Đôi khi khởi nghiệp chúng ta cứ muốn tìm một ý tưởng kinh doanh cao xa, mới lạ và mong muốn nó mang tính đột phá, lớn lao nào đó. Nhưng thật ra có những thứ gần gũi mà bạn vẫn nghe tới, vẫn nhìn thấy hàng ngày lại cực kì tiềm năng nếu biết cách buôn bán. Chẳng hạn như các món đặc sản miền quê, vừa đảm bảo yếu tố độc đáo vừa được nhiều người biết tới lại phù hợp với các mô hình kinh doanh nhỏ. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý tưởng ấy và các tiềm năng cũng như khó khăn cần biết.
-
Những tiềm năng của ý tưởng kinh doanh đặc sản miền quê
Nguồn hàng sẵn có
Hầu như bất cứ vùng miền nào tại nước ta cũng có ít nhất một món đặc sản đặc trưng của vùng đó, ví như đặc sản miền tây có kẹo dừa Bến Tre, khô cá Cà Mau, đặc sản miền bắc lại có cốm làng Vòng Hà Nội, bánh đậu xanh Hải Dương,… Sở dĩ chúng trở thành đặc sản vì nguồn nguyên liệu sẵn có, cách chế biến đơn giản mà độc đáo. Đây là một điều kiện rất thuận lợi khi bắt đầu kinh doanh, bạn sẽ không phải vất vả ngược xuôi đi tìm nguồn hàng, chỉ cần đến các vùng chuyên sản xuất để đặt mối tận gốc là được, giá cả lại cực kì rẻ vì sản lượng nhiều.
Thị trường tiêu thụ rộng
Các món đặc sản không chỉ được tiêu thụ nhiều tại vùng đó mà càng là mặt hàng “hot” ở những vùng miền khác. Vì nếu muốn được ăn đặc sản chuẩn vị thì các thực khách buộc phải đặt hàng từ những địa danh khởi nguồn của nó. Nhờ vậy mà khi kinh doanh bạn không phải quá lo lắng về việc mở rộng thị trường, chỉ cần khéo léo một chút bạn sẽ dễ dàng thu hút được nhiều khách hàng mới. Vì thế đã có rất nhiều cửa hàng bán đặc sản các vùng miền xuất hiện.
Nhu cầu của thị trường cao
Vì đa phần các loại đặc sản đều là thực phẩm nên rất dễ bán. Bên cạnh việc cung cấp cho nhu cầu của khách hàng trong tỉnh, đặc sản miền quê còn thường được dùng làm quà biếu, quà du lịch dành tặng người thân, bạn bè ở tỉnh xa. Thậm chí một số loại đặc sản còn được xuất khẩu sang nước ngoài phục vụ cộng đồng Việt kiều.
Sản phẩm độc đáo
Kẹo dừa thì nơi nào cũng có thể làm, khô cá thì các vùng biển không thiếu, nhưng tại sao cứ phải là kẹo dừa Bến Tre mới thơm, khô cá Cà Mau mới ngon? Là vì cùng giống dừa như trồng ở Bến Tre sẽ cho quả khác, cùng giống cá ấy nhưng tẩm ướp theo công thức riêng của Cà Mau lại tạo ra hương vị đặc biệt. Đây chính là lợi thế của đặc sản, hiếm nơi nào có thể bắt chước giống y chang những món ấy giống vùng quê nguồn gốc của chúng. Bởi thế khi kinh doanh bạn sẽ không phải lo lắng vì những sản phẩm tương tự khác.
-
Kinh doanh nhỏ có nên chọn đặc sản miền quê hay không?
Hầu hết các món đặc sản đều có giá bán khá rẻ vì sản lượng nhiều, tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt như yến sào Khánh Hòa chẳng hạn. Mặc dù vậy thì ý tưởng kinh doanh đặc sản miền quê vẫn phù hợp để kinh doanh nhỏ với các mặt hàng thông thường.
Tất cả những tiềm năng đã được phân tích ở mục 1 đều thuận lợi để bắt đầu kinh doanh với số vốn ít. Nguồn hàng sẵn có sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí nhập hàng, các tiềm năng của thị trường lại giảm tối đa chi phí để tiếp cận người mua, còn riêng đặc trưng của sản phẩm lại làm giảm tỉ lệ cạnh tranh đáng kể. Ngoài ra kinh doanh đặc sản miền quê còn phù hợp với mô hình kinh doanh online, bạn không nhất thiết phải mở một cửa hàng vật lý để buôn bán mà chỉ cần website hoặc tận dụng mạng xã hội là đủ. Rất nhiều tấm gương thành công, đưa đặc sản quê mình tới hàng nghìn khách hàng thông qua Internet.
-
Khó khăn cần phải biết khi kinh doanh đặc sản miền quê
Chọn nguồn hàng đảm bảo chất lượng
Nguồn hàng đặc sản miền quê thường rất dễ tìm nhưng để chọn được nơi cung cấp sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lại không dễ. Vì rất nhiều nơi sản xuất đặc sản theo phương thức thủ công, khâu làm sạch và bảo quản thường không tốt làm giảm chất lượng của thành phẩm. Vậy nên trước đó bạn phải dành thời gian để làm khảo sát thật cẩn thận các mối hàng ở vùng đó, chọn lọc nơi đảm bảo cả số lượng và chất lượng.
Vận chuyển khó khăn
Để lấy được hàng tận gốc bạn buộc phải đặt tại nơi sản xuất, đa phần đều ở tỉnh ngoài. Thêm vào đó sản phẩm chủ yếu là đồ ăn nên quá trình vận chuyển có thể làm ảnh hưởng tới chất lượng đặc sản.
Xây dựng uy tín
Vì đặc sản tận gốc phải tốn phí vận chuyển cao nên hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại “hàng nhái” giống về hình thức nhưng khác về hương vị. Nên làm thế nào để khách tin rằng mình bán đặc sản vùng miền không phải “hàng nhái” là vấn đề quan trọng nhất mà bạn phải giải quyết được. Một số nơi đề ra chính sách cam kết hoàn tiền 100% nếu phát hiện đồ nhái, một số lại cho phép khách hàng ăn thử trước khi mua. Dù là cách nào thì vấn đề uy tín vẫn cực kì quan trọng khi kinh doanh đặc sản miền quê.
Giữ được độ tươi, ngon
Đây là thách thức rất lớn với những loại đặc sản tươi sống như hoa quả, hải sản,… Trong thực tế các siêu thị lớn cũng bày bán đặc sản từ nhiều vùng khác nhau, nhưng đa phần đều là đồ đông lạnh. Khách hàng không chọn mua ở đó mà tìm đến bạn vì họ muốn được ăn các món đặc sản vẫn còn tươi sống, đảm bảo sự thơm ngon. Trong khi đó vấn đề vận chuyển từ tỉnh khác lại dễ gây ảnh hưởng tới điều này. Vì vậy bạn phải tìm ra giải pháp tối ưu để cân bằng giữa các khoản chi phí và chất lượng hàng hóa.
Trên đây là những phân tích của chúng tôi về ý tưởng kinh doanh đặc sản miền quê, nhìn chung lại nó rất phù hợp với mô hình kinh doanh nhỏ, cần ít vốn. Hi vọng bài viết sẽ đáng giá để bạn tham khảo!