“Quảng cáo” có lẽ là chương trình quá quen thuộc đối với người tiêu dùng ngày nay. Các chương trình quảng cáo có ở khắp mọi nơi: từ trên tivi, báo, đài,..đến quảng cáo tiếp thị mời chào hàng ngày. Có những thời điểm “quảng cáo” được tung ra hàng loạt, khiến người tiêu dùng bị bội thực, một bộ phim kéo dài 1h thì chiếm đến gần 1 nửa thời gian dành cho quảng cáo, thậm chí nhiều người dùng còn không biết bạn đang quảng cáo gì.
Cũng chính vì việc truyền tải thông điệp quảng cáo hiệu quả là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc chính được các chuyên gia thế giới bám sát khi xây dựng các clip quảng cáo. Một thông điệp quảng cáo muốn thành công phải chứa đựng các yếu tố cơ bản hoặc ít nhất là bạn phải truyền tải được 1 cái gì đó đặc biệt tới người xem. Dưới đây là một số yếu tố bạn có thể xem sét đưa vào video quảng cáo của mình
Quảng cáo hiệu quả ngay trên chiếc Smartphone
Bạn đã cập nhật hết 5 xu hướng quảng cáo năm 2015 chưa?
1. Đơn giản – dễ hiểu
Bạn có nghĩ rằng đôi khi chỉ một thông điệp đơn giản, dễ hiểu là tốt hơn cho thương hiệu của bạn không? Người tiêu dùng vốn đã ác cảm với với việc “bị” xem quảng cáo quá nhiều. Họ càng không thể dành thời gian suy nghĩ, “đoán già, đoán non” về hàm ý của quảng cáo. Vì vậy, thông điệp quảng cáo cần phải đơn giản để đạt mục đích dễ hiểu, dễ liên tưởng và dễ nhớ. Một thông điệp đơn giản phải đi thẳng vào lợi ích cốt lõi và điều mà thương hiệu muốn quảng cáo đến với người tiêu dùng là đủ.
Không ít các clip quảng cáo được thể hiện phức tạp với quá nhiều hình ảnh, âm thanh, xen lẫn cả câu chữ và giọng nói nhiều khi còn mâu thuẫn lẫn nhau. Ngoài ra, có khi mẩu quảng cáo không ăn nhập gì với sản phẩm hay thương hiệu, làm người xem dù suy nghĩ “nát óc” cũng không thể liên tưởng đến sản phẩm hoặc thương hiệu đang quảng cáo.
2. Độc đáo – khác biệt
Đây cũng là một trong những cách các nhà chuyên gia tìm kiếm trước khi muốn tung ra một chiến dịch quảng cáo khác biệt. Một mẩu quảng cáo muốn thành công, trước hết nó phải thu hút được nhiều người xem và làm sao để họ xem hết clip. Muốn vậy, đoạn quảng cáo phải chứa đựng yếu tố bất ngờ để kích thích sự tò mò của người xem, đồng thời phải tạo được cảm giác bất ngờ thú vị vào phút cuối. Yếu tố bất ngờ có thể đến từ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, giọng nói hay nhân vật đó xuất hiện. Cách làm phổ biến và hiệu quả nhất vẫn là sự bất ngờ trong diễn biến của câu chuyện mà qua đó nội dung quảng cáo được truyền tải.
3. Cụ thể – chi tiết
Thông điệp quảng cáo cần rõ ràng, sống động và cụ thể để giúp người xem dễ nhận dạng, dễ nhớ và dễ liên tưởng đến lợi ích của sản phẩm . Ví dụ, khi quảng cáo cho một thương hiệu cà phê, người xem phải hiểu đó chính là cà phê với lợi ích của cà phê, chứ không phải là sách với lợi ích của việc đọc sách. Tương tự, khi quảng cáo cho thương hiệu dầu nhờn thì khách hàng phải hiểu đó là dầu nhờn với lợi ích của dầu nhờn chứ không thể nhầm lẫn với động cơ hay xe tải.
Yếu tố cụ thể còn được thể hiện ở khía cạnh định vị sản phẩm. Không thể có một sản phẩm phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng mà phải có một nhóm đối tượng là khách hàng chủ yếu, thường gọi là khách hàng mục tiêu. Thông điệp quảng cáo cần thể hiện rõ việc hướng đến đối tượng nào một cách cụ thể, nếu không người xem sẽ bối rối vì không biết liệu đây có phải là dành cho mình.
4. Đáng tin cậy
Độ tin cậy cao là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của một chiến dịch quảng cáo. Bạn đừng nghĩ, “quảng cáo” thì có thể khuếch đại lên bao nhiêu lần cũng được. Những mẩu quảng cáo nói quá sự thật hoặc cố tình lừa bịp khách hàng chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị phát hiện. Những mẩu quảng cáo “vô lý” chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay và sự thất bại của chiến dịch quảng cáo là không thể tránh khỏi.
5. Có cảm xúc
Tại sao những clip quảng cáo về sữa luôn khơi gợi tình yêu thương của người mẹ dành cho con, mong muốn con khôn lớn, thông minh, phát triển chiều cao từng ngày. Cảm xúc này sẽ khiến các bà mẹ muốn cho con uống sữa đều đặn. Hay những quảng cáo trong dịp tết thường mang lại cho người xem cảm xúc xum vầy, hạnh phúc và đầm ấm khi có mặt đầy đủ các thành viên trong gia đình. Những đoạn quảng cáo như trên đang lựa chọn cách tạo ra cảm xúc cho khách hàng.
Tuy clip quảng cáo phải đơn giản và cụ thể, nhưng không có nghĩa là người xem sẽ thích thú với những clip quá thô thiển, khô cứng. Một thông điệp quảng cáo thành công phải gây được cảm xúc cho người xem. Cảm xúc có thể là cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, yêu thương, chia sẻ; có thể là tâm trạng vui nhộn, hào hứng, hưng phấn; và cũng có thể là sự tự tin, mạnh mẽ, cá tính,… từ đó mới có thể hy vọng thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng.
6. Kết nối
Sự “kết dính” của thông điệp quảng cáo đối với người tiêu dùng là hết sức cần thiết vì nếu không, việc quảng cáo sẽ gây tốn kém, lãng phí mà không đem lại hiệu quả. Một thông điệp quảng cáo mang tính “kết nối” phải để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người xem và có tác động lâu dài đến việc hay thay đổi hành vi người tiêu dùng.
Kết luận
Tất nhiên, quảng cáo không phải là cây đũa thần hay liều thuốc tiên duy nhất tạo nên sự thành công cho một thương hiệu. Bản thân quảng cáo chỉ là một công cụ trong nhiều công cụ khác mà người làm thương hiệu cần phải thường xuyên sử dụng và cải tiến. Tuy vậy, đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hàng tiêu dùng, quảng cáo gần như là công cụ quyết định sự thành bại. Có thể nói, một thương hiệu khó có thể phát triển lớn mạnh để trở thành tầm cỡ nếu không dùng đến công cụ quảng cáo.