Muôn vàn chiêu trò bán hàng lừa đảo trên facebook (phần 1)

Ăn cắp thông tin khách hàng, sản phẩm thật khác xa hình ảnh được quảng cáo hay đóng giả người bán để lừa shipper… là một trong những kiểu lừa đảo trên facebook mà người tiêu dùng hay chính các chủ shop thường mắc phải khi kinh doanh online

Muôn vàn chiêu trò bán hàng lừa đảo trên facebook

Theo thống kê hiện nay Việt Nam có hơn 30 triệu người đang sử dụng facebook trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng với độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi. Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu mua sắm cao nhất và thường áp dụng hình thức mua hàng online qua các website bán hàng, đặc biệt là facebook. Chính nhu cầu thị trường cao đã khiến nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lao vào kinh doanh trên facebook, tranh giành khách hàng. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment xác nhận trên facebook hoặc fanpage của người bán, là giao dịch có thể tiến hành.

Tuy nhiên đi đôi với sự tiện lợi đó, nguy cơ bị lừa đảo luôn hiện hữu bởi việc kinh doanh trên facebook chưa được quản lý hiệu quả cũng như tính tự phát quá lớn. Việc trao đổi thông tin giữa kẻ mua người bán quá đơn giản, chỉ cần vài dòng comment, inbox là giao dịch đã hoàn thành. Chính vì mọi thông tin chỉ được trao đổi qua facebook, không gặp mặt trực tiếp nên rất nhiều người đã bị lừa, không chỉ người mua mà cả người bán. Dưới đây là các “chiêu bẩn”, lừa đảo phổ biến mà cộng đồng mạng dễ gặp phải khi mua bán online trên Facebook.

Sản phẩm thật khác xa với hình ảnh được quảng cáo

Nếu bạn có thói quen đọc báo sẽ thường xuyên thấy những tin tức như “phát sốt với hình ảnh thật của sản phẩm” hay “chết cười với sản phẩm online”… phản ánh vấn nạn người bán cung cấp sản phẩm không giống như mẫu khách hàng nhìn thấy trên mạng. Đây là một vấn đề khá lớn trong kinh doanh online khi sản phẩm được cung cấp trên các website, fanpage rất lung linh nhưng khi đến tay người dùng trông thật “thảm họa”. Nhiều người nói rằng quần áo đẹp phụ thuộc rất lớn vào người mặc, điều này đúng tuy nhiên việc hình ảnh quá khác với thực tế cũng khiến người mua thất vọng.

“Trộm” thông tin khách hàng

Một trong những yếu tố khiến người bán hàng trên facebook đau đầu nhất là tình trạng “cướp” khách hàng của nhau. Hiện nay đặc điểm chính của việc kinh doanh trên facebook là các chủ shop, cá nhân post bài trên fanpage hay group mua bán online. Khi khách hàng có nhu cầu họ sẽ comment ngay dưới dòng trạng thái và kèm theo địa chỉ cá nhân. Tuy nhiên chính vì điều này khiến nạn “ăn cắp” thông tin khách hàng diễn ra tràn lan, đặc biệt với các shop uy tín. Một số nhóm đối tượng thường xuyên “chầu chực”, “theo dõi” các fanpage nhiều thành viên, hễ có khách hàng comment mua hàng họ sẽ inbox trước hoặc gọi điện thoại để bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.

Trong khi đó người mua hàng ở Việt Nam thường có tâm lý “ham rẻ”, không quá quan tâm đến thông tin sản phẩm nên mua hàng không rõ nguồn gốc, điều này càng kích thích hành động xấu trên phát triển. Chính vì vậy hiện nay hầu hết các chủ shop kinh doanh trên facebook chỉ up ảnh sản phẩm không kèm báo giá. Nếu khách hàng thắc mắc sẽ trực tiếp inbox hoặc liên hệ với người bán.

Giả mạo fanpage uy tín

Ngày 31/3/2015 phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội đã bắt một nhóm chuyên làm giả các trang facebook bán hàng online có uy tín để lừa đảo. Cách làm của nhóm đối tượng này là chúng bỏ nhiều thời gian, tìm hiểu kỹ về fanpage có nhiều thành viên sau đó lập page giống hệt và kết bạn người khách hàng quen của người bán để lừa đảo. Trong vụ án ở trên, những kẻ lừa đảo đã làm giả facebook kinh doanh của một chủ shop bán túi xách cao cấp trên mạng với hàng nghìn khách hàng, chiếm đoạt hơn 100 triệu đồng của những vị khách có sở thích mua hàng online.

 

Fanpage giả (trái) được tạo y hệt fanpage thật

Những kẻ lừa đảo này rất chuyên nghiệp, chúng nghiên cứu kỹ cách thức bán hàng và giọng điệu comment của chủ shop, đồng thời dùng địa chỉ giả chủ động chat inbox với khách hàng, gạ gẫm họ mua hàng với lý do ‘chỉ còn số lượng rất ít hoặc giảm giá đặc biệt, số lượng có hạn”, yêu cầu người mua gửi tiền sớm để đặt cọc giữ hàng, hoặc mua sớm không hết hàng.

Đóng giả người thân lừa khách hàng

Cũng trong sự việc ở trên nhóm đối tượng này còn “chuyên nghiệp” tới mức họ không chỉ giả facebook của chủ shop mà còn lập page giả của chính khách hàng. Cách làm khá đơn giản, chúng sẽ khiến page giả giống hệt thật bằng cách sao chép hình ảnh, bài đăng trên trang chính thức sau đó chat, hỏi vay tiền của người thân, bạn bè cùng sở thích mua hàng.

Ngày 3/3/2015, hai kẻ lừa đảo đã dùng facebook giả của người vợ để inbox cho anh chồng chuyển số tiền hơn 10 triệu đồng vào tài khoản được cung cấp. Đến cuối ngày anh chồng vui mừng gọi điện thoại cho vợ nói chuyện về việc mua chiếc túi làm quà tặng vợ nhân dịp quốc tế phụ nữ 8 – 3 mới biết đã bị lừa.


Chia sẻ bài viết này