Áp lực là một yếu tố không thể thiếu dù trong bất kỳ công việc nào, nó giống như việc uống thuốc độc để giải khát vậy, mặc dù đem lại hiệu quả rất nhanh chóng và rõ rệt nhưng di chứng để lại cực kì nặng nề nếu chúng ta không có biện pháp phòng bị và đối phó. Chúng ta đã cùng tìm hiểu 4 Bí quyết giảm áp lực trong công việc trong phần 1 của bài viết trước đó, có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng đây chỉ là phương pháp tự lừa mình dối người mà thôi, nhưng thật ra thông điệp mà chúng tôi muốn truyền tải là hãy thay đổi cách nghĩ rồi bạn sẽ thấy mọi thứ dễ chịu hơn rất nhiều. Còn bây giờ, cùng tìm hiểu các bí quyết tiếp theo nhé!
5. Tập trung vào những thứ mình có thể kiểm soát
Mất kiểm soát sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều
Như đã nói ở phần 1 của bài viết, trạng thái rối loạn là hậu quả của việc lạm dụng áp lực quá mức, mà biểu hiện dễ thấy nhất là bạn bị mất kiểm soát với khả năng thực hiện công việc của mình. Ví dụ đơn giản như thế này, bạn bị giao cho viết 4 bài nội dung mới 100% trên dưới 1000 từ trong vòng 1 buổi chiều 4 tiếng. Trung bình 1 tiếng 1 bài viết, chưa kể thời gian nghĩ thì thời gian để viết cũng chiếm gần hết rồi, nó gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Lúc này bạn rất dễ lâm vào trạng thái rối loạn, không biết phải làm sao để hoàn thành yêu cầu nữa, dẫn đến việc càng cố nghĩ bạn càng không thể viết được một câu ra hồn, cuối cùng, 4 tiếng viết được 1 bài đã là may mắn lắm rồi.
Trong trường hợp này, thời gian là thứ bạn cần nhất và cũng là thứ bạn không thể kiểm soát, thay vì để ý đến nó thì tại sao bạn không tập trung vào thứ mình có thể chủ động? Đó là khả năng viết, chỉ cần gạt bỏ hết mọi thứ và tập trung vào bài viết thì tôi đảm bảo một buổi chiều bạn có thể viết 1 bài 4 phần trên dưới 4000 chữ. Tại sao lại là 1 bài? Vì yêu cầu là nội dung mới 100% chứ không phải chủ đề khác nhau 100%, viết một bài cùng chủ đề nhưng chia làm nhiều phần sẽ tiết kiệm thời gian tìm kiếm hơn. Nếu cứ bị thời gian chi phối, liệu rằng bạn có nghĩ được biện pháp này không?
6. Nhớ lại rằng mình đã từng thành công như thế nào
Để đi đến ngay hôm nay chắc chắn bạn đã phải vượt qua vô vàn gian khó rồi, mặc dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thử thách nếu muốn thành công, nhưng bạn có quyền tự hào vì những gì mình làm được. Điển hình như công việc trước mắt, nó quá áp lực và khiến bạn mệt mỏi vì bị cuốn vào vòng xoáy dường như vô cùng vô tận, bạn cảm thấy vượt qua nó dường như là điều không thể sau khi sức lực gần như đã bị rút cạn. Nhưng hãy nghĩ lại xem, trong quá khứ bạn đã chính phục được bao nhiêu thử thách rồi, bạn hoàn toàn có thể lặp lại một lần nữa thành công đó mà. Hãy cứ tự nhủ mình như vậy, rằng bạn có thể. Cố gắng “lết” đi từng chút cũng có một ngày đến đích mà thôi, chỉ cần bạn không từ bỏ!
7. Luôn suy nghĩ tích cực
Điều khiến áp lực trở nên đáng sợ là nó có thể bóp chết toàn bộ niềm tin và nhiệt huyết trong bạn, đây thực sự là thảm họa nếu bạn không thể tìm ra biện pháp khắc phục. Duy trì một cái óc tỉnh táo, một tinh thần lạc quan và một trái tim kiên cường là những hành trang không thể thiếu để vượt qua áp lực. Những việc suy nghĩ tích cực là rất cần thiết, nó giúp bạn hạn chế tình trạng rối loạn, giữ vững động lực, giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng. Tập làm quen và yêu thích công việc mình đang làm là một cách, nếu không thì hãy nghĩ về những lợi ích mà bạn sẽ nhận được sau khi hoàn thành công việc này, và trong cuộc sống hãy chọn lấy một niềm vui để thấy rằng công việc không phải tất cả.
8. Hãy thư giãn
Áp lực nghĩa là cường độ công việc sẽ rất cao, thời gian thì gấp rút, bạn gần như không còn thời gian để thở. Chúng tôi hiểu điều này, nhưng hãy tập cho mình thói quen thư gian, chia nhỏ quỹ thời gian nghỉ ngơi trước đây để điều hòa áp lực. Giả sử bạn từng dành 1 tiếng rưỡi để nghỉ trưa, vậy thì hãy rút lại còn 45 phút tính cả thời gian ăn uống và ngủ trưa, còn lại 45 phút chia đều làm 3 lần nghỉ giữa giờ trong buổi sáng, dùng để nghe nhạc, quay sang tán dóc cùng đồng nghiệp hay đơn giản là nhắm mắt lại và thả lỏng cơ thể. Những khoảng nghỉ này tuy ngắn ngủi nhưng sẽ giúp bạn bớt căng thẳng hơn, điều chỉnh tâm lý tốt hơn để bắt đầu các giai đoạn công việc khác.
(Còn tiếp…)
Đọc thêm bài viết khác tại đây:
Bí quyết giảm áp lực trong công việc (P1)
Bí quyết giảm áp lực trong công việc (P3)
Khởi nghiệp thế nào khi chỉ có hai bàn tay trắng