Vai trò của kế hoạch kinh doanh đối với cửa hàng thương mại điện tử

Nếu suy nghĩ đầu tiên của bạn khi nghe cụm từ “kế hoạch kinh doanh” là “rắc rối” thì không phải chỉ minh bạn nghĩ thế. Đối với hầu hết mọi người, suy nghĩ về việc viết kế hoạch kinh doanh gợi lại sự nhàm chán của bài tập về nhà trong quá khứ và nhiều chủ sở hữu cửa hàng trực tuyến coi chúng như là điều gì đó chỉ có các doanh nghiệp trong “thế giới thực” và các doanh nghiệp trẻ ở Thung lũng Silicon cần.

Và thay vì lập kế hoạch kinh doanh thì bạn lại tìm thấy hứng thú với những công việc như chụp ảnh sản phẩm, viết bài đăng lên blog và mở tài khoản trên mạng xã hội. Nhưng sự thật là, những việc này sẽ chỉ có ý nghĩa nếu bạn xây dựng doanh nghiệp dựa trên một nền tảng vững chắc. Và đó là nơi mà việc viết kế hoạch kinh doanh cần phải được thực hiện.

Vai trò của kế hoạch kinh doanh với cửa hàng thương mại điện tử

Tại sao phải có kế hoạch kinh doanh?

Thậm chí nếu bạn không thực sự cần huy động vốn cho doanh nghiệp hay gửi kế hoạch kinh doanh cho bất cứ ai, vẫn có một số lý do thuyết phục mà bạn nên xem xét để viết cho chính mình.

Ví dụ, giả sử bạn chỉ mới bắt đầu. Bạn đã tạo ra một cửa hàng trực tuyến, thậm chí bạn đã có một vài giao dịch mua bán thành công. Xây dựng một kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn này có thể giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn và có lộ trình cho chiến lược phát triển trong tương lai.

Hoặc có thể bạn đã hoạt động kinh doanh 5 năm nhưng bạn đang bắt đầu cảm thấy khó khăn và mọi thứ đang trở nên ảm đạm. Lập một kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn này có thể giúp bạn suy nghĩ vượt khỏi hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp và khám phá ra những cách thức mới để tiếp thị hay sản phẩm mới mà bạn có thể bán để tăng doanh thu.

Xét theo khía cạnh khác, có thể doanh nghiệp của bạn đang trên đà đi xuống. Lập kế hoạch kinh doanh trong giai đoạn này có khả năng giúp bạn thay đổi toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp hoặc cắt giảm lỗ trước khi bạn gặp rắc rối sâu hơn.

 Tại sao phải có kế hoạch kinh doanh?

Vấn đề là, nếu bạn chưa viết kế hoạch kinh doanh, bạn nên dành thời gian để làm việc này, cho dù bạn đang ở thời điểm nào trong vòng đời của doanh nghiệp. Và việc đó không phải là khó khăn. Hãy cùng xem làm thế nào bạn có thể làm điều đó.

Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn toàn diện về kế hoạch kinh doanh – Ấn tượng đầu tiên

Các thành phần của kế hoạch kinh doanh tốt

Hãy nhớ rằng, nếu bạn chỉ làm điều này cho chính mình, không cần phải đi quá xa và biến kế hoạch kinh doanh thành một dự án lớn cản trở bạn triển khai hoạt động kinh doanh và thực hiện những giao dịch mua bán ban đầu. Hãy suy nghĩ về nó như bạn đang thiết kế ra thứ gì đó để giúp bạn mở ra một vài ý tưởng cho doanh nghiệp và làm sáng tỏ một số góc độ mà có thể bạn chưa nghĩ đến.

Trong tương lai, nếu bạn thực sự cần phải gửi kế hoạch kinh doanh chính thức cho ai đó, bạn luôn có thể sử dụng nó như là một điểm khởi đầu và phát triển lên thay thì phải “bắt đầu từ con số 0”.

 Các thành phần của kế hoạch kinh doanh

Các thành phần then chốt của kế hoạch kinh doanh được liệt kê dưới đây. Hãy tìm hiểu xem việc xác định mỗi thành phần có thể giúp cho doanh nghiệp của bạn như thế nào.

– Tóm tắt dự án

Mặc dù đây là điều cuối cùng bạn sẽ viết, nhưng nó lại là phần đầu tiên của kế hoạch kinh doanh. Phần này tóm tắt những điểm nổi bật chính của tất cả các phần còn lại.

– Giới thiệu công ty

Đây là cái nhìn tổng quan ở mức độ vĩ mô về công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ, nhóm đối tượng khách hàng và lợi thế cạnh tranh. Sau cùng, hãy nghĩ về nó như những gì bạn sẽ nói với ai đó về doanh nghiệp của bạn nếu muốn họ đầu tư vào nó.

– Phân tích thị trường

Đây là nghiên cứu về ngành kinh doanh và thị trường mục tiêu. Nếu bạn chưa chính thức xác định được khách hàng mục tiêu của mình, phần này sẽ giúp bạn làm điều đó.

– Kế hoạch hoạt động

Phần này bao gồm các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, từ địa điểm và thời gian đến lưu trữ hàng tồn kho và kế toán. Khi hoàn thành phần này, bạn có thể chắc chắn rằng mỗi quá trình quan trọng trong doanh nghiệp của bạn đang vận hành một cách trôi chảy và hiệu quả nhất có thể.

– Tổ chức và quản lý

Phần này cho mọi người biết về những nhân vật chính trong doanh nghiệp của bạn – những người sở hữu, những người quản lý, v.v.. Nó sẽ giúp bạn xác định các bên liên quan tới nền tảng của doanh nghiệp để mọi người có một sự hiểu biết rõ ràng về vị trí của họ và ai làm gì.

Xem thêm: thiết kế web tại đồng nai

– Sản phẩm & dịch vụ

Đây là phần bạn mô tả các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp của bạn. Bạn nên suy nghĩ về chúng từ quan điểm của khách hàng. Nó sẽ giúp bạn bán tốt hơn các sản phẩm và dịch vụ của mình.

– Tiếp thị và bán hàng

Đây là phần bạn bố trí cách bạn sẽ tiếp cận thị trường mục tiêu, xác định khách hàng tiềm năng, bán các sản phẩm và dịch vụ của bạn. Trong khi viết phần này, các chiến lược tiếp thị và bán hàng sáng tạo có thể xuất hiện.

– Dự báo tài chính

Đây là phần bạn thực sự đào sâu và xác định doanh nghiệp của bạn sẽ kiếm được bao nhiêu trong vòng 5 năm tới. Nếu là doanh nghiệp lâu năm, bạn sẽ thêm vào các dữ liệu đã có và có thể đưa ra dự đoán của bạn dựa trên đó. Nắm bắt được những con số này có thể là một động lực thúc đẩy rất lớn và giúp bạn tiếp tục hướng tới một mục tiêu cụ thể chứ không phải chỉ nhìn thấy những gì diễn ra.

– Huy động vốn

Đây là phần bạn xác định nhu cầu vốn bên ngoài và kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay cũng như kế hoạch trả nợ cụ thể. Ngay cả khi bạn chỉ đầu tư tiền của chính mình vào doanh nghiệp, phần này cũng có thể giúp bạn thực sự tập trung vào kế hoạch chi tiêu của mình để nó được phân bổ và ghi chép đúng cách.

Như bạn thấy đấy, việc tạo ra kế hoạch kinh doanh có thể mở mang tầm nhìn cho doanh nghiệp của bạn, cho dù bạn đang ở giai đoạn nào.

(Tổng hợp từ www.shopify.com/blog)


Chia sẻ bài viết này