Bí quyết đàm phán để có mức lương lý tưởng

Lương luôn là một vấn đề nhạy cảm trong công việc, nhưng nó cũng là thứ được mọi người quan tâm nhất khi bắt đầu vào làm tại doanh nghiệp nào đó. Có rất nhiều người từng nói rằng mình bị “hớ”, bị “đưa vào tròng” khi đàm phán lương với nhà tuyển dụng do không có kinh nghiệm, bị nhà tuyển dụng “dắt mũi”. Dù sao thì cũng không thể trách người khác… quá giỏi được, chỉ vì bạn không biết cách thương thảo mức lương hợp lý mà thôi. Trong bài viết này chúng tôi sẽ gợi ý một số bí quyết đàm phán rất hữu ích giúp bạn thuyết phục được nhà tuyển dụng cấp cho mình một mức lương lý tưởng.

Đàm phán lương là một cuộc đấu trí thực sự

1. Đề cập về mặt bằng lương

Mặc dù chế độ lương thưởng của các công ty không giống nhau, tuỳ vào quy mô và tình trạng kinh doanh mà có sự dao động nhất định với từng vị trí tuyển dụng, thế nhưng nó cũng chỉ nằm trong một khoảng chấp nhận nào đó so với mặt bằng lương trên thị trường mà thôi. Bạn cần cập nhật liên tục khoảng lương của ví trí mà mình ứng tuyển để không bị “dắt mũi”, có thể đưa ra lý do phản bác nếu phía doanh nghiệp đề nghị một mức tiền quá thấp. Ngoài nguồn trên mạng bạn nên tìm hiểu thêm từ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp cũ của mình để có những thông tin đáng tin cậy hơn.

2. Đừng vội yêu cầu mức lương ngay lập tức

Thông thường khi đi phỏng vấn các nhà tuyển dụng luôn hỏi bạn mong muốn được nhận mức lương bao nhiêu, lúc này đừng vội trả lời mà hãy xin họ cho phép suy nghĩ và nói lại vào cuối buổi phỏng vấn. Khoảng thời gian hoãn binh này bạn nên đưa ra những câu hỏi ngược lại cho người tuyển dụng về công việc và doanh nghiệp, khi đã có những hiểu biết nhất định bạn sẽ đưa ra mức lương phù hợp hơn, không bị “hớ” theo kiểu “biết phải làm nhiều thế đã đề nghị lương cao”.

3. Đừng né tránh khi đặt vấn đề lương thưởng

Đây là sai lầm thường thấy nhất của những sinh viên mới ra trường, do không có nhiều kinh nghiệm làm việc lại chưa đi phỏng vấn nhiều nên thường khá rụt rè khi đặt vấn đề lương thưởng. Vì vậy họ thường né tránh và nói rằng mình chỉ muốn được học hỏi, được rèn luyện nhiều hơn để nâng cao trình độ chuyên môn hay là muốn cống hiến, muốn thể hiện khát vọng. Nghe thì có vẻ rất hoa mĩ, rất cao cả nhưng nhiều nhà tuyển dụng không đánh giá cao ứng viên như vậy, vì với họ chỉ người không tự tin mới không dám đề nghị mức lương cho mình. Vì đây là quyền lợi chính đáng nên bạn có thể thoải mái đề cập mức lương mong muốn dựa trên khả năng và yêu cầu của công việc.

4. Hãy hỏi lại, đó là mức lương cơ bản hay tất cả đãi ngộ

Cách nói “lương thưởng” khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây là một khái niệm, nhưng thực tế nó là từ ghép của mức lương và mức thưởng, nhiều nhà tuyển dụng đã lợi dụng chính sự nhập nhằng này khiến bạn bị “hớ”. Vì vậy khi được đề nghị mức lương hãy hỏi lại họ, đây chỉ là lương cơ bản hay tất cả đã ngộ mà bạn nhận được trong quá trình làm việc. Mọi thứ đều phải rạch ròi, đừng để đến lúc kí kết hợp đồng xong xuôi rồi bạn mới có ý kiến, sẽ không ai chấp nhận cả.

5. Để ý đến chế độ phúc lợi cũng là 1 bí quyết đàm phán lương hiệu quả

Ngoài vấn đề lương thưởng bạn cần chú ý cả đến chế độ phúc lợi như các loại trợ cấp, bảo hiểm y tế, môi trường học hỏi, chế độ đào tạo,… khi đàm phán lương với nhà tuyển dụng. Mặc dù những yếu tố trên không quan trọng bằng lương chính nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả làm việc của bạn, nên cần phải đảm bảo rằng bạn nhận được chế độ phúc lợi tối thiểu.

Thương thảo lương giống như một cuộc chiến tâm lý vậy, hi vọng rằng những bí quyết đàm phàn của chúng tôi bạn sẽ có được mức lương lý tưởng nhất.

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Phải làm gì khi nhân viên của bạn muốn nghỉ việc?

8 việc làm của sếp khiến nhân viên nghỉ việc (P1)

8 việc làm của sếp khiến nhân viên nghỉ việc (P2)


Chia sẻ bài viết này