Công nghệ sẽ thay đổi cách mà các ngân hàng giao dịch với khách hàng. Đó là điều không cần bàn cãi. Đáng nói hơn, công nghệ còn đóng vai trò tối quan trọng giúp các ngân hàng thương mại tiến vào mảng bán lẻ thành công khi mà tăng trưởng tín dụng và đẩy mạnh dịch vụ tới các khách hàng doanh nghiệp lớn bị hạn chế.
Theo các chuyên gia, mảng dịch vụ bán lẻ được coi là chìa khóa cho sự tăng trưởng của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Vì thế, cuộc chạy đua quyết liệt giữa các ngân hàng đang diễn ra bởi chính những lợi ích mà phân khúc này có khả năng mang lại trong chiến lược kinh doanh dài hạn của mỗi đơn vị.
BankAustria (Áo) là một câu chuyện thú vị. Tháng 9 năm ngoái, ngân hàng này quyết định nhân rộng mô hình SmartBanking của họ trên toàn lãnh thổ Áo. Cụ thể, mô hình này cho phép khách hàng cá nhân của BankAustria được hưởng dịch vụ tư vấn thông qua trò chuyện video trực tuyến, điện thoại, tin nhắn SMS và Online Banking. Để hỗ trợ cho dịch vụ này, BankAustria còn tặng kèm cho mỗi khách hàng cao cấp một máy tính bảng Samsung Tab 3 để thuận tiện trong việc giao dịch với Ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm:
Báo giá thiết kế website bán hàng
Theo ông Helmut Bernkopf, thành viên Hội đồng Quản trị BankAustria, nhờ công nghệ di động và các thiết bị thông minh mà khách hàng giờ đây có thể được chuyên gia của BankAustria tư vấn mọi lúc mọi nơi. “Thông qua internet cùng những công nghệ mới, chúng tôi có thể phục vụ khách hàng cá nhân 24/7 với mọi dịch vụ ngân hàng và họ không phải đi đến tận nơi. Đó là lợi thế rất lớn trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay”, ông nói.
Gần đây hơn, Ngân hàng Standard Chartered ở Singapore vừa qua đã phối hợp với nhà mạng SingTel để cung cấp gói dịch vụ tài chính di động mang tên Dash. Gói dịch vụ này cho phép người dùng có thể chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng về tài khoản trên di động để thực hiện thanh toán; hỗ trợ cho vay cá nhân thông qua smartphone; và đăng ký dịch vụ bảo hiểm du lịch trên di động.
“Dash tập trung giải quyết những nhu cầu tài chính hàng ngày của người dùng trong xu thế di động hóa. Bây giờ, khách hàng cá nhân không còn cần phải đến các chi nhánh ngân hàng để thực hiện các thủ tục tài chính tốn nhiều thời gian. Ngân hàng bán lẻ nhờ vậy cũng được hưởng lợi và phục vụ khách hàng hiệu quả hơn”, ông Allen Lew, Tổng Giám đốc khối Digital Life, SingTel, giải thích.
Có thể nói, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội để đầu tư phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân dựa trên công nghệ nhằm tạo sự khác biệt, nhất là ở lĩnh vực di động. Đơn cử, đã có không ít các ngân hàng trong nước trang bị máy tính bảng cho nhân viên để giao dịch với khách hàng thuận tiện hơn. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là khả năng bảo mật những thông tin nhạy cảm khi sử dụng các thiết bị thông minh vào hoạt động ngân hàng.
“Mỗi ngân hàng, dựa trên quy mô và cấu trúc hệ thống khác nhau, cần phải xây dựng các nhóm giải pháp bảo mật riêng cho bản thân từng đơn vị. Tôi biết một ngân hàng thương mại có doanh số cao nhất nhì Việt Nam đã xây dựng 3 nhóm giải pháp về tổ chức hành chính, về công nghệ và về giáo dục đào tạo nhân viên trong công tác bảo mật. Khi làm được điều này, ngân hàng đã chủ động một bước trước những rủi ro về bảo mật và giúp khách hàng vững tâm hơn khi giao dịch”, ông Mai Sean Cang, Giám đốc Bộ phận Giải pháp Doanh nghiệp, Samsung Việt Nam, cho hay.
Một trong những vướng mắc lớn nhất mà nhiều ngân hàng tại Việt Nam còn gặp phải là công nghệ bảo mật. Trong xu thế di động hiện nay, thông tin nhạy cảm có thể dễ dàng được truy cập từ các thiết bị thông minh như smartphone hay máy tính bảng của nhân viên ngân hàng. Trong một dự án nghiên cứu về mức độ nguy hiểm khi các thiết bị di động bị đánh cắp của hãng Symantec, 83% thiết bị sau khi bị đánh cắp đã được sử dụng để truy cập vào các ứng dụng hay dữ liệu kinh doanh; 45% thiết bị bị sử dụng để truy cập vào email doanh nghiệp.
Rõ ràng, đây là những con số đáng báo động cho doanh nghiệp, nhất là các ngân hàng khi mà thiết bị cá nhân đang được sử dụng càng nhiều ở môi trường làm việc. “Một giải pháp cho tình trạng này được nhắc tới gần đây là tách riêng dữ liệu cá nhân và dữ liệu doanh nghiệp trên thiết bị di động, tránh tình trạng sao chép dữ liệu ra ngoài từ nội bộ ngân hàng. KNOX là giải pháp bảo mật di động cho phép nhân viên ngân hàng có thể sử dụng thiết bị cá nhân trong công việc mà không sợ bị đánh cắp thông tin”, ông Cang chia sẻ.
Theo đại diện Samsung, KNOX là giải pháp bảo mật được tích hợp trong các thiết bị của Samsung, tiêu biểu nhất là Tab Active, Galaxy S5, Note 4, Notepro; giúp doanh nghiệp có thể quản lý dữ liệu và các ứng dụng trên thiết bị di động của nhân viên một cách tuyệt đối. Cụ thể, KNOX chia rõ môi trường làm việc cho Work (Công việc) và Play (Cá nhân). Tất cả các dữ liệu trong môi trường công việc không được sao chép khi chưa có sự kiểm soát và cho phép. Với công cụ này, nhân viên IT của ngân hàng có thể quản lý, kiểm soát hoặc cài đặt các thiết bị di động của nhân viên. Khi điện thoại hư hỏng hoặc bị mất cắp, ngân hàng vẫn đảm bảo được thông tin không bị mất hay rò rỉ ra ngoài.
Bên cạnh KNOX, tại thị trường Việt Nam, Samsung sẽ đẩy mạnh việc cung cấp các giải pháp công nghệ cho hệ thống ngân hàng thương mại như thanh toán qua thiết bị di động (mPOS) và dịch vụ in ấn với tính bảo mật cao (SecuThruTM Lite) trong toàn bộ hệ thống nội bộ của một ngân hàng.
Ngoài ra, công nghệ hiển thị kỹ thuật số SMART Signage của Samsung với phần mềm quản lý nội dung MagicInfo sẽ cho phép các bộ phận liên quan của ngân hàng có thể cập nhật và kiểm soát chính thông tin hiển thị ở nhiều địa điểm tại trung tâm theo thời gian thực; đảm bảo hiệu quả dịch vụ ở mức cao nhất cho cả ngân hàng lẫn khách hàng cá nhân.
Xem Thêm
8 câu nói tiếp lửa từ những CEO hàng đầu thế giới
10 mẫu giày thể thao khó lòng có thể phân biệt thật giả
báo giá thiết kế website bán hàng
Nguồn: Theo doanhnhansaigon.vn