Dù bạn tài giỏi đến đâu cũng không thể một mình đưa doanh nghiệp đến đỉnh cao thành công được, bạn cần phải có sự hỗ trợ từ những người đứng chung chiến tuyến với mình, đặc biệt là nhân viên. Tìm được những nhân viên giỏi và phù hợp với công việc không dễ, giữ được họ ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp mới khó, mất đi nhân viên bạn không chỉ mất đi một công lao động đáng quý mà còn tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian cho việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 8 bí quyết giữ nhân viên giỏi dưới đây!
1. Cho nhân viên biết bạn cần gì ở họ
Sai lầm của nhiều nhà tuyển dụng là mang trong đầu suy nghĩ mình tạo ra cơ hội và ứng viên là người cần mình, mình hoàn toàn có quyền giữ hay loại bỏ họ. Nhưng thực tế thì ngược lại, bạn đăng tin tuyển dụng cũng đồng nghĩa với việc bạn mới là bên đang thiếu người. Không chỉ khi tuyển nhân viên mà trong quá trình làm việc cũng vậy, có nhân viên thì việc kinh doanh của bạn mới vận hành tốt được chứ không phải chỉ nhân viên mới phụ thuộc vào bạn. Mối quan hệ giữa hai bên là công tác cùng có lợi, việc phân cấp để quản lý tốt hơn chứ không để nói bên nào cần bên nào hơn.
Hãy cho nhân viên biết bạn cần gì ở họ, để họ thấy tầm quan trọng của mình trong doanh nghiệp. Đây không chỉ là việc “nịnh” nhân viên đơn thuần, mà cũng là cách bạn khéo léo nói cho họ biết bạn muốn họ phát triển kĩ năng gì. Ví dụ bạn nói bạn cần khả năng thuyết phục khách hàng của nhân viên, vì nhân viên đó đã làm rất tốt và bạn muốn họ phát huy hơn nữa. Như vậy nhân viên này sẽ cảm thấy tự tin hơn, muốn cống hiến nhiều hơn và sẽ học tập để tiếp tục phát huy điểm mạnh mà bạn đã chỉ cho họ.
2. Làm thật tốt vai trò quản lý
Sự thật là nhân viên rời bỏ công ty đa phần vì bất đồng với người quản lý trực tiếp của mình hơn là với công ty hay công việc, bởi vì đó là người hướng dẫn, giám sát và điều phối họ. Nhân viên thường cảm thấy người quản lý không giao cho họ đúng việc hay yêu cầu quá cao, không thường xuyên đánh giá kết quả họ đạt được, không hướng dẫn họ làm việc,… Nói chung là khi bạn lơ là công tác quản lý sẽ khiến nhân viên cảm thấy mình đang làm những việc vô nghĩa, dù làm hay không cũng không quan trọng, và sớm hay muộn họ cũng rời bỏ doanh nghiệp của bạn để đến nơi có cơ hội thăng tiến.
Vậy thì với vai trò là người quản lý, hãy thực hiện tốt nhiệm vụ của mình theo đúng các nguyên tắc đã đề ra vừa để đốc thúc nhân viên vừa gắn kết họ với công việc và doanh nghiệp
3. Tôn trọng ý kiến của nhân viên
Phong cách quản trị độc đoán chuyên quyền đã không còn được ủng hộ nữa, mặc dù có thể đem lại hiệu suất cao nhưng vì nó không tôn trọng ý kiến của nhân viên nên bị đánh giá là thiếu sự công bằng. Ngày nay các doanh nghiệp thường kết hợp phong cách quản trị dân chủ với tự do để nhân viên có quyền tự nêu lên quan điểm của mình. Đây là cách làm khá khôn ngoan, bạn vừa tận dụng được khả năng sáng tạo của nhân viên vừa khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng, được trao cơ hội thể hiện, nhờ vậy mà chắc chắn hiệu quả công việc sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, tôn trọng ý kiến của nhân viên không có nghĩa là ba phải, bạn lắng nghe để tổng hợp và phân tích chứ không phải để bị chính nhân viên điều phối. Bạn là lãnh đạo, bạn phải có chính kiến của riêng mình, nếu cần hãy sử dụng quyền lực để phân tích.
4. Đừng khích lệ bằng cách doạ đuổi việc
Đây là sai lầm không ít người mắc phải khi đang cố gắng khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên, họ bảo rằng nếu nhân viên không làm tốt hơn nữa sẽ cho nghỉ và tìm người thay thế. Phương pháp này thực sự khá tốt nếu nhân viên kia thuộc dạng lười biếng hay năng suất làm việc quá kém, nhưng lại phản tác dụng nếu bạn không phân tích kĩ tình hình chung. Vì kết quả làm việc của nhân viên không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của họ mà còn do nhiều tác động khác, ví dụ như thiếu thốn cơ sở vật chất hay khâu trước đó chưa làm ổn thoả. Lúc này nhân viên đã sẵn sự chán nán, lại nghe thêm lời doạ dẫm của bạn sẽ chỉ làm tăng thêm quyết tâm bỏ việc của họ mà thôi.
Có rất nhiều cách khích lệ tinh thần làm việc như treo thưởng, tạo cuộc thi,.. bạn nên áp dụng linh hoạt theo hướng tích cực hơn là dùng phương pháp tiêu cực như trên.
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Bí quyết tuyển nhân viên từ ông lớn Google (P1)
Bí quyết tuyển nhân viên từ ông lớn Google (P2)
8 bí quyết giữ nhân viên giỏi (Phần 2)