Cử nhân về quê kiếm tiền tỷ nhờ ý tưởng kinh doanh nông nghiệp (P1)

Cầm trong tay tấm bằng cử nhân đa số sinh viên mới ra trường đều lựa chọn các thành phố lớn để bắt đầu sự nghiệp của mình. Nhưng có những người không lựa chọn con đường đó, họ mang trong mình hoài bão lớn, một đam mê kinh doanh cháy bỏng và khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, họ rời xa thành phố, dùng kiến thức mình học được trong những năm qua để khởi nghiệp với những ý tưởng kinh doanh nông nghiệp độc đáo. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những doanh nhân trẻ kinh doanh và quản lý bán hàng online gì ở nông thôn để trưởng thành trên đất mẹ ấy nhé!

1. Trang trại tiền tỉ nơi nông thôn

Mặc dù là cử nhân ngành công nghệ thông tin của trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, một ngành rất hot vài năm trở lại đây, nhưng anh Nguyễn Thanh Tuấn quê gốc tại Quảng Nam lại từ bỏ con đường làm nhân viên văn phòng nhàn hạ để về quê trở thành ông chủ của trang trại kỳ nhông, kỳ đà. Khi được hỏi lý do cho lựa chọn này anh mỉm cười chia sẻ, vì xuất thân từ gia đình nông dân lại thêm những năm tháng sinh viên tình nguyện giúp đỡ bà con nên anh cảm thấy yêu nghề nông, yêu ruộng đồng và muốn gắn bó với nó. Thế nên, vào năm 2005, chàng trai trẻ đã quyết định về Tam Hiệp mở một trang trại với số vốn vỏn vẹn 60 triệu đồng.

Với diện tích hơn 16.000 mét vuông anh dành để nuôi kỳ nhông, kỳ đà, cá, ba ba và để trồng cây hoa quả. Và cho đến nay, cơ ngơi của anh đã lên đến hơn 6 tỷ đồng, trong đó nguồn thu nhập chính từ việc bán các con vật nuôi. Không chỉ làm cho mình, anh Tuấn còn trở thành một giáo viên bộ môn chăn nuôi của Trung tâm dạy nghề tỉnh Quảng Nam với mong muốn phổ biến, hướng dẫn cho người dân các kinh nghiệm nuôi trồng mà mình có được.

Chẳng những thế, Nguyễn Thanh Tuấn còn thành lập Công ty TNHH MTV Ân Cát với mục đích chính để hỗ trợ nhiều thanh niên khởi nghiệp, nhờ anh mà tại quê nhà đã có rất nhiều người ăn nên làm ra bằng nghề nuôi kỳ nhông.

Từ những thành công đáng nể ấy, năm 2010 anh được vinh dự nhận giải thưởng cao quý Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Và vào năm 2011, nông trại của anh đã lọt top 10 trang trại vàng tiêu biểu toàn quốc.

2. Ý tưởng kinh doanh ở nông thôn với vườn phật thủ kiếm tiền tỉ

Về miền núi Lang Chánh tỉnh Thanh Hoá hỏi Phó bí thư Đoàn – Phạm Thị Xuyến chắc chắn ai cũng biết, họ còn nhón tay chỉ về hướng vườn cây xanh bát ngát rộng hơn 4ha mà giới thiệu “Vườn Phật Thủ tiền tỉ đấy!”. Thế mới biết cô gái 9x này có biết bao tiếng lành ở chốn thôn quê, cũng bởi ý chí làm giàu cho mảnh đất nghèo khổ ấy.

Phạm Thị Xuyến là chị cả trong một gia đình chuyên nghề nông, từ nhỏ đã thấu hiểu những cực nhọc vất vả của bố mẹ cũng như người dân miền núi xứ Thanh, thế nên thay vì xin vào làm công tác đoàn ở tỉnh sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cô đã quyết định về với quê hương, về để vực cái nghèo cái khổ dậy.

Ý tưởng kinh doanh cây bưởi phật thủ đến với Xuyến không hề dễ dàng, bởi ở vùng đất nghèo khổ này chẳng ai dám tin loại cây “sang chảnh” ấy có thể sống nổi, nên khi Xuyến chạy vạy tiền vốn để gây dựng 4 sào đất trước đề trồng sắn, trồng mía thành mảnh vườn phật thủ ai cùng lắc đầu không tin. Xuyến cũng chia sẻ, ngày đầu mang cây giống về trồng lại đúng thời điểm khô hạn, mấy chị em phải đi xa hàng cây số gánh nước về, rồi cứ như vậy cho đến ngay vườn cây càng xanh tươi, cho ra đời từng quả từng quả bưởi nặng trĩu xoè ra như tay Phật.  

Cho đến nay, vườn phật thủ của Xuyến đã có hơn 330 gốc, mỗi gốc cho từ 30 – 40 quả, Xuyến nói nếu biết và làm chuẩn theo các bước chăm sóc thì cây có thể ra quả quanh năm, chứ không chỉ vào dịp Tết. Bình thường một quả phật thủ có giá dao động từ 50.000đ – 80.000đ, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết thì tăng gấp 6 7 lần như thế. Mỗi năm vườn phật thủ mang về cho Xuyến cả mấy trăm triệu đồng.

Trồng ra quả là một chuyện, tìm mối bán lại là chuyện khác. Không chỉ cung cấp bưởi phật thủ cho thị trường Thanh Hoá, Xuyến còn tìm mối trên Hà Nội và những tỉnh lân cận khác, nhờ vậy mà chẳng bao giờ cô ế hàng. Với tư cách là một bí thư Đoàn, Xuyên cũng không hề giữ nghề, cô thoải mái chia sẻ kinh nghiệm trồng và bán bưởi phật thủ cho nhiều người khác, đặc biệt là lớp thanh niên để giữ họ ở lại với mảnh đất Thanh Hoá quê mình, làm giàu cho xứ nghèo này.

Nhờ có Xuyến, nhờ có quyết tâm của chị mà người ta nhận thấy thì ra ở đâu cũng có thể làm giàu được, chỉ cần cố gắng và tìm hiểu thật kĩ thị trường.

Hai câu chuyện đầu tiên đã cho ta thấy những ý tưởng kinh doanh gì ở nông thôn tuy không mới nhưng lại mang lại hiệu quả cao. Hãy tiếp tục theo dõi phần 2 để biết những tấm gương khác cũng bước khỏi nghèo khó từ chính vùng quê của họ.

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Cuộc “xâm lược” của mỹ phẩm giả trên thị trường

Bạn đang ở “tuổi nào của kinh doanh”?

 Cử nhân về quê kiếm tiền tỷ nhờ ý tưởng kinh doanh nông nghiệp (P2)


Chia sẻ bài viết này