Bí quyết giảm áp lực trong công việc (P1)

Người ta vẫn thường nói, có áp lực mới có tiến bộ. Theo một số học thuyết cũ, bản tính của con người là lười biếng và luôn đổ lỗi, vì vậy cần phải có người khác hối thúc, tạo áp lực thì chúng ta mới tích cực làm việc. Những nhận xét này thực ra cũng không sai trong một số trường hợp, tuy nhiên nó khá phiến diện và mang ý nghĩa tiêu cực. Áp lực chỉ phát huy hiệu quả khi cần phải cưỡng chế, còn lúc chúng ta làm theo đam mê và sở thích thì không cần người khác tác động cũng sẽ hăng hái làm việc hơn rất nhiều lần. Cũng vì vậy mà không nên quá lạm dụng áp lực, nó ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của con người, lâu dần tạo cảm giác uể oải, chán nản, buông xuôi, mất niềm tin vào bản thân. Nhưng thực tế, hầu hết các công việc hiện nay đều tồn tại áp lực, nó là cách để các nhà quản lý khai thác triệt để khả năng của nhân viên, có thể họ sẽ trả công xứng đáng nhưng đôi khi vẫn không bù nổi di chứng mà áp lực để lại. Đây là thực trạng chung nên chúng ta không thể oán trách mà buộc phải tìm tự tìm hướng giải quyết. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu một số bí quyết giảm áp lực trong công việc với bài viết sau đây.

Di chứng của áp lực là cực kì nặng nề nếu chúng ta không biết cách đối phó và khắc phục

1. Hãy coi áp lực như một thử thách sống còn

Không phải bỗng nhiên người ta nói khi bị đẩy vào ranh giới giữa sự sống và cái chết con người mới bộc lộ hết tiềm lực của bản thân. Vì trong số chúng ta chắc chắn ai cũng có ý chí tồn tại, chỉ cần có thể thì sẽ tìm mọi cách để được sống sót. Dĩ nhiên, việc coi áp lực như một thử thách sống còn không có nghĩa là lấy tính mạng của mình ra đặt cược, đó chỉ là cách nói hình tượng mà thôi. Bạn chỉ cần nghĩ rằng công việc này bắt buộc phải hoàn thành, nếu không bạn sẽ mất hết tất cả, đó là thử thách cuối cùng dành cho bạn. Khi đã có tín niệm chúng ta sẽ có động lực để làm việc, áp lực lúc này chuyển biến thành mục tiêu, mặc dù không thể xua tan cảm giác hối thúc nhưng cũng làm giảm bớt phần nào sự mệt mỏi, uể oải trong bạn.

2. Đây là một cơ hội!

Thông thường những công việc có áp lực cao thì những đãi ngộ sau đó chắc chắn rất hấp dẫn, đây là phương thức quản lý cây roi và củ cà rốt khá phổ biến. Thay vì nghĩ rằng mình bắt buộc phải hoàn thành công việc này như một nghĩa vụ thì hãy coi đây như một cơ hội để được thăng tiến. Bạn bỏ công sức ra, bạn chăm chỉ làm việc, bạn luôn đạt chỉ tiêu đúng thời hạn, thậm chí còn xuất sắc hơn yêu cầu trước đó thì chắc chắn các sếp cũng nhận ra điều ấy, và nếu họ là một lãnh đạo giỏi, quan tâm đến nhân viên, họ sẽ tăng  lương, tặng thưởng, đề bạt hoặc ít nhất là chú ý đào tạo bạn. Cố gắng trèo lên đỉnh núi sẽ thấy được ánh bình minh, sau áp lực là cơ hội, cứ tin tưởng như vậy đi!

3. Tập trung vào công việc, đừng nhìn kết quả

Có đôi khi bạn thực sự “muốn bùng cháy” vì công việc quá áp lực

Một trong những cách tạo áp lực phổ biến nhất là đề ra mục tiêu “vượt giới hạn” nào đấy rồi bắt buộc phải hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định. Thực tế thì có hơn một nửa trường hợp trong số đó sinh ra cảm giác chán nản rồi chấp nhận buông xuôi, vì họ nhìn vào cái mục tiêu xa vời vợi ấy và thấy rằng dường như mình càng cố gắng lại càng vô vọng hơn. Thế thì, đừng nhìn vào nó nữa, cứ tập trung vào công việc hiện tại đi đã, cứ cố gắng hết mình để làm thật tốt những thứ phải làm đi đã, còn kết quả tính sau. Có người nói rằng, làm nhưng không hiệu quả thì làm làm gì. Đúng, chưa chắc cố gắng hết sức đã thành công, nhưng không cố gắng cũng đồng nghĩa với việc bạn xác nhận mình thất bại ngay từ đầu rồi.

Thực ra các sếp đề ra mục tiêu cao như vậy nhưng lại coi trọng quá trình hơn kết quả, vì kết quả có thể là sự bùng phát nhất thời còn quá trình mới lâu dài và ổn định. Tạo ra áp lực để bạn thấy rằng, à, mình vẫn chưa tận dụng hết khả năng của mình mà thôi, chỉ cần cố gắng tập trung vào công việc thì hiệu quả sẽ cải thiện dần dần. Thế nên, hãy làm thật tốt những gì được giao chứ đừng chăm chăm nhìn vào kết quả rồi so sánh hơn thua!

4. Hãy lập một kế hoạch

Trạng thái rối loạn là tác dụng tâm lý tiêu cực rõ rệt nhất mà áp lực mang lại, càng bị dồn nén quá nhiều chúng ta càng dễ mất kiểm soát khiến công việc đã khó khăn càng trở nên tồi tệ hơn. Để không lâm vào tình trạng này hãy lập cho mình một bản kế hoạch ngay khi được bàn giao công việc. Lúc này bạn sẽ biết cần phải gì và làm như thế nào cho từng giai đoạn, bạn giành thế chủ động chứ không bị công việc chi phối nữa, mà càng bình tĩnh thì bạn càng cho ra những quyết định sáng suốt hơn.

(Còn tiếp…)

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

 Bí quyết giảm áp lực trong công việc (P2)

Bí quyết giảm áp lực trong công việc (P3)

Tặng quà – một phương thức marketing hữu hiệu


Chia sẻ bài viết này