Dạo quanh các đường phố Hà Nội bây giờ thỉnh thoảng sẽ bắt gặp một vài cửa hàng đề biển “Một giá” với các mức khác nhau, và đa phần đều rất rẻ, chỉ khoảng 200.000đ đổ xuống, thậm chí là 5.000đ cũng có. Mặt hàng bày bán cũng rất nhiều loại, nhưng chủ yếu là đồ gia dụng và quần áo. Mô hình kinh doanh đặc biệt này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của khách hàng, nhiều nơi trong ngày đầu khai trương còn phải thuê an ninh để đảm bảo trật tự vì quá đông khách. Nhưng thực hư chuyện “Một giá” là như thế nào? Các cửa hàng một giá làm cách nào để thu về lợi nhuận? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu sự thật ấy.
1. Biến hàng giá rẻ thành hàng “hot”
Theo chân một vị khách đang vội vã gửi xe để chen vào cửa hàng một giá trên đường Trường Chinh, chúng tôi khá bất ngờ vì lượng khách ở đây, mọi người đứng chật kín để chọn đồ, và ai cũng có vẻ hồ hởi khi chọn được thứ ưng ý với giá “cực kì rẻ”. Không gian trong cửa hàng tuy khá rộng nhưng các loại mặt hàng gia dụng được chất thành từng lô đã chiếm hết diện tích, chỉ để lại một lối nhỏ cho khách xem hàng.
Dạo quanh một vòng, dễ dàng nhận thấy các sản phẩm ở đây hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ một số ít là của Việt Nam. Về chủng loại thì rất đa dạng, từ tăm bông, cặp tóc, bàn chải đánh răng cho đến đồ cơ khí như búa, kiềm,…tất cả đều được gán mác 10.000đ. Trong số đó bát đĩa là được nhiều người mua hơn hẳn, vì họ cho rằng giá cả ở đây thấp hơn một nửa khi mua ở chợ mà chất lượng tương đương.
Nhưng chỉ cần là người thường xuyên đi mua sắm sẽ nhận thấy những món đồ này tuy màu mè bắt mắt mà chất lượng lại rất thấp. Các loại giỏ nhựa thì ọp ẹp và mỏng, hàng mỹ phẩm không tên tuổi, đồ gia dụng khác được thiết kế không chắc chắn,…Nhìn chung tất cả các mặt hàng đều là đồ giá rẻ, chất lượng kém, gần như hàng thải của Trung Quốc.
Không chỉ đồ gia dụng, các shop quần áo đồng giá cũng nườm nượp người ra vào như thế. Tại đây khách hàng có thể tìm thấy những mẫu thời trang đang thịnh hành hiện nay nhưng với cái giá khá bèo, chỉ trên dưới một trăm ngàn đồng mà thôi. Và tương tự, nếu để ý kỹ sẽ thấy những mẫu quần áo này được may khá cẩu thả, vải nhăn, nhiều nếp gấp, lộ đường chỉ, có đôi chỗ còn bị sút gấu.
Như vậy có thể thấy, chỉ bằng chiêu “Một giá” các cửa hàng này đã khiến thứ đồ mà bình thường chẳng ai thèm mua thành hàng “hot”. Khách hàng chỉ cần thấy giá rẻ, tiết kiệm được tiền là chọn mua, nhiều khi không biết chính mình đang đem về lợi nhuận không hề nhỏ cho những người chủ cửa hàng ấy.
2. Sự thật đằng sau cửa hàng một giá
Bán một giá nghĩa là dù mặt hàng giá trị nhỏ hay giá trị lớn cũng chỉ bán với đúng mức giá ấy mà thôi. Nhiều người thường cho rằng chủ cửa hàng lấy cái lớn bù cái nhỏ, nghĩa là lấy lãi của món rẻ tiền bù cho lỗ của món đắt tiền. Trên thực tế thì không hoàn toàn là như vậy, vì nếu xem xét kĩ có thể thấy hầu hết đồ ở đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc nhập về hàng thùng ở các chợ đầu mối, mà giá bán sỉ đều rất rẻ, đôi khi so với món ít tiền nhất trong cửa hàng còn rẻ hơn. Như vậy với mức giá tưởng như phải chịu lỗ ấy thì bán món nào chủ cửa hàng cũng có lời.
Hơn nữa, vì tâm lý ham hàng rẻ, tâm lý đám đông, khách hàng thường mua một lúc nhiều món đồ, sợ là “hot” quá thì nhanh hết. Vô hình chung đã đẩy mạnh lượng tiêu thụ của cửa hàng, đi đúng theo nguyên lý lấy số lượng bù chất lượng, nghĩa là lãi ít nhưng bán được nhiều thì lợi nhuận vẫn không hề nhỏ.
Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi còn nhận thấy không phải cửa hàng một giá nào cũng bán đúng…một giá. Rất nhiều người khi vào các cửa hàng này mới ngã ngửa, cái giá đề ngoài kia chỉ là giá…trung bình, còn bên trong vẫn phân ra khu giá khác nhau. Thậm chí nhiều nơi còn trắng trợn lừa khách hàng, đề giá bán 49k – 59k nhưng thực chất chỉ là giá của hai số cuối sản phẩm, nghĩa là giá thực vẫn để ở mức 149k – 259k. Khách hàng khi đến thanh toán mới nhận ra mình bị hố, nhiều người chặc lưỡi đã đâm lao thì theo lao, nhiều người không chịu, thế là cãi nhau.
Tưởng rẻ nhưng không phải rẻ, nhiều khi chính khách hàng lại thành người tiêu thụ “rác thải” mà không biết. Nên trước khi mua hàng một giá, hãy cân nhắc thật kỹ.