Nếu là người chuyên tìm hiểu hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh online thì chắc hẳn bạn sẽ không cảm thấy xa lạ với thuật ngữ SEO. Đây là một trong những phương thức tiếp cận khách hàng nhanh chóng, bền vững nhất và hiện nay đang được rất nhiều người lựa chọn. Nhưng SEO cũng như bất kỳ phương thức hay công cụ tiếp thị trực tuyến nào khác, nó có những khó khăn riêng mà không phải ai cũng hiểu được. Bài viết này sẽ trình bày một số khó khăn khi làm SEO, dành tặng cho các bạn đang muốn trở thành những SEOer chuyên nghiệp để chinh phục từ khoá và leo thang thứ hạng.
1. SEO là gì? Lợi ích của SEO?
Trước khi đi sâu vào những khó khăn của SEO chúng ta sẽ cùng điểm lại định nghĩa và một số lợi ích mà phương thức này mang lại.
SEO – Search Engine Optimization – là tập hợp các phương pháp, kỹ thuật nhằm đưa một website bất kỳ lên thứ hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm (thường là Google) khi người dùng tìm kiếm những từ khoá liên quan đến website hoặc lĩnh vực kinh doanh của website đó.
Để hiểu rõ hơn về lợi ích của SEO chúng ta sẽ lấy một ví dụ đơn giản thế này. Bạn đang muốn mua điện thoại trong tầm giá dưới 5 triệu đồng, để tham khảo trên mạng bạn sẽ lên Google và gõ cụm từ khoá “điện thoại dưới 5 triệu”. Khi kết quả trả về, bạn lựa chọn những trang web nào để click? Là những kết quả đầu hay ở tận trang 2 trang 3? Đa phần chúng ta sẽ chọn lựa những website trong top 10 mà thôi, rất hiếm khi tìm kiếm ở trang 2. Như vậy, khi trang web của bạn có thứ hạng cao khả năng tiếp cận người dùng sẽ tốt hơn, quá trình bán hàng đã thành công một nửa rồi.
Dĩ nhiên để lên được top 10 là điều không hề đơn giản, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh và kỹ thuật của SEOer. Nhưng bài viết này sẽ không đề cập sâu hơn về vấn đề đó, điều chúng ta quan tâm là khó khăn khi làm SEO được trình bày ngay dưới đây.
2. Những khó khăn cần biết khi làm SEO
Khó khăn khi tìm từ khoá tiềm năng
Muốn website của mình tiếp cận được nhiều người dùng thì trước hết bạn phải biết họ thường gõ cụm từ gì mỗi khi tìm kiếm để tối ưu hoá từ khoá đó. Tìm được từ khóa tiềm năng không hề dễ, trước hết bạn phải hiểu về sản phẩm và lĩnh vực kinh doanh của website, sau đó là khảo sát để nắm bắt xu hướng của người dùng, kết hợp kết quả từ hai công đoạn trên mới cho ra danh sách từ khoá tiềm năng. Như vậy ngoài sự nhanh nhạy SEOer còn phải có vốn kiến thức rộng và chăm chỉ tìm hiểu.
Google thay đổi thuật toán liên tục
Nhiều người ví nghề SEO giống như kiếm tiền dưới chân quan, trong đó vị quan có quyền lực phán quyết sinh tử đối với các SEOer không ai khác chính là Google. Mỗi lần Google thay đổi thuật toán tìm kiếm là gần như cả giới SEO chao đảo, điển hình có thể kể đến thuật toán Panda (nhấn mạnh vào nội dung chất lượng), thuật toán Penguin (nhấn mạnh vào hệ thống backlink) hay thuật toán Zebra, Hummingbird, mới đây nhất là Mobile Friendly. Các thuật toán này ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình làm SEO và những kết quả trước đó, thậm chí chúng còn có thể phá hỏng toàn bộ công sức của bạn. Vì vậy trước khi làm SEO cho bất kỳ website nào hãy chắc rằng mình đã hiểu hết những thuật toán hiện hành và sắp được áp dụng trong tương lai.
Không xây dựng được hệ thống backlink hiệu quả
Muốn website có thứ hạng cao thì phải có độ uy tín nhất định, để làm được điều này các SEOer thường xây dựng hệ thống backlink trỏ về từ các diễn đàn chất lượng. Google đánh giá một diễn đàn có chất lượng hay không dựa vào rất nhiều yếu tố, như mức độ tương tác của các thành viên, số lượng bài viết,… mà để tìm được các diễn đàn này vốn không hề dễ, nhất là khi chúng cũng tồn tại nguy cơ sập bất cứ lúc nào.
Viết nội dung
Trong bài viết Làm SEO cần những kỹ năng gì? chúng tôi đã nhấn mạnh ngay từ đầu về khả năng viết lách. Trong hiện tại nội dung vẫn là vua, đối với SEO cũng vậy, nội dung có tốt mới được Google đánh giá cao và dễ lên hạng hơn. Nhưng dù sao đây cũng không phải chuyên môn của SEOer, họ có thể viết nhưng chưa chắc viết đã hay và đủ sức hấp dẫn người đọc, nhất là khi phải SEO cho những website thuộc lĩnh vực không chuyên.
Khách hàng không hiểu về SEO
Ai cũng biết phải SEO thì mới dễ tiếp cận khách hàng, dễ bán sản phẩm nhưng lại ít người hiểu đầy đủ quá trình làm SEO dẫn đến nhiều vụ tranh cãi dở khóc dở cười giữa người thuê và kẻ làm. Đơn cử như khi các SEOer phải tối ưu hoá lại website để SEO onpage, thường thì họ phải sửa đổi tiêu đề trang web, phần mô tả, chèn từ khoá, chèn link,… nhưng nhiều người không hiểu ý nghĩa của việc làm này sau đó bắt họ phải đổi về như cũ. Hay dân SEO vẫn truyền nhau câu chuyện vui bị sếp đuổi việc vì thấy suốt ngày vào diễn đàn “chém gió” mà không chịu làm việc. Để tránh trường hợp này thì tốt nhất hãy thoả thuận với khách hàng ngay từ đầu trước khi làm dự án về những quyền mà bạn được sử dụng.
Những khó khăn khi làm SEO có lẽ không chỉ như vậy, nói ra đây cũng không phải kể khổ mà để mọi người và bản thân SEOer cần biết để rút kinh nghiệm cho những dự án sau này của mình.
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
4 nguyên tắc cơ bản trong SEO để tăng traffic cho website
10 thủ thuật SEO cần tránh nếu muốn lên TOP (P2)
10 thủ thuật SEO cần tránh nếu muốn lên TOP (P1)