Trong phần 1 của bài viết Tất tần tật về vận chuyển trong kinh doanh online, chúng ta đã cùng tìm hiểu 2 chương đầu về tầm quan trọng và sơ lược những yếu tố cần thiết khi lập chiến lược vận chuyển. Hãy cùng theo dõi những chương tiếp theo trong phần 2 dưới đây:
Chương 3: Các phương án thu phí vận chuyển của khách hàng
Một khách hàng khi lựa chọn mua sản phẩm ở website của bạn một phần vì chất lượng, một phần vì giá cả phù hợp so với những website khác. Thế nhưng, chuyện sẽ ra sao nếu họ đã cho hàng vào giỏ, đến bước thanh toán rồi nhận ra mức giá vận chuyển không hề rẻ? Chắc chắn họ sẽ đắn đo là có nên tiếp tục hoàn thành nốt bước cuối cùng hay không.
Điều này cũng khá dễ hiểu, vì giá cộng thêm tiền vận chuyển sẽ độn lên khá nhiều. Lúc này bạn phải lựa chọn một hình thức vận chuyển khác với giá cả phải chăng hơn, dưới đây là một số lựa chọn khả thi:
Lựa chọn 1: Vận chuyển miễn phí
Chính sách vận chuyển miễn phí là cách gây ấn tượng với khách hàng rất tốt, đồng thời còn làm tăng tỷ lệ chuyển đổi. Nhưng dĩ nhiên, chẳng có gì là miễn phí hoàn toàn cả, số tiền này đã được cộng thêm vào giá sản phẩm rồi. Tùy thuộc vào lợi nhuận mà bạn thu được mà điều kiện để được vận chuyển miễn phí sẽ thay đổi.
Có một ví dụ điển hình về lựa chọn này, đó là Amazon, rõ ràng so với đối thủ không cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí thì khách hàng vẫn ưa thích Amazon hơn, hiệu quả tiếp thị vì vậy mà nâng cao rõ rệt.
Chính sách vận chuyển miễn phí còn có thể được dùng như một chiến lược làm tăng giá trị đơn hàng. Để được hưởng chính sách này khách hàng buộc phải chi tiêu đến một mức nhất định nào đó. Ví dụ, khách hàng đã mua một số sản phẩm với mức giá: 86$, 112$, 71$, 65$ 105$, giá trị đặt hàng trung bình (AOV) của họ là 87,90$. Trường hợp này bạn có thể ra điều kiện AOV từ 100$ trở lên mới được hưởng chính sách vận chuyển miễn phí, như vậy nếu khách hàng muốn tiết kiệm họ sẽ buộc phải mua thêm hàng.
Kauffman Mercantile, một công ty đồ gia dụng chất lượng cao đã sử dụng phương pháp này, điều kiện của họ là AOV trên 75$.
Có một điều cần chú ý, nếu bạn kinh doanh các sản phẩm cao cấp hoặc đồ thủ công thì số tiền vận chuyển được cộng vào giá thành sẽ không khiến khách hàng thấy quá cao. Tuy nhiên, nếu bạn đang kinh doanh trong thị trường cạnh tranh cao, nơi mà mức giá là yếu tố trọng yếu quyết định có thu hút được khách hàng hay không, thì giá cả chỉ cần nhỉnh lên một chút cũng là vấn đề. Lúc này bạn nên chọn một phương án khác hoặc cố gắng giảm phí vận chuyển xuống tối đa có thể.
Lựa chọn 2: Cung cấp bảng giá vận chuyển chính xác
Tại nhiều website, khi khách hàng chọn sản phẩm vào giỏ của mình ngay lập tức họ sẽ được kết nối với một bảng báo giá vận chuyển từ đối tác của bạn (UPS, FedEx, USPS,…). Bảng báo giá này sẽ dựa trên số lượng, kích thước và trọng lượng của tất cả sản phẩm trong giỏ để tính toán, khách hàng có thể trực tiếp tham khảo. Sau khi đã chốt đơn hàng người mua có thể chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển theo ý thích của họ.
Simple Sugars, một website trên Shark Tank, đã áp dụng phương pháp này, dưới đây là minh họa:
Sử dụng một công cụ tính toán thời gian thực sẽ khiến khách hàng tin tưởng bạn hơn, chúng giống như bằng chứng chứng mnh rằng bạn không khai khống phí vận chuyển hoặc tăng giá quá cao. Phương pháp này phù hợp với những lô hàng hoặc sản phẩm cỡ lớn.
Lựa chọn 3: Đồng giá vận chuyển
Lựa chọn thứ 3 là sử dụng mức giá giống nhau cho mỗi gói hàng hoặc dựa trên phạm vi trọng lượng và tổng số đơn hàng. Để áp dụng phương pháp này bạn cần phải tìm ra chi phí trung bình khi vận chuyển mỗi gói hàng. Trong thực tế, có thể phí vận chuyển sẽ thấp hoặc cao hơn mức giá này một chút, nhưng không sao, bạn sẽ cân bằng được thôi.
J.Crew Canada, một thương hiệu quần áo, đã định mức 9,95$ cho tất cả các đơn hàng và tạo một banner nổi bật trên website của mình để thông báo.
(Còn tiếp…)
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Tất tần tật về vận chuyển trong kinh doanh online (P1)
Tất tần tật về vận chuyển trong kinh doanh online (P3)
Tất tần tật về vận chuyển trong kinh doanh online (P4)
Tất tần tật về vận chuyển trong kinh doanh online (P5)