Những phương thức Marketing Mobile hiệu quả (phần 1)

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các thiết bị di động đang ngày càng phổ biến bởi sự tiện dụng của nó. Không chỉ dừng lại ở chức năng hỗ trợ, thiết bị di động đã trở thành một vật quan trọng không thể thiếu của rất nhiều người, cuộc sống của họ gần như gắn liền với chúng. Đây chính là một yếu tố đầy tiềm năng mà các doanh nghiệp có thể khai thác để triển khai chiến lược quảng cáo của mình. Marketing Mobile vừa đơn giản, chi phí thấp lại vừa dễ dàng tiếp cận được nhiều khách hàng, nhưng không phải ai cũng có cách đi đúng đắn để  đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy thử tham khảo một số phương thức Marketing Mobile dưới đây.

1. Marketing Mobile bằng mạng xã hội

Internet xuất hiện, kết nối toàn cầu đã xóa nhòa khoảng cách không gian, giờ đây mọi người đều có thể biết đến nhau thông qua các trang mạng xã hội. Trên cộng đồng ảo này mỗi ngày có hàng triệu triệu người liên tục đăng nhập để kết bạn, chia sẻ thông tin. Và một phần rất lớn trong số họ đang sử dụng các thiết bị di động để truy cập mạng xã hội. Các doanh nghiệp có thể tận dụng chính điều này để thực hiện các chương trình Marketing Mobile.

Đó có thể là những ưu đãi đặc biệt khi khách hàng ấn “thích” trang fanpage của doanh nghiệp, hay các phần quà trong cuộc thi ảnh liên quan đến thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dùng mã QR code, Microsoft 2D Tags,…để chèn những hình ảnh hay thông điệp có ý nghĩa nhằm quảng bá cho thương hiệu của mình.

Doanh nghiệp còn có thể sử dụng trang cá nhân của mình trên trang xã hội để cập nhật tin tức liên quan đến thông tin, sản phẩm, chương trình đặc biệt mới ra mắt hoặc tuyên truyền khẩu hiệu của mình.

2. Sử dụng ứng dụng cho thiết bị di động

Các thiết bị di động hiện nay đều sử dụng một nền tảng nào đó để hoạt động, và với mỗi nền tảng luôn có một kho ứng dụng riêng. Các doanh nghiệp có thể tạo những ứng dụng của mình và cho phép tải về miễn phí (hoặc tính phí). Ngoài doanh thu từ các ứng dụng mang lại, doanh nghiệp còn gián tiếp quảng bá cho thương hiệu của mình.

Những ứng dụng này có thể chỉ giống như một cuốn sách điện tử nhỏ liệt kê danh mục sản phẩm, hướng dẫn sử dụng hay để cập nhật tin tức của doanh nghiệp. Cũng có thể đó là một trò chơi đơn giản dành cho khách hàng, đem lại cho họ ưu đãi nhỏ, vừa gắn kết họ với doanh nghiệp vừa tạo được ấn tượng tốt.

3. SMS/MMS Marketing

Đây là phương thức Marketing Mobile đã xuất hiện từ khá lâu, bắt đầu bởi các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Hiện nay thì các doanh nghiệp kinh doanh khác cũng đang áp dụng phương thức này để gửi những tin nhắn văn bản, tin nhắn đa phương tiện cho khách hàng để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình.

Để đạt được hiệu quả cao nhất, các doanh nghiệp cần xác định đúng khách hàng tiềm năng, ngoài ra cũng nên chú ý đến tần suất gửi tin nhắn tránh làm phiền khách hàng. Lưu trữ lại thông tin của khách hàng là một việc khá quan trọng, giúp doanh nghiệp phục vụ tốt hơn khách hàng kể cả trước, trong và sau khi bán qua tin nhắn SMS/MMS.

Không phải chỉ quảng cáo mới có được sự quan tâm của khách hàng, những tin nhắn chúc mừng hay hỏi thăm vào một dịp nào đó cũng nhận được phản hồi tích cực của họ.

4. Email marketing

Nhắc đến SMS/MMS Marketing thì không thể không nói đến Email Marketing. Hiện nay các thiết bị di động đều có tích hợp chức năng nhận và gửi email, đây là một điểm rất thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng của mình.

Cũng giống như SMS/MMS Marketing, doanh nghiệp có thể gửi các email để cảm ơn hoặc giới thiệu sản phẩm, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi hoặc thông tin của mình đến khách hàng, nhưng với dung lượng lớn hơn rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, để phù hợp với nhiều nền tảng di động và cấu hình, kích thước của các thiết bị di động, doanh nghiệp nên tối ưu hóa thông điệp, hình ảnh của mình trên email. Đồng thời phải biết cách quảng cáo để không bị liệt vào danh mục “spam email”.

5. Telesales

Đối với điện thoại di động hay những thiết bị có chức năng nghe gọi, thì cách thức marketing được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất vẫn là Telesales (bán hàng qua cuộc gọi điện thoại). Những nhân viên kinh doanh của công ty có thể tìm kiếm thông tin liên lạc của khách hàng, sau đó gọi cho họ để hỏi nhu cầu và tư vấn về các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Phương thức nói chuyện trực tiếp mà không cần gặp mặt này vừa dễ tạo ấn tượng tốt vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể gọi điện cảm ơn hoặc hỏi thăm về quá trình sử dụng sản phẩm của khách hàng để thể hiện sự quan tâm của mình. Điều này vừa cho thấy sự tận tình của bạn vừa khiến khách hàng cảm thấy an tâm hơn và muốn quay lại mua hàng trong lần tiếp theo.

(còn tiếp)


Chia sẻ bài viết này