Kinh doanh dịch vụ quan trọng nhất là địa điểm, chọn mặt bằng tại nơi phù hợp thì nhanh chóng phát triển, ngược lại nếu chọn phải nơi “không đẹp” thì việc làm ăn rất thường rất khó khăn. Đẹp ở đây không phải nói đến phong thuỷ hay cảnh quan, mà đẹp là vì nơi đó tập trung nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng của mình. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn một số lưu ý khi chọn mặt bằng để mở nhà hàng thuận lợi hơn.
1. Địa điểm mở nhà hàng
Địa điểm là yếu tố quan trọng đầu tiên cần phải nhắc tới khi bàn đến mặt bằng của nhà hàng. Muốn chọn được địa điểm “đắc địa” thì trước hết bạn phải làm một cuộc khảo sát về nhiều vấn đề.
Thứ nhất là khảo sát đặc điểm dân cư của khu vực bạn định mở nhà hàng, các số liệu cần thu thập bao gồm độ tuổi trung bình, giới tính, nghề nghiệp, mức thu nhập và mức sẵn sàng chi trả, tình trạng hôn nhân. Từ những số liệu này bạn sẽ phân loại được từng nhóm đối tượng khác nhau, định hình đại khái sở thích, thói quen trong ăn uống của họ xem có phù hợp với lĩnh vực mà mình định kinh doanh hay không. Ví dụ khu vực bạn chọn tập trung nhiều sinh viên, độ tuổi phổ biến từ 18 đến 25 tuổi, độc thân, mức thu nhập cũng như khả năng chi trả thấp, vậy thì đối tượng này sẽ không phù hợp với nhà hàng sang trọng, đồ ăn đắt tiền. Hoặc khu vực tập trung nhiều người Nhật Bản sẽ thích hợp nếu mở nhà hàng đồ Nhật ở đây. Bạn có thể tham khảo bài viết 5 phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến của chúng tôi để biết cách thu thập thông tin tốt nhất.
Thứ hai là khảo sát tình hình giao thông, nếu nhà hàng của bạn nằm ở trục đường chính nhưng lại thường xuyên tắc đường hoặc là đường một chiều sẽ gây khó khăn khi khách hàng muốn dừng lại. Khu vực để xe cũng là điều bạn nên chú ý, vì quá trình ăn uống của khách khá lâu nên sẽ là cản trở giao thông nếu xe của khách để tràn ra đường.
Thứ ba là khảo sát đối thủ cạnh tranh, bạn cần phải biết trong phạm vi nhất định có bao nhiêu nhà hàng cũng kinh doanh lĩnh vực giống như bạn, tình trạng của họ ra sao và cách thức họ tiếp cận, phục vụ khách hàng thế nào. Biết người biết ta trăm trận trăm thắng mà.
2. Trang trí không gian nhà hàng
Có người nói thế này, đến nhà hàng không chỉ dùng vị giác để thưởng thức đồ ăn, mà còn dùng thị giác để nhìn ngắm khung cảnh, dùng thính giác để nghe âm thanh, khứu giác để ngửi mùi vị và xúc giác để cảm nhận từng chi tiết nhỏ nhất. Như vậy để tạo nên sự hoàn hảo cho nhà hàng của mình bạn phải tạo nên sự tổng hoà của cả 3 yếu tố tri giác. Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ không bàn đến các yếu tố vị giác mà chỉ quan tâm tới cách bạn bài trí không gian nhà hàng thế nào mà thôi.
Trước khi trang trí bạn phải xác định trước phong cách cho nhà hàng của mình, đó là nhà hàng truyền thống, cổ điển hay hiện đại, mang hơi hướng của quốc gia nào. Để làm điều này bạn nên dựa vào thực đơn những món chủ đạo và chiến lược kinh doanh của mình. Nếu nhà hàng của bạn chuyên về các món dân tộc thì trang trí theo phong cách rừng núi, hoang dã sẽ phù hợp hơn là phong cách hiện đại. Hay nhà hàng nổi tiếng với các món Trung Quốc thì kiểu bài trí nghiêng về tông màu nóng sẽ hài hoà với các món ăn.
Âm nhạc sẽ là điểm nhấn nho nhỏ cho nhà hàng của bạn, nhưng cần chú ý để không làm phiền khách hàng. Mùi hương cũng rất quan trọng, nó vừa có tác dụng khử mùi do nấu nướng gây lên vừa tạo ra nét độc đáo riêng cho nhà hàng, bạn nên chọn các mùi nhẹ, có tác dụng thư giãn. Ngoài ra bạn nên chú ý cả hệ thống chiếu sáng nữa, không nên quá tối cũng đừng chói quá, hãy sử dụng từng chùm bóng đèn nhỏ bố trí đều trong nhà hàng.
3. Kí kết hợp đồng
Đa phần chúng ta đều phải đi thuê mặt bằng để mở nhà hàng chứ ít ai có đủ điều kiện để tự xây dựng. Lúc này điều bạn cần chú ý là những điều khoản khi kí kết hợp đồng. Hợp đồng là sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai bên nên càng chi tiết càng tốt, bạn cần phải đọc thật kĩ, đề xuất yêu cầu của mình và thương thảo với bên chủ đất, đừng để đến lúc phải xảy ra tranh chấp. Thời hạn của hợp đồng cũng không nên quá dài, từ 5 đến 6 tháng là hợp lý, vì thực tế bạn cũng không thể dám chắc mình kinh doanh có thành công hay không. Cần phải chú ý là trước khi kí hợp đồng phải đến xem mặt bằng trước, thống kê những gì đã có sẵn để không phát sinh sự cố gì.
4. Quy định của địa phương
Dù kinh doanh bất cứ lĩnh vực gì bạn cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật, vì vậy hãy tìm hiểu trước những quy định chung và riêng tại địa phương bạn chọn để mở nhà hàng. Điều này nghe có vẻ thừa thãi nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp phải đóng cửa hoặc sụt giảm lợi nhuận vì những điều đó. Ví dụ như mở nhà tại tầng một của khu chung cư, nếu bạn hoạt động quá muộn sẽ gây ảnh hưởng tới người dân ở các tầng trên, có thể sẽ bị quản lý tại đây gây áp lực.
Chọn mặt bằng để mở nhà hàng là một khâu rất quan trọng, bạn cần phải chuẩn bị thật kĩ lưỡng trước khi bắt đầu vào thực hiện.
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Mở nhà hàng cần chuẩn bị những gì?
Phần mềm quản lý nhà hàng tốt nhất
Lập kế hoạch kinh doanh cho chủ nhà hàng