Thị trường bán lẻ Việt nam chính thức mửa cửa hoàn toàn với các doanh nghiệp nước ngoài từ giữa tháng 1/2015 theo đúng cam kết khi gia nhập WTO. Việc các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên như nấm và ngày càng mở rộng về quy mô và tăng lên về số lượng đã lấn sân các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Hệ quả tất yếu là rất nhiều cửa hàng không chịu được sức ép nên buộc phải đóng cửa hoặc kinh doanh lay lắt. Trên thực tế thì có rất nhiều hướng giải quyết, hoặc nâng cấp lên thành siêu thị mini, đi theo mô hình cửa hàng tiện lợi nhưng phương án tốt nhất được đưa ra đó là chọn thị trường ngách để giảm bớt áp lực cạnh tranh.
1. Lối đi nhỏ nhưng cơ hội lớn cho cửa hàng truyền thống
Theo quan sát, chúng tôi nhận thấy các cửa hàng bán lẻ truyền thống có những điểm chung như quy mô còn khá nhỏ, diện tích mặt bằng không quá lớn, thường tập trung ở những nơi đông dân cư nhưng không nằm trên các con phố lớn hay các tuyến phố trung tâm. Mặt hàng kinh doanh rất đa dạng từ hàng hóa, thực phẩm, đồ dùng nhà bếp, mĩ phẩm, giày dép, quần áo, sách báo, dụng cụ học tập…Một trong những ưu điểm của cửa hàng bán lẻ truyền thống là mang đến sự thuận tiện, nhanh gọn cho người tiêu dùng. Thay vì mất thời gian gửi xe, chờ đợi tính tiền như tại các siêu thị, cửa hàng lớn đông người, khách tới các cửa hàng tiện lợi có thể hoàn thành việc mua sắm chỉ trong vài phút. Trong khi tại các cửa hàng này sản phẩm bày bán cũng phong phú, đa dạng không kém so với các hệ thống siêu thị và giá cũng không đắt hơn do nhiều gia đình không mất tiền thuê mặt bằng mà tận dụng nhà ở luôn.
Trước sự đổ bộ ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài cũng như sự phát triển của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp lớn trong nước thì các cửa hàng bán lẻ truyền thống khó có thể chen chân ở những khu vực trung tâm, đông dân cư, nên phải tìm đến những nơi mà doanh nghiệp lớn chưa kịp tới, phục vụ nhu cầu của người dân ngay tại đó. Đây cũng chính là một phân khúc thị trường ngách cho những hộ kinh doanh nhỏ tận dụng, nắm bắt và trụ lại được trong thị trường bán lẻ Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng cho biết họ thường mua hàng ngay tại các cửa hàng tạp hó trong khu dân cư, ở gần nhà vì không phải đi xa, hàng hóa cũng phong phú, người bán hàng rất hòa nhã do quen biết. Nhiều khi nhà có khách đột xuất hay đang nấu ăn mà thiếu ít đồ gia vị thì chạy ra rất tiện hoặc chỉ gọi điện là họ mang vào tận nơi.
2. Thách thức và cơ hội
Một cửa hàng bán lẻ truyền thống bên cạnh những thuận lợi như đáp ứng nhu cầu tiết kiệm thời gian của khách hàng hay sự tinh gọn trong cách thức quản lý, vận hành những cũng vẫn gặp không ít khó khăn.
Đầu tiên đó là vấn đề vốn xoay vòng. Thông thường chủ cửa hàng phải thanh toán tiền mặt ngay cho nhà cung cấp khi nhập hàng nên cũng phải dự trữ một nguồn vốn kha khá, đặc biệt là trong dịp Tết này. Nguồn hàng phải đảm bảo chất lượng, khi lấy hàng về xong không bán được thì thua lỗ, phá sản là chuyện bình thường. Nhiều cửa hàng phải nhập hàng từ nhiều nguồn khác nhau như từ các cửa hàng bán sản phẩm nhập khẩu, các hệ thống siêu thị lớn, thậm chí canh các đợt giảm giá quy mô lớn của các siêu thị lớn để lấy hàng. Kế đến là nhiều cửa hàng phải thuê mặt bằng nên chi phí hoạt động khá cao. Nhiều chuyên gia nhận định mặt bằng chiếm tới 60% trong thành công của mô hình kinh doanh này, 40% còn lại là các yếu tố khác như vốn, chi phí quản lý.
Bên cạnh những khó khăn trên thì cửa hàng kinh doanh bán lẻ truyền thống vẫn còn rất nhiều tiềm năng mà nếu biết cách khai thác hợp lý thì khả năng phát triển sẽ rất cao. Đầu tiên đó là sự thuận tiện, hơn nữa các cửa hàng hiện nay dần cũng biết gia tăng các dịch vụ tiện ích như giao hàng tận nơi cho dù chỉ là củ hành, chai nước mắm, gói bột ngọt; làm thêm các loại bánh, đồ ăn nhanh; phục vụ khách hàng tận tình như người thân quen… Điều này giúp người tiêu dùng ngày càng gắn bó hơn với cửa hàng. Nếu được khách hàng tin tưởng, thường xuyên ủng hộ thì lấy số lượng bù lại cũng vẫn có lãi.