Kinh doanh quần áo online: Vì sao lại thất bại? (Phần 1)

Theo thống kê báo cáo của Google về hành vi mua sắm trực tuyến của người dùng, quần áo là mặt hàng được mua online nhiều nhất và có hơn 50% trên tổng số người online chưa từng mua hàng trực tuyến muốn thử mua mặt hàng này qua mạng. Từ đó có thể thấy kinh doanh quần áo đã và đang rất tiềm năng và có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và các mạng xã hội lại có không ít shop kinh doanh quần áo online lại bị điêu đứng và lặn ngụp trong thất bại. Nguyên nhân do đâu khi mà nhu cầu của người tiêu dùng vẫn ngày càng theo hướng tích cực như vậy?

1. Thất bại vì sản phẩm đại trà, không có sự khác biệt

Bởi đánh trúng được vào nhu cầu may mặc hằng ngày của người tiêu dùng, mức đầu tư cũng không cần quá lớn, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn cho mình mặt hàng quần áo để khởi nghiệp. Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt các shop quần áo lớn nhỏ, chiếc bánh ngon này bị cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Vì thế, theo bộ lọc tự nhiên, những ai không có tính sáng tạo trong chiến lược kinh doanh, sản phẩm không có gì mới mẻ, khác biệt tự khắc sẽ bị đào thải.

Là một người bán hàng giỏi, bạn phải luôn đặt ra câu hỏi tại sao khách hàng phải mua hàng từ shop quần áo của bạn chứ không phải của ai khác và trả lời nó một cách rõ ràng. Khách hàng mua online có lợi thế có thể so sánh sản phẩm, dịch vụ trên các shop khác nhau mà chỉ cần ngồi ở nhà với vài thao tác nhấp chuột. Họ luôn muốn tìm thấy những thứ đặc biệt hơn là 1 sản phẩm đại trà. Sự đặc biệt không chỉ ở sản phẩm mà còn ở phong cách phục vụ, chất lượng dịch vụ. Đó là lý do vì sao trước khi mua hàng, họ phải lựa chọn kiểu dáng, mẫu mã và chọn cả dịch vụ của shop. Nơi nào thường xuyên cập nhật các mẫu mới, những mẫu độc – lạ thường sẽ bán được nhiều hàng và đương nhiên họ tồn tại được lâu dài. Trong kinh doanh, đặc biệt là những sản phẩm có nhiều sự lựa chọn như quần áo, bạn cần đặt ra cho mình 1 mục đích kinh doanh đó là “Khác biệt hay là chết?” Khi bạn quyết định bắt tay vào kinh doanh thì bạn nên bỏ công sức để tạo nên bản sắc riêng, hay chí ít cũng tạo thêm các giá trị thặng dư trong dịch vụ để làm hài lòng khách hàng, vượt lên các đối thủ cạnh tranh.

2. Thất bại vì lao vào cuộc chiến cạnh tranh về giá

Sức cạnh tranh lớn, nhiều chủ shop lựa chọn cho mình hướng đi là đứng đầu về giá, khuyến mại tràn lan, thậm chí chọn lựa cho mình những mặt hàng quần áo giá rẻ. Suy nghĩ thoáng qua, đây là 1 ý tưởng không tồi. Tuy nhiên, trong cuộc chiến không phân thắng bại về giá cả này, ai cũng muốn mình bán những sản phẩm rẻ hơn các đối thủ khác. Người được lợi nhiều nhất ở đây là người tiêu dùng. Bạn được lợi không? Cũng có, bạn có thể sẽ bán được nhiều hơn vì giá khá cạnh tranh. Nhưng bạn chỉ kiếm được “bạc cắc” trên mỗi sản phẩm như vậy thì bạn phải bán bao nhiêu sản phẩm mới có thể đạt được mục tiêu doanh thu đề ra? Hay số tiền lãi từ đó không đủ để bạn duy trì lâu dài?

Thay vào việc giảm giá các loại quần áo đại trà, ở đâu cũng thấy bán, bạn nên tỉnh táo hơn khi lựa chọn dòng sản phẩm ít có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi nhuận đồng thời luôn sẵn sàng tạo ra sự đặc biệt trong sản phẩm, dịch vụ của bạn. Ngoài ra, bạn cũng cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, nhấn mạnh vào những điểm đặc biệt ít nơi nào có. Hay nói cách khác, bạn cần phải biết làm thế nào để khách hàng trả nhiều tiền cho bạn nhưng vẫn vui vẻ và hài lòng. Đây mới chính là điều bạn hướng tới chứ không phải mù quáng lao vào các cuộc chiến khốc liệt cạnh tranh về giá.

Ralph Lauren, ông chủ của hãng thời trang nổi tiếng Polo đã phải nỗ lực như thế nào để khẳng định thương hiệu của mình. Từ việc chắt chiu kinh nghiệm khi làm nhân viên bán hàng, nghiên cứu thị trường, ông đã cho ra sản phẩm duy nhất là caravat với kiểu cách ấn tượng và đa dạng, khác biệt so với những chiếc caravat thời đó. Ralph Lauren đã từng tự hào chia sẻ “tôi không thiết kế quần áo mà thể hiện những giấc mơ thông qua quần áo”. Các hoạt động PR, quảng cáo đều thể hiện quan điểm kinh doanh của Ralph Lauren là không phải bán hàng đơn thuần mà đem lại một phong cách sống cho người mua sản phẩm. Và khách hàng của ông đều muốn chứng tỏ rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu, vừa sang trọng lịch sự, vừa mạnh mẽ, trẻ trung. Chính vì thế, dù sản phẩm của ông không hề rẻ chút nào nhưng vẫn bán được rất nhiều và doanh thu thì các bạn biết rồi đấy, không hề tầm thường chút nào.

3. Thất bại vì không có kế hoạch kinh doanh hợp lý

Trước khi bắt tay vào mở shop quần áo, có không ít các bạn chủ shop chỉ mang hành trang là sở thích và chút vốn mà bỏ qua lập kế hoạch kinh doanh. Vì thế, mặc dù cũng nghĩ đến mọi cách thức để bán được hàng nhưng thiếu sự nhất quán và cũng thất bại.

Ví dụ ngay ở việc lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn. Đối với lĩnh vực thời trang, việc cập nhật các mẫu mới thường xuyên theo thị hiếu, thời vụ là điều đương nhiên nên bạn cần phải có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn. Nếu không rất dễ lâm vào tình trạng ứ đọng vốn bởi hàng tồn kho. Đây là 1 trong những nguyên nhân quan trọng và khá phổ biến làm cho các shop quần áo online bị “chết yểu”.

Việc bạn cần làm ở đây là gì? Hãy lập ngay cho mình 1 kế hoạch kinh doanh, xác định dòng sản phẩm đang bán chạy, xu hướng thời trang đang được ưa chuộng và không ngừng cập nhật, khảo sát thị trường, thiết kế website thời trang trong quá trình kinh doanh để đầu tư đúng lúc, đúng chỗ.

Xem tiếp 3 lý do còn lại khiến bạn thất bại khi kinh doanh quần áo online tại phần 2.

>>Giải nhiệt mùa hè với 5 ý tưởng kinh doanh online dành cho sinh viên


Chia sẻ bài viết này