Nếu như theo dõi Blog Kinh Doanh Việt thì chắc hẳn bạn đã có thể biết đến cô gái trẻ sinh năm 1987 – Thu Hương, người đã từ bỏ nghề giáo viên truyền thống của gia đình để theo đuổi đam mê kinh doanh đồ handmade và thành công với thu nhập có tháng lên đến 80 triệu đồng.
Tiếp nối thành công ấy, nội dung dưới đây sẽ tiếp tục kể câu chuyện về chàng thanh niên 9x tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, từ bỏ một vài công việc trước đó để khởi nghiệp đam mê kinh doanh hàng handmade độc đáo với số vốn chỉ 1 triệu đồng trong tay.
Hãy xem xem chàng trai ấy đã làm như thế nào nhé!
Kinh doanh đồ handmade đến từ sự tình cờ
Sau khi thi đỗ vào hai trường đại học danh giá là Đại học Ngoại thương và Đại học Y Hà Nội vào năm 2010, Trần Anh Dũng (24 tuổi, đến từ Gia Lâm, Hà Nội) đã quyết định học Ngoại thương bởi niềm đam mê kinh doanh của mình.
Là người sống tự lập, chàng trai trẻ này đã quyết tâm không phải xin tiền bố mẹ nữa. Thế là vừa học, Dũng vừa làm việc part-time tại một công ty Tổ chức sự kiện, được khoảng nửa năm thì tình cờ biết đến những chiếc móc chìa khóa handmade độc lạ đang được rất nhiều bạn trẻ yêu chuộng. Vốn có sẵn máu kinh doanh trong người và 1 triệu đồng tiền tiết kiệm, Dũng huy động thêm ba người bạn khác cùng tham gia khởi nghiệp với mình.
Sau khi chung tay tìm mua nguyên liệu vải bông, chỉ, keo, kim và bắt đầu khâu sản xuất sản phẩm theo hướng dẫn chi tiết tìm thấy trên mạng, bốn bạn trẻ đã tạo ra được những chiếc móc chìa khóa đầu tiên và nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng. Chính điều đó đã tạo động lực cho họ ngày thì đi học, tối lại tìm mua nguyên phụ liệu để sản xuất móc chìa khóa. Cứ thế, mẫu mã sản phẩm ngày càng trở nên đa dạng hơn, tăng dần từ vài chục đến vài trăm mẫu.
Tuy nhiên, “việc chào hàng rất khó khăn, sản phẩm thì mới mà người chào hàng lại toàn là mấy đứa sinh viên mặt “non choẹt” nên không được các chủ shop tin tưởng, trong khi đó, số lượng sản phẩm lớn nên không thể chỉ dựa vào việc bán cho khách hàng lẻ được. Sau một thời gian kiên trì, nhóm cũng tìm được khách hàng buôn đầu tiên là một cửa hàng quà lưu niệm ở Cầu Giấy. Rồi dần dần như thế, khi mặt hàng handmade trở nên phổ thông và được ưa chuộng nhiều, số lượng cửa hàng nhận bán cũng ngày càng tăng lên đáng kể”, Dũng chia sẻ.
Khi bắt đầu có doanh thu và lợi nhuận, nhóm của Dũng bắt đầu thuê và làm chủ 4 cửa hàng để kinh doanh. Nhưng chi phí thuê đắt đỏ, cùng với việc sản phẩm tồn động khi chưa đáp ứng được xu hướng mới của mặt hàng này đã dẫn đến việc thua lỗ đến vài chục triệu đồng.
Cú sốc thất bại vẫn không thể làm chùn bước
Mặc dù kinh doanh thất bại nhưng bốn bạn trẻ vẫn ổn định lại được tinh thần, đóng cửa hai cửa hàng để tập trung kinh doanh hơn và bắt đầu tìm kiếm, theo đuổi những xu hướng handmade mới. Việc cải tiến thêm nhiều dòng sản phẩm độc đáo đã giúp Dũng và bạn bè của mình dần dần khôi phục, trả được hết nợ, bắt đầu thu lợi nhuận và tạo dựng thương hiệu đồ handmade.
Sau nhiều năm phát triển, cho đến nay, với các cửa hàng mang tên “Bánh đa shop”, hay “Bánh cuốn shop”, Dũng và cộng sự đã có khoảng hàng nghìn khách hàng mua online, cùng với đó là rất nhiều đại lý nhận bán trong cả nước, thậm chí một số thương nhân nước ngoài cũng đặt hàng. Không những thế, bằng sự sáng tạo của mình, Dũng còn đang phát triển mô hình lớp học dạy làm đồ handmade giúp tạo ra lợi nhuận khoảng 1 – 2 triệu đồng một tháng. Đó quả là một sự thành công đáng ngưỡng mộ! Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, chàng trai trẻ này còn có dự định đưa rộng rãi sản phẩm handmade của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, hướng tới ba nhóm đối tượng là những người thích mua sản phẩm làm sẵn, những người thích mua nguyên phụ liệu để tự làm theo hướng dẫn, và những người mua nguyên phụ liệu về để tự sáng tạo theo ý thích của mình.
“Với những giá trị tinh thần mà các sản phẩm handmade mang lại thì xu hướng phát triển của nó sẽ còn rất rộng mở trong tương lai”, Dũng bật mí lý do khiến mình sẽ tiếp tục theo đuổi con đường kinh doanh đồ handmade. Vậy, còn bạn thì sao?
Tổng hợp