Nhức nhối dịch vụ học thuê, thi hộ của sinh viên

Hiện nay trên các diễn đàn, trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những bài đăng với tiêu đề “Nhận học thuê, thi hộ” của các bạn sinh viên, và phía dưới luôn nhộn nhịp với các bình luận “đặt hàng”, ngã giá. Dẫu hình thức này đã bị ngăn cấm từ lâu nhưng vẫn không thể phủ nhận sự tồn tại của nó, ngược lại trong giới sinh viên còn diễn ra phổ biến hơn, phát triển thành hẳn một hệ thống. Thực trạng của dịch vụ này như thế nào? Các trường đại học đã có biện pháp nào hay chưa? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Cả một hệ thống học thuê, thi hộ

Chỉ cần bạn gõ vào ô tìm kiếm của Google cụm từ “học thuê” hoặc “thi hộ”, kết quả hiện ra sẽ lên tới vài chục trang với hàng nghìn bài đăng khác nhau, trong đó top đầu luôn là các hội nhóm trên Facebook. Nhấp vào một nhóm bất kỳ, bạn sẽ bất ngờ với các dịch vụ được cung cấp tại đây.

Không còn đơn thuần chỉ là những dòng chia sẻ kín đáo nữa, mà nhiều người đã công khai tìm người học thuê, thi hộ với nội dung như: “Mình đang cần người học hộ vào các buổi tối thứ 2, 4, 6 môn Triết 1 tại trường…”. Chỉ vừa đăng lên vài phút ngay lập tức đã có người vào nhận việc, thỏa thuận giá cả. Những chủ đề như vậy liên tục xuất hiện với lượng người tiếp cận không hề nhỏ.

Nhiều trang hội nhóm thậm chí còn cung cấp cả dịch vụ học thuê, thi hộ cho người có nhu cầu. Với số điện thoại được ghi trong phần giới thiệu, chỉ cần bạn gọi tới sẽ có người nghe máy và thông báo về đối tượng phù hợp với yêu cầu của bạn cũng như giá cả cho mỗi buổi học. Trung bình một buổi học hộ từ 80.000đ – 100.000đ, nếu là buổi tối sẽ cao hơn một chút. Sau khi trao đổi qua điện, đến hôm hẹn người học hộ sẽ tới để lấy các thông tin của bạn, đảm bảo trót lọt qua những buổi kiểm tra của giáo viên.

Thực tế dịch vụ này nở rộ khi các trường đại học chuyển sang đào tạo bằng chế độ tín chỉ, vì ở chế độ này sinh viên học mỗi môn một lớp, ít khi học chung với nhau nên rất khó kiểm soát sĩ sỗ. Giảng viên khi đứng lớp cũng chỉ điểm danh dựa theo danh sách lớp hoặc đột xuất kiểm tra thẻ sinh viên chứ không thể sát sao được. Lợi dụng cơ hội này mà nhiều người đã sử dụng dịch vụ học thuê để đảm bảo đủ chuyên cần và qua các bài kiểm tra trong kỳ.

Riêng đối với thi hộ thì có rắc rối hơn một chút, vì trước khi vào phòng thi giám thị sẽ kiểm tra ảnh trên thẻ sinh viên. Nhưng những trang cung cấp dịch vụ đã lường trước điều này, họ còn làm giả cả thẻ sinh viên để không bị phát hiện. Mức giá cho một lần thi hộ phụ thuộc vào điểm mà người thi đạt được, nếu điểm cao sẽ có mức giá khác với điểm vừa đủ qua.

2. Biện pháp cứng rắn của các trường đại học

Mặc dù rất tinh vi nhưng cũng không phải không có cách để tra ra người học thuê, thi hộ. Dù đào tạo theo tín chỉ, với môn học khác nhau sinh viên sẽ học ở lớp khác nhau, nhưng trước đó sẽ có một lớp hành chính được chỉ định ngay từ ngày đầu nhập học, và cán bộ lớp hành chính luôn có được danh sách các bạn lớp mình. Nhà trường thường giao cho các cán sự lớp giám sát các bạn để kịp thời phát hiện người lạ trà trộn vào.

Ngoài ra thì một số trường còn làm thẻ sinh viên bằng nhựa cứng, in màu ảnh sinh viên và dấu nổi, tránh việc bị làm giả. Còn đối với thẻ bằng giấy sẽ có dấu giáp lai đặc trưng của trường.

Khi phát hiện ra trường hợp học thuê, thi hộ, mỗi trường lại có biện pháp xử lý khác nhau, nhưng đa phần là đình chỉ từ một  học kì đến một năm, hạ một bậc học bạ và xem xét đuổi học.

Đa phần những người dùng dịch vụ học thuê, thi hộ đều là các bạn sinh viên bận mải làm thêm, tự kinh doanh hoặc người học tại chức. Dù với lý do nào thì việc làm này cũng là sai trái, hi vọng trong tương lai sớm tình trạng này sẽ không còn nữa.


Chia sẻ bài viết này