Trong phần 1 của bài viết Mở cửa hàng áo cưới cần chuẩn bị những gì? chúng ta đã cùng tìm hiểu 2 yếu tố đầu tiên rất quan trọng là mặt bằng và trang thiết bị, chỉ khi bạn xây dựng nền tảng vững chắc thì những công đoạn sau đó mới dễ dàng hơn. Với phần 2 này chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những yếu tố khác mà bạn cần đặc biệt chú ý nếu muốn cửa hàng của mình có thể phát triển lâu dài.
3. Nhập hàng
Sau khi đã chuẩn bị mặt bằng, trang thiết bị cần thiết để mở cửa hàng áo cưới thì việc tiếp theo bạn cần làm là tìm và nhập những bộ váy cưới thật độc đáo, đây mới là sản phẩm chính để bạn kinh doanh. Nếu muốn nhanh gọn thì bạn có thể đặt mua mẫu váy cưới từ những thương hiệu nổi tiếng hoặc liên hệ với những xưởng may trên thị trường. Tại Hà Nội có một số xưởng như A-Z Bridal, Lekchi,… còn ở Sài Gòn thì bạn có thể đến chợ Tân Bình để tìm mua. Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng thương hiệu riêng thì bạn nên thiết kế những mẫu váy khác biệt, giá cả có thể đắt hơn một chút nhưng sẽ đảm bảo tên tuổi cho bạn.
Ngoài các mẫu váy cưới, comple chính thì bạn cũng nên chuẩn bị những bộ áo dài truyền thống, đầm dạ hội vừa phục vụ chụp ảnh vừa cho khách hàng thuê để thay đổi.
4. Nhân viên
Kinh doanh cửa hàng áo cưới không chỉ có hoạt động bán hoặc cho thuê trang phục mà còn bao gồm cả chụp ảnh, trang điểm nên bạn sẽ buộc phải thuê thêm nhân viên. Thông thường cửa hàng sẽ phải có một thợ chụp ảnh chuyên nghiệp, biết tạo dáng và tư vấn cho khách, một thợ chỉnh sửa ảnh thành thạo photoshop và một chuyên viên trang điểm. Để tiết kiệm thì bạn có thể học rồi đảm nhiệm một trong số 3 vị trí trên. Quá trình tuyển chọn phải được thực hiện thật kĩ lưỡng, đừng nhìn vào hồ sơ hay nghe ứng viên nói về kinh nghiệm của họ mà hãy để họ làm thử rồi đánh giá. Vì những công việc này đều liên quan đến làm đẹp nên ngoài tay nghề chuyên môn thì nhân viên còn phải có khiếu thẩm mỹ tốt.
5. Chuẩn bị phụ kiện
Ngoài những thiết bị hỗ trợ chụp ảnh thì các phụ kiện trang trí cũng rất cần thiết, ví dụ như giỏ hoa, mũ, khăn,… hoặc một số dụng cụ hỗ trợ chụp ngoại cảnh như xe đạp, xích lô, xích đu,… Bạn có thể mua một số món đơn giản hoặc đặt làm những thứ phức tạp hơn, miễn sao có những phụ kiện độc đáo cho khách hàng.
Album ảnh tham khảo là thứ không thể thiếu trong cửa hàng của bạn, nó sẽ là yếu tố quyết định đến 50% tỷ lệ khách hàng có muốn sử dụng dịch vụ của bạn hay không. Thời gian đầu bạn có thể “mượn tạm” những bức ảnh mẫu của nơi khác, nhưng sau khi đã làm được vài dự án thì hãy sử dụng ảnh của mình để chân thực hơn. Các bức ảnh phải thật sự sắc nét, đa phong cách cho khách hàng lựa chọn, trình bày đẹp mắt, hấp dẫn.
6. Quảng cáo
Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi nào khai trương mới bắt đầu quảng cáo, nhưng thực tế hoạt động này cần phải thực hiện ngay khi bạn bắt đầu xây dựng lại mặt bằng, trang trí không gian cửa hàng để khi đi vào hoạt động sẽ có khách ngay lập tức. Ngoài những phương thức quảng cáo truyền thống như phát tờ rơi, treo băng rôn, đăng tin trên báo đài,… thì bạn nên tận dụng mạng Internet để tiếp thị. Bạn có thể thiết kế một website để đăng album ảnh và những chương trình khuyến mãi của mình nhằm thu hút khách hàng. Sau đó tận dụng các mối quan hệ trên mạng xã hội để lan truyền thông tin.
Mở cửa hàng áo cưới là loại hình kinh doanh đa dịch vụ, bao gồm cho thuê trang phục, chụp ảnh, trang điểm, vì vậy khâu chuẩn bị phải làm thật cẩn thận để làm hài lòng mọi khách hàng.
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Mở cửa hàng áo cưới cần chuẩn bị những gì? (P1)
Kinh doanh gì mùa Halloween năm 2015?
3 công cụ tiếp thị kinh doanh online không thể bỏ qua năm 2015