Các yếu tố đánh giá CV xin việc chuyên nghiệp của ứng viên

Đầu năm được ví như mùa tuyển dụng, các công ty từ lớn đến bé đều đẩy mạnh chiến lược “săn nhân tài” vào dịp này để chuẩn bị khởi động kế hoạch kinh doanh đã chuẩn bị từ năm ngoái. Cũng vì vậy mà đây là thời điểm rất nhiều người cùng nộp CV xin việc một lúc, mặc dù điều đó rất tốt nhưng dễ dẫn tới tình trạng quá tải, khiến cho quá trình đánh giá CV không được chính xác. Dưới đây là những yếu tố đánh giá giúp bạn biết thế nào mới là CV xin việc chuyên nghiệp, qua đó để lọc ứng viên, xác định ai có tố chất phù hợp với công ty của bạn.

Thế nào là một CV xin việc chuyên nghiệp?

  1. CV xin việc là gì? CV bao gồm những thông tin nào?

CV là từ viết tắt tiếng Anh của Curriculum Vitae, nghĩa là sơ yếu lý lịch, nhưng không phải dạng lý lịch gia đình như khi kê khai giấy tờ mà là kinh nghiệm học tập và làm việc của ứng viên. CV sẽ cho nhà tuyển dụng biết ứng viết có đã từng làm việc tại đâu, kinh nghiệm và kỹ năng như thế nào, đồng thời cũng bộc lộ mục tiêu nghề nghiệp của các ứng viên. Cụ thể, trong CV thường bao gồm các thông tin sau:

– Thông tin cá nhân ứng viên: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, phương thức liên lạc (số điện thoại, email, facebook cá nhân,…)

– Bằng cấp: Các bằng cấp mà ứng viên đạt được tính từ cao đẳng/đại học trở lên, ví dụ như bằng cử nhân, các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học,…

– Quá trình làm việc trước đây: Liệt kê các công việc mà bạn đã từng làm, kể cả việc công tác viên, thực tập,… nếu hữu ích.

– Kỹ năng: Bao gồm các kỹ năng làm việc mà ứng viên có, cần đánh giá xem những kỹ năng phù hợp với vị trí đang ứng tuyển hay không.

– Mục tiêu nghề nghiệp: Phần này thể hiện mục tiêu phấn đấu trong công việc của ứng viên, bao gồm ngắn hạn và dài hạn, thể hiện họ là một người có chí vươn lên và biết định hướng tương lai.

  1. Thế nào là một CV xin việc chuyên nghiệp

Mặc dù các thông tin trong CV không có gì đặc biệt nhưng nó lại là thứ đầu tiên giúp ứng viên gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng, quyết định họ có vượt qua vòng sơ khảo hay không. Dưới đây là một số yếu tố đánh giá CV chuyên nghiệp hay không:

Viết rõ ràng, ngắn gọn

Hiểu đơn giản thì CV là bản sơ yếu lý lịch làm việc, nó khác với bản tường trình, vì vậy nguyên tắc đầu tiên khi viết CV là “ngắn gọn”. Một bản CV chuyên nghiệp không bao giờ quá hai trang, kể cả khi kinh nghiệm làm việc của ứng viên có nhiều đến mấy thì cũng cần tóm gọn chúng lại, vì chắc chắn bạn sẽ không có nhiều thời gian để đọc hết và tỉ mỉ từng chi tiết khi bên cạnh còn cả trăm CV đang chờ.

Nguyên tắc thứ hai của bản CV hoàn hảo là “rõ ràng”, không sử dụng cách viết nước đôi, không chắc chắn như “cũng tốt”, “có thể làm”,… Nộp CV là để khẳng định khả năng của bản thân, nếu ứng viên viết như vậy sẽ cho  thấy chính họ cũng không tự tin với kỹ năng của mình, như thế trong quá trình làm việc sẽ không đạt hiệu quả cao.

Đưa ra các dẫn chứng xác thực

Các nhà tuyển dụng không thích những bản CV “thùng rỗng kêu to”, họ rất phản cảm với những ai kể ra được nhưng không làm được. Trong khi đó nhiều ứng viên lại thích thể hiện mình tài giỏi nên đã cố tình nói quá lên kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Vì vậy những CV xin việc chuyên nghiệp thường đưa ra các bằng chứng về dự án, bài báo,… mà ứng viên đã làm được, giúp bạn có thể kiểm chứng lại thông tin.

Nhấn mạnh vào các kỹ năng liên quan đến vị trí tuyển dụng

Để thể hiện mình phù hợp với công việc đang tuyển nhân viên, ứng viên cần cho phía công ty thấy các kỹ năng liên quan tới công việc đó. Ví dụ họ muốn làm truyền thông, họ phải cho thấy bản thân có khả năng tổ chức sự kiện, quan hệ báo chí, viết các bài PR cho công ty,… chứ không phải các kỹ năng như bán hàng hay tư vấn khách hàng. Tương tự như vậy với phần kinh nghiệm làm việc, những việc không liên quan như phát tờ rơi, dạy gia sư,… mà được đưa vào thì chứng tỏ đó không phải bản CV xin việc chuyên nghiệp.

Trình bày rõ ràng, không sai chính tả

Tưởng tượng bản CV giống như một bộ quần áo, và ứng viên phải mặc làm sao để cho nhà tuyển dụng thấy rằng nó đẹp lộng lẫy. Muốn vậy thì chắc chắn họ phải biết phối đồ hài hòa, cũng như trình bày các ý trong CV rõ ràng, ngắt câu, xuống dòng, gạch đầu dòng hợp lý, dễ hiểu. Đặc biệt không bao giờ được phépmắc lỗi chính tả, bản CV càng chỉn chu thì  càng thể hiện ứng viên là người cầu toàn trong công việc.

Trên đây là một số yếu tố đánh giá một bản CV xin việc chuyên nghiệp hay không. Hãy tham khảo và áp dụng ngay để chọn ra những CV xuất sắc nhất, giúp bạn tìm về các nhân viên giỏi nhất!

>>5 bí quyết phỏng vấn khi tuyển nhân viên bán hàng


Chia sẻ bài viết này