Kinh doanh quần áo online là ý tưởng được rất nhiều các bạn chủ shop lựa chọn để khởi nghiệp bởi thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng về lĩnh vực may mặc ngày càng tăng cao, nguồn hàng cũng ngày càng đa dạng hơn. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh và phát triển, các chủ shop nên lưu ý 4 điều dưới đây để đạt được hiệu quả tốt nhất khi kinh doanh lĩnh vực này.
1. Giá cả thiếu tính cạnh tranh
Một yếu tố khiến khách hàng yêu thích việc mua sắm quần áo qua mạng đó là họ có thể so sánh giá cả thỏa thích trước khi quyết định mua hàng. Vì thế, giá tốt luôn là điều thiết yếu làm tăng tính cạnh tranh của shop và tạo ra doanh thu cho shop. khách hàng của bạn chỉ cần ngồi ở nhà lên mạng rồi vào mấy shop để so sánh về mẫu mã và giá cả vì thế điều họ quan tâm lúc đó chưa phải là dịch vụ của bạn tốt như thế nào mà chỉ là mẫu đẹp hay không và giá cả có vừa với túi tiền của họ hay không. Cùng 1 mẫu áo, bên bạn bán đắt hơn bên shop khác thì mặc định trong khách hàng sẽ luôn có suy nghĩ tất cả các sản phẩm của bạn đều đắt hơn bên đó. Và tất nhiên sẽ không có lý do chính đáng nào để họ chọn bạn.
Thậm chí, khách hàng trung thành tại shop của bạn mà vô tình thấy ở 1 shop khác, sản phẩm giống hệt về kiểu dáng, chất liệu nhưng giá thành rẻ hơn thì rất có thể bạn sẽ mất họ mãi mãi. Đối thủ của bạn đã “cao tay” hơn để “nẫng” khách hàng của bạn khi lựa chọn cho mình định hướng để cạnh tranh đó là đứng đầu về giá.
Đó là lý do vì sao trước khi mở shop, bạn cần thiết phải khảo sát thị trường về sản phẩm và giá cả. Nếu được hãy cố gắng định giá sản phẩm thấp hơn hoặc bằng đối thủ của bạn.
2. Nhập quá nhiều hàng
Một thực tế trong kinh doanh đó là không phải bạn cứ có vốn là bạn kinh doanh tốt mà quan trọng hơn là bạn phải biết phân bổ, điều động nguồn vốn một cách hợp lý. Có không ít các shop quần áo, đặc biệt là những shop mới mở chưa có nhiều kinh nghiệm, vì ham rẻ nên nhập hàng với số lượng lớn để có lời nhiều hơn. Cộng với tâm lý muốn nhập phong phú về số lượng, mẫu mã để phục vụ cho tuần khai trương nên đã nhập ồ ạt. Vấn đề hàng tồn kho cũng từ đó mà ra. Quần áo là loại mặt hàng dễ bị cũ và lỗi mốt nên hàng tồn để đến mùa sau rất khó bán, chưa kể đến vốn đọng lại cản trở việc xoay vòng vốn để cập nhật các mẫu mới phát sinh khác. Đây là vấn đề rất nan giải đối với tất cả các shop quần áo nói chung. Giải pháp tốt nhất để hạn chế tối đa lượng hàng tồn kho là nên lấy hàng với số lượng nhỏ vừa đủ để thăm dò thị hiếu của người tiêu dùng và phục vụ họ tốt hơn, tránh lãng phí nguồn vốn tồn đọng. Bên cạnh đó, để đảm bảo về sự phong phú về mẫu mã, kiểu dáng mà không lo hàng tồn, bạn có thể kết hợp thêm bán hàng order.
