Cẩm nang mua sắm online an toàn 2015 (P1)

Sẽ thật là thiếu sót nếu nhắc đến kinh doanh trực tuyến mà lại quên mất một mặt khác rất quan trọng của nó, đó là mua sắm online. Nếu trong môi trường mạng người bán gặp vô vàn khó khăn vì mức độ cạnh trạnh quá cao, thì người mua cũng phải đau đầu không ít với vấn đề an toàn khi mua sắm. Lừa đảo, treo đầu dê bán thịt chó, “xù” tiền,… và rất rất nhiều trở ngại khác khiến người tiêu dùng lắc đầu ngán ngẩm trước thực trạng hiện nay của mua bán qua mạng. Với tiêu chí vì lợi ích người tiêu dùng, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những bí quyết mua sắm online an toàn trong bài viết dưới đây.

1. Xác định rõ ràng sản phẩm cần mua

Khi nhắc đến điều này rất nhiều người thường chậc lưỡi cho qua, vì nó đơn giản đến mức… không cần nhớ cũng được, đâu phải còn trẻ con mà không biết phải mua gì. Thế nhưng, khi truy cập vào một website bán hàng điển hình bạn mới hiểu điều mà chúng tôi nhắc nhở không hề thừa thãi.

Cũng giống như các cửa hàng truyền thống, website là nơi để chủ cửa hàng trưng bày sản phẩm của mình, tuy nhiên, để gây sự chú ý cho khách hàng họ thường sử dụng rất nhiều cách để đánh lạc hướng bạn. Ví dụ như khi bạn vừa truy cập vào trang web, một pop-up quảng cáo liền hiện ra chắn hết màn hình, nội dung nổi bật với chương trình khuyến mãi lên tới 50%. Quá hấp dẫn đúng không? Và rồi bạn click vào đó, xem hết danh sách hàng giảm giá, lựa chọn cả đống sản phẩm tuy xịn mà hời nhưng lại quên mất mới đầu mình vào đây để làm gì.

Dĩ nhiên chiêu trò này của chủ cửa hàng không gây hại gì cho bạn cả, chỉ là bạn sẽ phải mất thêm khoản phí phát sinh không nhỏ nữa mà thôi. Để không gặp phải tình huống này hãy luôn ghi nhớ sản phẩm mình cần mua trong đầu, sau khi thanh toán xong mới xem những sản phẩm khác.

2. Tìm hiểu thật kĩ thông tin sản phẩm

Mua sắm online thì bạn sẽ không được xem những thông tin được in trực tiếp trên sản phẩm hoặc bao bì, bạn chỉ có thể tham khảo thông tin được chủ cửa hàng viết ra trên website mà thôi, và ai biết được nó đúng hay sai chứ. Vì vậy trước khi quyết định mua bất kì sản phẩm nào, hãy tìm hiểu thật kĩ về sản phẩm đó trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau như báo chí, ti vi, website khác,… Hiểu rõ sản phẩm bạn sẽ có cái nhìn chính xác và khách quan hơn, không bị những lời mô tả có cánh của cửa hàng đánh lừa nữa.

3. Đừng quá tin vào hình ảnh minh hoạ

Ngoài thông tin thì hình ảnh minh hoạ cũng là yếu tố mà nhiều người quan tâm khi mua hàng trực tuyến, vì đó là cách để hình dung sản phẩm tốt nhất. Tuy nhiên những hình ảnh lung linh đó có thể là được lượm lặt trên mạng, bạn đừng quá tin tưởng. Ví dụ dễ thấy nhất là trong lĩnh vực thời trang, đã không ít trường hợp người dùng khóc không được mà cười cũng không xong vì sản phẩm cầm trên tay khác xa hình ảnh đã xem trên website.

Để an toàn, bạn chỉ nên mua hàng ở những website chụp ảnh thật của sản phẩm, không phải ảnh đã qua chỉnh sửa hay ảnh do người mẫu nào đó chụp. Còn nếu không, hãy yêu cầu chủ cửa hàng chụp ảnh thực tế sản phẩm gửi riêng cho bạn trước khi quyết định thanh toán và lưu lại làm bằng chứng để đòi quyền lợi sau này.

4. So sánh giá cả

Khi nhìn thấy dòng chữ “Sale off 30%”, “Giảm giá một nửa toàn bộ cửa hàng” hay “Mua một tặng một cho 100 khách hàng đầu tiên”, bạn có cảm thấy kích thích không? Có ngay lập tức đặt mua một loạt sản phẩm vì sợ hết hạn khuyến mãi hay không? Nhưng đừng vội mừng nhé, vì có thể so với giá niêm yết cả website khác thì bạn chẳng mua hời được bao nhiêu đâu, thậm chí vẫn đắt hơn đấy.

Lợi thế khi mua hàng trên mạng là bạn có thể truy cập vào cả chục trang web cùng lúc để xem sản phẩm, đây chính là lợi thế giúp bạn dễ dàng so sánh giá cả hơn. Ít nhất hãy xem xét giá và chính sách ưu đãi của 3 cửa hàng khác nhau để chắc rằng mình không bị “hét giá” nhé!

(Còn tiếp…)

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

Cẩm nang mua sắm online an toàn 2015 (P2)

Bỏ việc kỹ sư để làm giàu với ý tưởng kinh doanh nghìn đô từ… gà cảnh

Bí quyết tăng giá trị đơn hàng trong kinh doanh online


Chia sẻ bài viết này