Tăng gấp đôi doanh thu bằng cách cải thiện trang sản phẩm trên website (P1)

Trong thực tế, trang sản phẩm là nơi mà khách hàng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng giữa việc có nên mua hàng hay không, nhưng thật không may rất ít người để ý đến điều này khi thiết kế website bán hàng để kinh doanh online. Nhiều chủ shop có xu hướng tập trung vào việc cải thiện trang thanh toán trên website của họ hoặc cố gắng hướng dẫn khách hàng phải làm gì sau khi đã thêm sản phẩm vào giỏ hàng. Nhưng trang sản phẩm mới là nơi giúp bạn gia tăng tỉ lệ chuyển đổi!

Trang sản phẩm không chỉ đóng vai trò liệt kê thông tin chi tiết của sản phẩm mà còn là nơi để bạn cho khách hàng thấy sản phẩm mà mình bán tuyệt vời thế nào, hữu ích với họ ra sao nhằm mục đích thuyết phục họ mua chúng. Bài viết này sẽ chia sẻ một số bí quyết để bạn có một trang sản phẩm hấp dẫn, kích thích người mua và không bỏ sót bất cứ khách hàng nào đã truy cập vào website của mình.

  1. Thêm mục câu hỏi thường gặp ngay phía dưới trang sản phẩm

Đôi khi khách hàng chưa quyết định mua sản phẩm vì họ còn đắn đo về một số vấn đề tuy nhỏ nhưng quan trọng, như chính sách bảo hành, vận chuyển, đổi trả. Mặc dù hầu hết website nào cũng có riêng mục này tại trang khác, nhưng nó buộc khách hàng phải rời khỏi trang sản phẩm để xem, mà như vậy sẽ làm tăng tỉ lệ họ bỏ rơi giỏ hàng. Thế thì tại sao bạn không thêm các câu hỏi thường gặp ngay phía dưới trang sản phẩm nhỉ!

Theo trang phân tích Optimizely, tỉ lệ chuyển đổi của website rollerskatenation.com (chuyên kinh doanh giày trượt patin) đã tăng 69% khi thêm mục câu hỏi tại trang sản phẩm của họ. Còn nếu bạn muốn tham khảo những câu hỏi nên thêm vào thì hãy truy cập tới website skinnyfatties.com, hình ảnh dưới đây được chụp từ trang sản phẩm của họ.

  1. Tích hợp Live Chat

Theo một nghiên cứu của Forrester – trang phân tích tâm lý khách hàng để tư vấn cho doanh nghiệp – tỉ lệ chuyển đổi của website Wells Fargo đã tăng 2 con số khi họ thêm công cụ Live Chat cho trang sản phẩm của mình. Cũng giống như mục câu hỏi thường  gặp, Live Chat giúp khách hàng tiềm năng có được câu trả lời ngay lập tức mà không cần rời khỏi, nhờ vậy mà quá trình ra quyết định  mua sắm của họ không bị gián đoạn.

Ngoài ra, khi trò chuyện trực tiếp với khách hàng, bạn sẽ hiểu nhu cầu và các thắc mắc của họ tốt hơn, qua đó đưa ra lời thuyết phục đáng tin cậy. Thậm chí, kể cả khách hàng không chat với bạn nhưng chỉ cần nhìn thấy khung chat họ cũng yên tâm phần nào, vì họ biết bạn luôn ở bên cạnh sẵn sàng trả lời họ.

Một số công cụ Live Chat mà bạn có thể tham khảo như Subiz, Zopim,…

  1. Video giới thiệu tính năng sản phẩm

Một trong những nhược điểm lớn nhất khi kinh doanh online là khách hàng không thể tiếp xúc trực tiếp để đánh giá, kiểm tra chất lượng và các tính năng của sản phẩm. Mặc dù hình ảnh có thể giải quyết phần nào, nhưng hình ảnh thì có thể trải qua chỉnh sửa nên mức độ tin cậy giảm xuống đáng kể và cũng không thể mô tả đầy đủ về sản phẩm được. Lúc này bạn có thể thêm một đoạn video ngắn, quay lại sản phẩm thực tế, những công năng mà nó làm được, chắc chắn sẽ khiến khách hàng thích thú hơn.

Theo Internet Retailer, StacksAndStacks – website bán đồ gia dụng – đã tăng tỉ lệ khách hàng thêm sản phẩm vào giỏ lên 144% khi cho họ xem một video về sản phẩm.

Đừng nghĩ video là một điều gì đó phức tạp, cần phải dàn dựng cầu kì, đôi khi chỉ cần là đoạn phim không lời như cách SlideBelts làm dưới đây là đủ. Điều quan trọng nhất là cho khách hàng thấy hình ảnh thật và ưu điểm của sản phẩm.

(Còn tiếp…)

Theo Shopify.com

>>5 tính năng Facebook Marketing có thể bạn chưa biết


Chia sẻ bài viết này