Mở quán cà phê cần chuẩn bị những gì? (P1)

Cũng giống như lĩnh vực nhà hàng, kinh doanh cà phê là ý tưởng được rất nhiều người lựa chọn khi quyết định khởi nghiệp. Tuy nhiên sức hấp dẫn luôn song hành cùng sự cạnh tranh, số lượng quán cà phê trong một khu phố thậm chí lên đến hàng chục, để tồn tại được bạn phải có những bí quyết riêng. Bài viết này sẽ chia sẻ một số việc cần chuẩn bị để mở quán cà phê thành công

1. Xác định vốn

Vốn sẽ là vấn đề đầu tiên mà bạn cần quan tâm khi khởi nghiệp kinh doanh, không có vốn thì mọi kế hoạch của bạn chỉ nằm trên bàn giấy mà thôi. Trước khi mở quán cà phê bạn nên xác định số vốn hiện có và các phương pháp huy động vốn. Bạn có thể tận dụng các mối quan hệ bạn bè, gia đình để mượn vốn, nếu không thì vay ngân hàng hoặc kêu gọi các nhà đầu tư. Những con số về vốn cần phải chính xác, không phải ước lượng trong khoảng, 200 triệu là 200 triệu, 210 triệu là 210 triệu. Trong đó chia ra làm hai phần dành cho chi phí cơ sở và chi phí lưu động. Khoản để đầu tư cở sở sẽ dùng cho việc thuê mặt bằng, trang trí, lắp đặt thiết bị,… Còn khoản lưu động là những chi phí phải bỏ ra hàng tháng như tiền điện nước, thuê nhân viên, mua nguyên liệu, quảng cáo,… Ngoài ra chi phí rủi ro cũng nên được chuẩn bị sẵn để phòng ngừa những trường hợp không dự đoán trước.

2. Xác định đối tượng khách hàng

Kinh doanh cà phê cũng có nhiều kiểu, mỗi kiểu lại phục vụ một nhóm đối tượng khác nhau. Vì vậy việc tiếp theo mà bạn cần làm là định hướng khách hàng mục tiêu cho mình. Để không phạm phải sai lầm thì tốt hơn hết bạn hãy làm một cuộc khảo sát nhỏ trên mạng và trong thực tế để xác định nhu cầu của từng đối tượng khác nhau, vì cà phê mặc dù phổ biến nhưng không phải ai cũng thích vị đắng của nó. Kết quả của cuộc khảo sát còn cho bạn biết xu hướng uống cà phê hiện nay ra sao để đưa ra những cách pha chế phù hợp.

3. Xác định phong cách quán cà phê

Nếu bạn chịu khó tìm hiểu về những cách thức kinh doanh cà phê thì chắc chắn sẽ biết mở quán cà phê cũng có nhiều kiểu khác nhau. Đó có thể là phong cách truyền thống với những ly cà phê đen và không gian yên tĩnh. Hoặc là phong cách mang hơi hướng teen dành cho giới trẻ với thực đơn nhiều món uống mới lạ. Hay thậm chí là những phong cách khá lạ và độc như cà phê sách, cà phê ngủ, cà phê mang đi,… Mỗi phong cách lại đi theo một mô hình kinh doanh khác nhau dẫn đến việc bài trí, lên thực đơn và phục vụ cũng không như nhau. Bạn cần chọn một phong cách phù hợp với đối tượng mà mình hướng đến, trong khoảng nguồn vốn cho phép và hợp xu hướng hiện nay.

4. Thuê mặt bằng

Không phải ai khi mở quán cà phê cũng có sẵn mặt bằng mà hầu hết đều phải đi thuê lại. Địa điểm, diện tích là những yếu tố rất quan trọng khi lựa chọn mặt bằng mà bạn phải cân nhắc thật kĩ.

Đầu tiên là địa điểm, quán cà phê nhìn chung đều cần yên tĩnh, chỉ có một sô ít như cà phê nhạc sống là ngoại lệ, vì vậy không nhất thiết bạn phải chọn mặt đường lớn để mở quán. Nhưng cũng không nên chọn các ngõ quá sâu hoặc khó tìm, gây khó khăn cho khách hàng mới. Đặc biệt, các quán cà phê có tầm nhìn đẹp sẽ được khách hàng ưa thích hơn, bạn có thể lựa chọn các địa điểm gần công viên, bờ hồ,…

Thứ hai là diện tích, không nhất thiết phải quá rộng nhưng phải đủ chỗ để bày được hai dãy bàn. Vì khách hàng sẽ ngồi lại quá khá lâu nên quán phải có sức chứa cho từ 20 đến 30 người một lúc. Ngoài ra bạn cũng nên chú ý đến nơi để xe cho khách, không được chắn lối đi và phải dễ dàng dắt ra vào.

(Còn tiếp…)

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

 Mở quán cà phê cần chuẩn bị những gì? (P2)

7 điều cần phải có khi lập kế hoạch kinh doanh quán cafe

4 điều cần thuộc lòng khi tính chuyện mở nhà hàng


Chia sẻ bài viết này