>Xem thêm:
Bắt kịp xu hướng kinh doanh thời trang cuối năm 2017 đầu 2018
3. Phàn nàn về khách hàng trên mạng xã hội
Người kinh doanh cũng giống như làm dâu trăm họ, phải phục vụ theo thị hiếu của người tiêu dùng, ngay cả khi đó là những bà mẹ chồng khó tính. Thế nhưng, một số bạn chủ shop không để ý tới điều này nên đã lên mạng xã hội phàn nàn, thậm chí là mỉa mai chính khách hàng của mình. Đôi khi nguyên nhân đơn giản chỉ là vì họ xem sản phẩm hỏi giá nhưng chê đắt không mua.
Bạn nên biết rằng việc làm này chỉ khiến cho tất cả những khách hàng khác xa lánh khỏi shop của bạn thêm chứ không mang lại sự thông cảm nào cả. Khách hàng bỏ tiền ra và người ta mong muốn sẽ nhận được những giá trị không chỉ là món đồ họ thích mà còn phải được lựa chọn trong tâm lý thoái mái. Họ hoàn toàn không có thiện cảm với những chủ shop sang chảnh, bán hàng mà không những không chiều lòng được khách mà còn nói xấu khách. Họ cũng nghĩ về 1 ngày nào đó nếu họ mua hàng tại shop của bạn có thể họ sẽ là “nạn nhân” giống người khách hàng kia.
Ngoài ra, do không tìm hiểu kĩ lưỡng nhu cầu cũng như nắm bắt tâm lý của khách hàng, nhiều shop còn cố ý hoặc vô tình làm phiền khách hàng mỗi khi quảng cáo tiếp thị như tag, spam… khiến khách hàng khó chịu. Không chỉ giống như bán hàng tại cửa hàng không nên nài nỉ, ép khách hàng phải mua, bán hàng online còn cần phải khéo léo hơn để giữ chân khách hàng. Vì vậy, ngay cả khi bạn rất “cá tính” nhưng đừng dại dột nói xấu khách hàng trên mạng xã hội bởi như thế chính là bạn đang bôi nhọ uy tín cũng như phong cách phục vụ của shop.
Xem thêm: 4 thói quen có thể phá hủy thương hiệu kinh doanh
4. Đưa ra chương trình ưu đãi giả
Nhiều shop quần áo đưa ra những chiêu khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, nếu không khéo léo sẽ dễ gây phản cảm cho khách khi có sự cạnh tranh không lành mạnh với chiêu tăng giá gấp đôi rồi giảm 1 nửa. Nếu là khách hàng quen hoặc tinh ý, họ có thể sẽ nhận ra, cảm thấy mình đang bị lừa và sớm khai trừ website của bạn ra khỏi danh sách ghé thăm.
Các chương trình khuyến mại nói chung hay chương trình xả hàng nói riêng cần phải được thực hiện một cách trung thực. Bạn phải luôn đảm bảo rằng hàng bán ra, dù là khuyến mại hay không, có thể là hàng lỗi mốt hoặc hết mùa vụ nhưng tuyệt đối không thể là hàng hỏng và không sử dụng được. “Tiếng dữ đồn xa”, shop của bạn sẽ khó tồn tại được khi khách hàng lan truyền nhau về mánh khóe ưu đãi giả, làm ăn không chân chính của bạn. Vì thế, 1 là hãy khuyến mại với giá trị thực của sản phẩm, 2 là không khuyến mại gì cả. Đây cũng là 1 trong những chú ý quan trọng trong phong cách phục vụ để đem lại niềm tin của khách hàng cho shop của bạn.
Trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt về thị phần, điều bạn cần làm là nhận ra và khắc phục những điểm yếu mà làm cho khách hàng chưa hài lòng hay nói cách khác là tăng tính cạnh tranh của mình và khẳng định niềm tin nơi khách hàng. Những gì thuộc về cá tính hãy kiềm chế trong chừng mực nhất định và hãy luôn làm tốt mọi thứ, khi đó chắc chắn bạn sẽ thành công.
Nguồn: https://blog.hocvienhangkhong.edu.vn/4-sai-lam-can-tranh-khi-kinh-doanh-quan-ao-online/