Trong bài viết trước chúng tôi đã đưa ra những lý do và lợi ích khởi nghiệp khi còn là sinh viên, nhưng có nhiều người phản hồi lại, rằng thực tế việc kinh doanh của sinh viên không hề dễ dàng và khả năng thất bại rất cao. Vậy có câu trả lời nào lý giải được điều ấy hay không? Không sợ thất bại, chỉ sợ không biết vì sao mình thất bại. Thế nên các bạn có thể tham khảo một số điều cần tránh khi sinh viên khởi nghiệp dưới đây.
1. Quá đề cao cái tôi
Như đã từng nói, khi trở thành sinh viên bạn mới chỉ chạm một chân đến ngưỡng cửa của cuộc sống tự lập mà thôi. Bạn vẫn cần sự chu cấp của gia đình, vẫn được người thân che chở bảo bọc, và vẫn là trung tâm của mọi sự yêu thương. Chính điều này vô tình tạo nên cái tôi quá lớn trong các bạn, bạn luôn nghĩ mình mới là người quan trọng, bạn tưởng rằng bạn làm sai vẫn dễ dàng được tha thứ, bạn cho ý kiến mình là đúng và không nghe hoặc nghe nhưng không sửa sai từ ý kiến đóng góp của người khác. Mà trong kinh doanh, khách hàng mới là thượng đế, bạn chỉ là kẻ phục vụ. Trong đội nhóm, tập thể mới là tất cả, bạn chỉ là một phần.
Cố nhiên, cái tôi và cá tính là điều rất quan trọng để nổi bật, khiến việc kinh doanh thuận lợi hơn. Nhưng hãy biết lắng nghe, tiếp thu và tự hoàn thiện. Không cần quá cố chấp, bảo thủ. Hãy để cái tôi của bạn hòa nhập vào cái ta chung, chứ đừng hòa tan vào số đông.
2. Sinh viên khởi nghiệ nhanh nản chí
Lợi thế của tuổi trẻ là lòng nhiệt huyết và thích khảm phá, dám thử sức. Nhưng cũng chính vì vậy mà các bạn sinh viên thường cả thèm chóng chán, chỉ hào hứng lúc đầu, sau đó dần thoái chí rồi bỏ hẳn. Nhất là khi gặp thất bại, dù số tiền bỏ ra không lớn nhưng đối với sinh viên chưa tự chủ thu nhập cũng là nhiều rồi, nên bạn buông xuôi, chẳng màng tìm nguyên nhân rồi khắc phục cho lần sau.
Đừng đặt nặng vấn đề được mất, vì khi khi sinh viên khởi nghiệp thứ có lợi nhất với bạn là kinh nghiệm, là bài học chứ không chỉ tiền tài. Là sinh viên, bạn tự do hơn, bạn có nhiều thời gian và các mối quan hệ vô tư, hãy tận dụng những thứ đó để cố gắng hết sức mức, quyết tâm đạt được mục tiêu đã đề ra.
3. Không tập trung vào kinh doanh
Chính vì trên vai bạn chưa có gánh nặng thu nhập và gia đình nên bạn vẫn thoải mái rong chơi. Bên cạnh đó, nhịp sống trẻ sôi động với rất nhiều hoạt động dễ cuốn bạn vào vòng xoáy vô tận. Thử hỏi với bao điều hấp dẫn như vậy có mấy ai chăm chỉ kinh doanh kiếm từng đồng lẻ?
Hãy nói rằng bạn không nằm trong số đó, vì bạn đã có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ luôn phấn đấu để đạt được mục tiêu. Như vậy bạn mới tập trung được vào quá trình khởi nghiệp của mình, đừng phân tâm quá nhiều vào điều khác. Nếu xác định chỉ làm cho vui, làm giết thời gian thì sớm hay muộn bạn cũng thất bại, thậm chí còn thất bại đau đớn.
4. Chỉ thích việc nhàn hạ
Bốn năm sinh viên, cuộc sống dù thiếu thốn nhưng chắc chắn bạn sẽ chẳng phải làm việc gì nặng nhọc. Giữ nguyên tư thế bình thản đó để bắt đầu kinh doanh là một sai lầm lớn khi sinh viên khởi nghiệp. Nếu bạn chỉ chọn những công việc nhàn hạ, né tránh việc nặng nhọc thì bạn chẳng bao giờ thành công trên con đường vốn dĩ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh này.
Đừng ngại ngần đi bộ hàng chục cây số, bị cả trăm người từ chối, thậm chí còn bị xua đối khi chào hàng. Bạn phải thử tất cả mới biết được mình phải làm gì để vạch ra chiến lược đúng đắn nhất. Sinh viên khi khởi nghiệp thường không có nguồn lực dồi dào, vì vậy hãy tận dụng tối đa những gì bạn có, đừng để cơ hội vuột mất.
5. Kém nhanh nhạy
Để đạt đến cái đích thành công trong kinh doanh thì sự nhạy bén là một yếu tố cực kì quan trọng. Bạn phải là người đón đầu hoặc ít nhất là bắt kịp xu hướng, đừng để mình tụt hậu để cuối cùng chỉ ăn theo người ta.
Nhiều người lúc sinh ra bản thân đã có sự nhanh nhạy khi quan sát mọi thứ xung quanh, nhưng dù thế nào bạn vẫn phải thường xuyên rèn luyện và chau dồi khả năng nhận biết, đánh giá, như vậy mới thành công trong kinh doanh.