Mở cửa hàng tạp hóa cần chuẩn bị những gì?

Thói quen mua bán hàng hóa tại các cửa hàng tạp hóa đã ăn sâu vào người dân của các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Vì thế trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh một số mặt hàng như chuyên bán rau sạch, chuyên bán đồ bách hóa… thì những cửa hàng tạp hóa vẫn có sức sống riêng, phù hợp với việc mua bán nhanh, di chuyển quãng ngắn của người dân. Do đó, mở và quản lý cửa hàng tạp hóa là một trong những hướng đi mới để kinh doanh, kiếm thu nhập tốt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Dưới đây Blog Kinh Doanh Việt sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: “Mở cửa hàng tạp hóa cần chuẩn bị những gì?” để lên kế hoạch kinh doanh hoàn hảo nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm mở cửa hàng tạp hóa

Mở cửa hàng tạp hóa cần chuẩn bị những gì?

Địa điểm thích hợp để kinh doanh cửa hàng tạp hóa là khu vực bệnh viện, khu vực gần thang máy chung cư, tòa nhà tập thể, làng sinh viên hoặc tại các khu công nghiệp, bến xe,… Đây là những khu vực đông dân cư, lượng người qua lại lớn và nhu cầu các mặt hàng thiết yếu rất cao. Nên chọn các cửa hàng ở mặt đường, cách xa chợ là tốt nhất. Diện tích cửa hàng cũng phải đủ lớn, thông thoáng. Tốt nhất nên ký hợp đồng thuê mặt bằng kéo dài ít nhất 3-5 năm để tránh gián đoạn việc kinh doanh.

Về số vốn tối thiểu để mở cửa hàng tạp hóa, bạn cần tính toán các chi phí: nhập hàng, mua trang thiết bị, bảng quảng cáo, giá kệ, phí vận chuyển, chi phí thuê mặt bằng cửa hàng hàng tháng… Từ những tính toán này, bạn sẽ biết số vốn cần có là bao nhiêu. Thông thường, cửa hàng tạp hóa quy mô nhỏ, làm sẵn tại nhà thì số vốn tối thiểu khoảng 80 đến 120 triệu đồng. Nếu cửa hàng tạp hóa quy mô trung bình từ 60m2 trở lên thì số vốn tối thiểu là từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc lớn hơn. Theo kinh nghiệm của những người kinh doanh cửa hàng tạp hóa, thuận lợi nhất của hình thức kinh doanh này là số vốn bỏ ra không tỷ lệ thuận với số lượng hàng hóa. Bởi lẽ các đơn vị phân phối sẽ ký gửi nên ngoài tiền lãi, chủ cửa hàng sẽ có thêm tiền trưng bày sản phẩm. Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về tổng số vốn cần chuẩn bị trong bài viết Mở cửa hàng tạp hóa cần bao nhiêu vốn?

Các mặt hàng của cửa hàng tạp hóa thường là các mặt hàng tiêu dùng đa dạng như đồ ăn nhanh, đồ uống, hóa mỹ phẩm… của nhiều nhãn hiệu khác nhau. Một ưu điểm của kinh doanh hàng tạp hóa là các mặt hàng tồn, hàng quá hạn sử dụng (quá date) không cần lo lắng vì có vấn đề sẽ được trả lại cho nhà cung cấp. Nếu kinh doanh thuận lợi, sản phẩm bán ra nhiều, cửa hàng sẽ được nhà cung cấp tạo chính sách ưu tiên, tặng quà…

Về cách sắp xếp các mặt hàng, trang thiết bị trong cửa hàng, cần có kệ đỡ, giá treo để tiết kiệm diện tích. Lưu ý đến hệ thống chiếu sáng, hút ẩm để bảo quản tốt hàng hóa và khiến khách hàng thoải mái hơn khi mua sắm. Nếu có nhiều mặt hàng, nên có hệ thống an ninh chuyên nghiệp như camera giám sát để tránh thất thoát, mất cắp. Những phần mềm quản lý bán hàng, thiết bị in mã vạch, thanh toán cũng rất quan trọng, hỗ trợ nhiều cho quá trình kinh doanh của bạn.

Mở cửa hàng tạp hóa lấy hàng ở đâu?

Nếu bạn kinh doanh tạp hóa tại Hà Nội các bạn có thể lấy sỉ của các tiệm tạp hóa lớn khác. Cách tốt nhất là tham khảo nhiều tiệm khác nhau, chỗ nào rẻ hơn thì lấy và lấy hàng nhiều chỗ khác nhau. Luôn so sánh về giá cả, chính sách của 3 đến 5 nguồn hàng để lựa chọn.

Ngoài ra, các chợ đầu mối hoặc phố đầu mối bán buôn sẽ là địa điểm thích hợp để những bạn đang tìm nguồn hàng cho cửa hàng tạp hóa tìm đến. Ở Hà Nội, chợ đầu mối bán buôn Mạc Thị Bưởi (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng), phố chợ Hàng Buồm, Nguyễn Siêu (quận Hoàn Kiếm), chợ Đồng Xuân… Ở TP.HCM, các mặt hàng tạp hóa bạn có thể đến chợ đầu mối Kim Biên.

