Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tồn tại và phát triển trên thị trường cũng phải có một thương hiệu riêng, gây được dấu ấn với người tiêu dùng và đối tác. Thương hiệu chính là thứ tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp, không được đo đếm bằng vật chất nhưng nó đánh giá quá trình doanh nghiệp phát triển và tiềm năng của doanh nghiệp trong tương lai. Vì vậy các doanh nghiệp đều đưa việc xây dựng thương hiệu lên hàng đầu, tập trung rất nhiều nguồn tài nguyên để tạo ra sự uy tín và bản sắc riêng. Tuy nhiên, đôi khi doanh nghiệp lại không biết vài sai lầm rất nhỏ lại có thể phá huỷ toàn bộ sự cố gắng bấy lâu của họ. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số sai lầm như thế.
Thương hiệu là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp
1. Chăm sóc khách hàng không tốt
Chăm sóc khách hàng là khâu cuối cùng của quá trình kinh doanh, vì vậy nhiều doanh nghiệp thường “vô tình” bỏ quên, hoặc làm nhưng rất qua loa. Thực tế thì chăm sóc khách hàng mới là giai đoạn quan trọng, nó là bước để mở ra cơ hội bán hàng thứ hai cho doanh nghiệp. Nếu làm công tác này tốt, khách hàng sẽ có thiện cảm với doanh nghiệp và muốn quay lại mua vào lần tiếp theo, thậm chí là giới thiệu cho người khác. Ngược lại, khi không làm khách hàng hài lòng bạn sẽ vô tình tạo ra tiếng xấu cho doanh nghiệp.
Trong bài viết Sai lầm cần tránh khi chăm sóc khách hàng chúng tôi đã nhấn mạnh rất nhiều vào vấn đề này, mặc dù chỉ là 4 lỗi cơ bản nhưng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu nếu bạn không thể xử lý tốt. Vì vậy, nếu muốn xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng thì hãy thiết lập quy trình chăm sóc khách hàng hiệu quả.
2. Làm phiền chứ không phải tiếp thị
Tiếp thị là cách tốt nhất để quảng bá và xây dựng thương hiệu, nhờ có tiếp thị mà doanh nghiệp có thể tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, giúp đẩy mạnh doanh số trong thời gian ngắn. Thế nhưng, nhiều người lại thực hiện các chiến dịch tiếp thị một cách… mù quáng, sử dụng số lượng để bù chất lượng khi liên tục gọi điện chào hàng, gửi email marketing để quảng bá hay sử dụng Facebook để gửi tin nhắn,… Đây chính xác là spam, là làm phiền khách hàng chứ không phải tiếp thị, và việc làm này sẽ gây ra ấn tượng xấu cho người tiêu dùng, sau này chỉ cần thấy tên doanh nghiệp là họ đã tránh rồi.
3. Phân biệt đối xử
Khách hàng là thượng đế, mà thượng đế nào cũng như nhau!
Phân biệt đối xử, nịnh giàu khinh hèn, bỏ nhỏ chọn lớn là những điều tối kị trong kinh doanh, bởi nó vi phạm phương châm kinh điển “khách hàng là thượng đế”. Đã có quá nhiều câu chuyện những thương hiệu từ bé đến lớn chỉ nhìn vào bề ngoài của khách hàng rồi phục vụ, điều chắc chắn là việc làm này sẽ khiến không ít khách hàng khó chịu, kể cả người được nịnh hay kẻ bị khinh. Vì nó thể hiện thái độ thiếu chuyên nghiệp, chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt, mà các doanh nghiệp như thế sẽ không bao giờ suy nghĩ cho khách hàng.
Muốn xây dựng thương hiệu uy tín thì phải đối xử bình đẳng với mọi khách hàng dựa trên quy định của mỗi doanh nghiệp, như vậy mới tạo dựng được ấn tượng tốt và sự tin tưởng nơi người tiêu dùng.
4. Nhân viên bán hàng kém thân thiện
Tiếp xúc trực tiếp với khách hàng không phải chủ doanh nghiệp cũng không phải người tạo ra sản phẩm, mà là các nhân viên bán hàng, họ đóng vai trò như bộ mặt của doanh nghiệp vậy, thế nên mọi hàng động của họ đều ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng thương hiệu. Mà sai lầm lớn nhất là để cho những người có thái độ kém thân thiện bán hàng cho khách. Thử tưởng tượng bạn bước vào cửa hàng, nhân viên không hề hướng dẫn, bạn hỏi thì trả lời qua loa, dửng dưng, bạn đắn đo thì hối thúc chỉ mong bán hàng cho nhanh, như vậy bạn có muốn quay lại lần sau không?
Đào tạo ra một đội ngũ nhân viên bán hàng chuyên nghiệp không hề đơn giản, đòi hỏi khâu tuyển dụng phải thật sát sao, biết cách sàng lọc. Hãy tham khảo bài viết về những Bí quyết đào tạo nhân viên bán hàng siêu đẳng để có phương pháp phù hợp nhất.
Muốn xây dựng thương hiệu uy tín, chất lượng cần sự cố gắng rất lớn của toàn thể doanh nghiệp. Hi vọng rằng bạn sẽ không gặp phải những sai lầm này.
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Đón đầu xu hướng marketing online năm 2015
Kinh doanh theo chuỗi: Đường rộng nhưng không dễ đi
Lý do doanh thu bán hàng của bạn đang giảm