngập tràn những lời chỉ trích. Bằng cách giới hạn khả năng người dùng bộc lộ cảm xúc tiêu cực với chỉ một cú nhấp chuột, facebook cố gắng tạo ra một không gian an toàn về cảm xúc, một sự cân nhắc quan trọng khi nhiều người thuộc độ tuổi vị thành niên và cha mẹ chúng quan tâm rất nhiều đến ảnh hưởng tiêu cực của mọi thứ trên mạng.
Bên cạnh đó, bằng việc tránh ý tưởng về “dislike”, facebook tạo ra một môi trường hấp dẫn cho các nhà quảng cáo – những người mà không muốn thấy thương hiệu của mình bị quá nhiều người không thích. Và nút “dislike” đóng vai trò quan trọng trong thu nhập của facebook. Quyết định người dùng thích một thương hiệu, sản phẩm, bài viết, nghệ sĩ hay bất cứ kiểu nào khác sẽ giống như thông tin tích cực mà facebook sẽ bán cho các nhà quảng cáo.
Tình trạng già hóa người dùng facebook
Facebook không muốn công bố nút “Dislike” sớm do chịu ảnh hưởng từ độ tuổi người dùng nhưng khi đối tượng này thay đổi thì việc tính toán đằng sau nút “dislike” cũng phải “tiến hóa”.
Khi facebook thành lập năm 2004, nó được biết đến như một kênh cho các sinh viên trường Harvard, hầu như người dùng đều từ 18-22 tuổi. Đến năm 2005 nó mở rộng với khối trung học phổ thông, điều này dẫn đến nhân khẩu học của công ty bị lệch sang một bên, theo xu hướng trẻ hóa.
Tuy nhiên đến năm 2006, khi facebook mở cửa để mọi người kết nối Internet, người già bắt đầu tiếp cận mạng xã hội này (ở Việt Nam muộn hơn khoảng 10 năm) và đến ngày nay phần lớn người online facebook trung bình trên thế giới là người lớn tuổi và còn những người trẻ họ đang bắt đầu”nhảy” sang các mạng xã hội khác (nghiên cứu này tính trung bình trên thế giới và tại nước Mỹ, người Mỹ tiếp cận facebook lâu hơn nhiều so với Việt nam và họ cũng có nhiều mạng xã hội khác nhau).
Số liệu từ nghiên cứu của Pew Research Center đã chỉ ra điều này. Tháng 8/2015, Facebook trở thành nền tảng kết nối xã hội phổ biến nhất, nó hấp dẫn hơn 1 tỷ người truy cập mỗi ngày. Tuy nhiên người dùng lớn tuổi ủng hộ facebook nhiều hơn so với người trẻ tuổi: 61,9% người sử dụng facebook trên 25 tuổi. Bên cạnh đó, bán hàng trên Facebook còn là sự lựa chọn của rất nhiều các chủ shop lớn, nhỏ.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây từ ngân hàng đầu tư Piper Jaffray và từ Daniel Miller – một nhà nghiên cứu tại đại học London đã chỉ ra thanh thiếu niên đang rời bỏ facebook với số lượng lớn sang Instagram và Snapchat. (tại Việt Nam 2 mạng này vẫn chưa phổ biến), trong khi đó cha mẹ, ông bà của những đối tượng này lại chuyển đến sử dụng facebook.
Kết quả của sự thay đổi này là dòng new feeds của facebook đã thay đổi, thay vì chỉ có hình ảnh của người đăng thì đã có hình ảnh của các đứa trẻ. Thay vì chia sẻ những chuyện tầm phào ở trường học, người dùng lại chia sẻ những thông tin mới nhất về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Facebook chuyển mình sang báo chí
Như nghiên cứu về nhân khẩu học ở trên về người dùng facebook, công ty này bắt đầu tập trung vào lĩnh vực nhận được sự quan tâm nhiều người người lớn tuổi, đó là tin tức. Facebook đã biến chính bản thân thành một cổng thông tin quan trọng – nơi mà mọi người có thể cập nhật itn tức. Theo Pew, 30% người trưởng thành ở Mỹ đọc tin tức từ facebook, vượt trội hơn nhiều so với 8% của Twitter và 3% của Linkedin năm 2014 (tất nhiên nó vẫn thấp hơn so với 87% người đọc tin tức từ Tivi và 65% từ radio).
Trên thực tế sự thay đổi này là dễ hiểu khi khán giả lớn tuổi quan tâm về tin tức nhiều hơn so với giới trẻ. Những người trưởng thành họ thường chia sẻ tin tức trong ngày và facebook bắt đầu nắm lấy thời cơ để kinh doanh mảng dịch vụ này.
Vậy, tại sao lại là nút “dislike”?
Đưa ra 2 nội dung trên có vẻ không liên quan đến nút “Dislike” nhưng trên thực tế việc Zuckerberg công bố chiến lược mới liên quan rất nhiều đến việc độ tuổi vào facebook đang thay đổi. Những người trưởng thành thường ít bị tác động tâm lý hơn do họ tiếp xúc với nhiều vấn đề ngoài xã hội trong khi đó đối tượng thanh thiếu niên lại dễ bị ảnh hưởng đến cảm xúc, cuộc sống.
Đồng thời với xu hướng của người dùng trong việc cập nhật thông tin, chia sẻ những vấn đề nóng bỏng ngoài xã hội thì nút “Like” không còn phù hợp. “Nếu bạn chia sẻ một điều gì đó không vui, ví dụ như mọi thứ liên quan đến tình cảnh khủng hoảng người tị nạn khiến bạn xúc động hay khi một thành viên gia đình vừa qua đời, thì việc Like các post đó thật không thoải mái chút nào. Nhưng những người bạn của bạn vẫn cần bộc lộ rằng họ biết và muốn bày tỏ sự quan tâm”.
Sự phát triển của nút “không thích” có thể xem như là một sự thừa nhận các trang web đã thay đổi. Nó trở thành một phần của diễn đàn trong đó người lớn thảo luận về các vấn đề của người lớn. Tất nhiên chắc chắn facebook sẽ không để nút mới này mang đúng nghĩa “không thích” hay “ghét” mà chuyển dần sang hướng “cảm thông” hơn nhưng chắc chắn nó là chiến lược nghiên cứu lâu dài của facebook.