Nếu quy mô lớn hơn, các chủ cửa hàng có thể liên hệ trực tiếp tới các nhà sản xuất để nắm bắt được thông tin về giá cả, khuyến mại cụ thể. Việc này sẽ giúp bạn có được báo giá chính xác, chiết khấu hợp lý và có chính sách tốt nhất. Bạn có thể tham khảo chi tiết trong bài viết Nguồn hàng cho cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Một số lưu ý khi mở cửa hàng tạp hóa

Mở cửa hàng tạp hóa cần chuẩn bị những gì?

Ngoài việc tìm nguồn hàng để mở cửa hàng tạp hóa, thủ tục pháp lý khi mở cửa hàng tạp hóa cũng cần được lưu ý. Kinh nghiệm cho thấy, quy mô tạp hóa lớn và trung bình, bạn cần ra UBND quận, huyện để đăng ký kinh doanh và cấp mã số thuế. Với quy mô nhỏ thì hoạt động đăng ký kinh doanh có thể linh hoạt hơn.

Vì mở cửa hàng tạp hóa chỉ để phục vụ trong một số khu dân cư trong khu vực nhất định nên cần xác định điểm ưu tiên là gì. Điều cần nhất để mở một cửa hàng tạp hóa là sự đa dạng về hàng hóa, giá bán hợp lý, lấy lãi nhỏ và đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân.

Việc trưng bày hàng, bố trí hàng hóa trong cửa hàng cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Các mặt hàng nên được bố trí khoa học, thuận tiện để tìm và lấy hàng. Tốt nhất nên có kệ trưng bày hàng hóa. Gợi ý dành cho bạn là trưng bày ở mặt tiền các mặt hàng đang bán chạy, đang có khuyến mãi hấp dẫn…

Cách mua bán và giao tiếp của các cửa hàng tạp hóa cũng hết sức quan trọng nhất là trong một khu dân cư không phải những cửa hàng phục vụ khách qua đường. Vốn dĩ lượng khách gói gọn trong một khu vực nhỏ, vì thế để giữ được những khách hàng ngày, phong cách phụ vụ cần hết sức khéo léo, gần gũi để tạo được mối quan hệ tốt.

Không chỉ các mặt hàng mà tên gọi của cửa hàng cũng là điều cần lưu ý khi mở cửa hàng tạp hóa. Một cửa hàng có tên dễ gọi, dễ nhớ cũng sẽ khiến khách hàng có thiện cảm, khi có nhu cầu sẽ nhớ đến ngay hoặc có thể chỉ cho người khác đến mua.

Những lưu ý để tránh bị gặp gian lận khi mới mở cửa hàng: Cần cẩn thận với những kẻ gian giả danh tiếp thị bán hàng giả, hàng nhái, bán hàng kém chất lượng. Thông thường để đối phó với những người tiếp thị đến mời nhập hàng cho cửa hàng tạp hóa, chủ hàng nên yêu cầu để lại hàng mẫu để kiểm tra sau đó mới quyết định nên lấy hàng hay không. Nếu không biết chắc về mặt hàng vừa được giới thiệu, hãy nhờ sự tư vấn của những người có kinh nghiệm hoặc người thân rồi hãy quyết định.

Ngoài gian lận về việc bán hàng, những người mới mở cửa hàng tạp hóa cũng cần lưu ý cẩn trọng tránh nhầm lẫn về tiền bạc. Tránh nhầm khi trả tiền cho khách, cẩn trọng để tránh kẻ gian mất tiền. Bạn có thể mua một cái túi nhỏ gọn, có ngăn kéo chia các loại tiền hoặc có quầy thu ngân riêng. Với những số tiền lớn, cần trả tiền hàng thì nên để cẩn thận tránh mất mát đáng tiếc. Một vài mẹo cho các chủ của hàng là khi trả tiền cho khách, đếm đủ rồi đặt xuống và kiểm lại lần 2 trước khi đưa. Nên học hỏi các kinh nghiệm ở các cửa hàng về các pha khách giả vờ mua hàng lấy điện thoại, trộm hàng, trộm ví… Để tránh các rủi ro khi kinh doanh của hàng tạp hóa, chủ cửa hàng cũng phải quản lý chặt chẽ, sử dụng phần mềm, có người thu ngân tin cậy, người bán hàng nhanh nhẹn và trung thực.

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp phần nào những băn khoăn việc mở cửa hàng tạp hóa cần chuẩn bị những gì, lấy hàng ở đâu, bày bán thế nào, những lưu ý gì về hình thức kinh doanh này. Chúc các bạn kinh doanh thành công!

>>Mở cửa hàng tạp hóa nên kinh doanh những gì?


Chia sẻ bài viết này