Kết thúc bán hàng nghe có vẻ tưởng chừng như đơn giản nhưng không nhiều người nhận thức được tầm quan trọng của quá trình này. Rất nhiều khách hàng có thể trong quá trình giao tiếp đồng ý chi tiền để sử dụng sản phẩm/dịch vụ của một doanh nghiệp, nhưng sau đó họ có thể đổi ý bởi những thái độ đến từ chính người bán hàng.
Trong phần 2, Kinh Doanh Việt sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn những nguyên tắc kết thúc bán hàng chuyên nghiệp.
5. Luôn luôn trình bày một đề nghị bằng văn bản
Khách hàng sẽ không tin những gì mà họ nghe mà họ sẽ kiểm chứng bằng những gì mà họ thấy. Bạn không thể chỉ nói với họ rằng “Anh/Chị hãy yên tâm về sản phẩm/dịch vụ của chúng tôi, nó rất tốt như những gì chúng tôi đã tiếp thị” hay “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm nếu như sản phẩm/dịch vụ không đúng như trong quảng cáo”. Khách hàng sẽ không cảm thấy yên tâm vì không có gì làm đảm bảo bạn sẽ giữ đúng lời hứa.
Kết thúc bằng hợp đồng là cách làm hiệu quả để giao dịch thành công
Hãy tạo lòng tin tuyệt đối cho khách hàng bằng một bản hợp đồng đã soạn sẵn một bản hợp đồng hoặc quy định có dấu của công ty về những quyền lợi họ nhận như bảo hành, đổi sản phẩm và những trường hợp mà công ty sẽ nhận trách nhiệm. Khách hàng thông qua cuộc nói chuyện, trao đổi có thể hài lòng về doanh nghiệp, nhưng họ sẽ không bao giờ tin tưởng nếu bạn không đưa ra thứ để đảm bảo (mang tính pháp lý) bởi thực chất với nhiều người, mua hàng trên mạng tiềm ẩn rất nhiều rửi ro. Vì vậy điều bạn cần làm là cung cấp cho người mua một bản hợp đồng sau đó chỉ việc đưa ra khi muốn kết thúc bán hàng. Đây là đòn quyết định để khách hàng thấy rõ những gì họ nhận được khi quyết định mua hàng.
Xem lại: 8 nguyên tắc kết thúc bán hàng chuyên nghiệp phần 1
6. Hãy để việc kết thúc bán hàng phát sinh từ chính cuộc nói chuyện
Đừng cho rằng bạn có thể nhận được đồng ý giao dịch từ khách hàng nếu kết thúc theo một kịch bản ấn tượng đã soạn sẵn. Khách hàng được tiếp xúc với rất nhiều kiểu tiếp thị online khác nhau nên họ rất nhạy bén với các chiêu trò của người bán hàng, và sẽ dễ dàng nhận ra được bạn đang cố gắng nhận được sự đồng ý của họ.
Thay vì cứ sắp xếp mọi thứ theo trình tự rập khuôn sẵn, hãy đặt cho khách hàng một câu hỏi nhằm phân tích tình huống và khẳng định với họ những gì bạn đang chào bán hoàn toàn phù hợp với nhu cầu hiện tại của họ. Ví dụ như “Chị thấy sản phẩm hợp với yêu cầu của chị chứ?”, “Anh nghĩ gì về dịch vụ này?” hay “Bạn muốn giao hàng vào những thời điểm như thế nào?”.
7. Luôn luôn mỉm cười
Nguyên tắc này có thể gây nhiều khó khăn cho tiếp thị online vì bạn không thể trực tiếp gặp khách hàng và luôn tươi cười với họ như kinh doanh bán lẻ. Nhưng đừng lo lắng, không phải chỉ có duy nhất một cách để khách hàng biết được bạn vẫn luôn mỉm cười khi đang nói chuyện với họ.
Đây không đơn giản chỉ là thái độ với khách hàng mà đó còn là nghệ thuật kết thúc bán hàng. Hãy luyện tập việc thể hiện sự vui vẻ trong từng lời nói trong tất cả mọi tình huống mà bạn gặp phải. Nhẹ nhàng tranh luận với khách hàng, dù khách hàng không đồng ý hãy vui vẻ hẹn gặp họ vào lần khác nếu họ còn quan tâm đến sản phẩm của công ty, và vượt qua sự phản đối bằng sự nhiệt tình và dịch vụ chăm sóc khách hàng không thể từ chối. Khách hàng rất khó chịu nếu như gặp phải thái độ thiếu tôn trọng, gắt gỏng từ nhân viên chăm sóc. Những doanh nhân thành đạt thành công từ chính việc họ luôn mỉm cười trong mọi hoàn cảnh.
8. Luôn luôn đối xử với khách hàng tiềm năng như người mua
Rất nhiều khách hàng tiềm năng không có sẵn tiền mà chỉ muốn tìm hiểu về sản phẩm để chờ khi đủ ngân sách sẽ mua, hoặc họ không phải là người đưa ra quyết định. Nhưng hãy nhớ đừng xem thường họ mà phải luôn đối xử với những đối tác này như một người sẽ mua thật sự. Nghiên cứu và khảo sát về khách hàng tiểm năng cho thấy, có đầy đủ dấu hiệu chứng tỏ rằng không dưới một lần họ mua hàng thực sự dù họ không mua ngay lúc bạn tư vấn.
Hãy quan niệm rằng, mỗi người tìm đến bạn là một người mua, đối xử với họ như một khách hàng và sẽ sẽ trở thành một người mua sản phẩm/dịch vụ của bạn.