6 lời khuyên cho người mới khởi nghiệp kinh doanh (P2)

Vạn sự khởi đầu nan, bắt đầu từ con số không tròn trĩnh thì muốn đạt được thành công bạn phải cố gắng gấp đôi, thậm chí là gấp mười lần người khác, vì số vốn duy nhất bạn có chính là khối óc và bàn tay của bạn. Khởi nghiệp kinh doanh cũng thế, con đường mà bạn sẽ bước đi luôn đầy rẫy chông gai và cạm bẫy, chỉ một chút lơ là bạn đã bị cuốn vào vũng lầy mà thất bai đang chờ đợi bạn ở dưới đáy. Với mong muốn giúp các bạn xác định được hướng đi đúng đắn trong những bước đầu tiên, chúng tôi đã tổng hợp lại và chia sẻ một số lời khuyên dưới đây.

(tiếp theo…)

4. Hãy chọn thị trường ngách

Bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh thì bạn cũng giống như một đứa trẻ mới tập tễnh bước vào đời vậy, bạn chưa có đủ sức và kinh nghiệm để ngay lập tức tranh đua với những ông lớn trong ngành. Đừng nhìn vào quy mô của thị trường mà nghĩ rằng biết đâu sẽ còn miếng bánh thừa nào cho mình, việc cố chấp chọn thị trường lớn sẽ khiến bạn như con cá nhỏ lạc vào giữa đại dương, chỉ phút chốc đã bi nuốt chửng. Thay vào đó hãy bắt đầu với thị trường ngách, tuy bé hơn, hẹp hơn nhưng an toàn để bắt đầu lớn mạnh.

Nhưng để tìm ra con đường mòn nhỏ bé ấy không hề dễ, bạn cần phải điều tra thật kỹ, sau đó tổng hợp và phân tích để xác định đúng hướng đi. Thị trường ngách đòi hỏi sản phẩm của bạn phải thật độc đáo, mới lạ và quan trọng là đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng.

Lấy ví dụ như thế này, trong khi hiện nay thị trường điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng, vi xử lý tốc độ cao, chức năng đa dạng đang làm mưa làm gió thì đâu đó một dòng điện thoại khác cũng “hot” chẳng kém. Đó là điện thoại cho dân phượt, thiết kế hầm hố với đường nét góc cạnh, thân máy dày và không hề long lanh như điện thoại thông mình, nhưng nhờ vào khả năng chịu nước, chống va đập, thời lượng pin khủng, sóng khỏe, thâm chí có cả định vị thì những chiếc điện thoại này vẫn được ưa chuộng hơn nhiều.

Hãy bắt đầu với thứ nhỏ nhưng có tiềm năng phát triển hơn là ham lớn nhưng dễ chết.

5. Luôn luôn lắng nghe khách hàng

Mới khởi nghiệp thì thứ bạn đang thiếu nhất chính là khách hàng, do thương hiệu của bạn còn mới, sản phẩm của bạn quá lạ lẫm nên chắc chắn chưa có nhiều người tin dùng. Lúc này bạn cần đẩy mạnh những chiến dịch quảng bá, tiếp thị để đến gần khách hàng hơn, thậm chí là phải làm mọi cách để mời chào, thuyết phục họ đến với mình. Như vậy lúc này bạn đang đứng ở thế bị động, là bạn đang cần khách hàng chứ khách hàng còn rất nhiều lựa chọn khác ngoài bạn. Thế nên điều tối kị là lơ là công tác chăm sóc khách hàng, luôn tỏ ra vẻ bất cần.

Khách hàng không chỉ là người mua sản phẩm của bạn mà họ còn là những chuyên gia thẩm định chất lượng của sản phẩm đó, đồng thời cũng là người tiếp thị hiệu quả nhất. Vì thế những gì họ phản hồi lại rất quý giá, bạn nên lắng nghe và tiếp thu để có kế hoạch cải thiện. Thái độ này còn khiến khách hàng cảm thấy được tôn trọng, tạo được ấn tượng tốt trong tâm trí họ.

6. Thay đổi linh hoạt

Như đã nói ở trên, thị trường là một hàm bất biến, trong kinh doanh sự thay đổi là điều dễ hiểu. Bạn cần chấp nhận những đổi thay đó và có sự điều chỉnh cho phù hợp. Điều quan trọng không phải là làm hay không mà lúc nào thì bắt đầu thay đổi, lúc này sự nhạy bén và khả năng tổng hợp rất cần thiết, chỉ cần một chút động tĩnh của sự chuyển mình bạn đã có sách lược đối phó rồi. Kẻ đi trước luôn là kẻ chiến thắng.

Dĩ nhiên sự thay đổi không đơn giản chỉ là lột vỏ ngoài để thay thế bằng thứ khác, ở đây chỉ cần có một điều chỉnh nhỏ trong bất cứ khâu nào, từ xác định tập khách hàng mục tiêu, cải tiến sản phẩm,…cũng tạo ra những khác biệt lớn trong cả tổ chức. Chính vì sự thích ứng có thể gây ra hiệu ứng domino lớn như vậy trong doanh nghiệp nên bạn phải biết cách để giữ vững được quá trình kinh doanh của mình.

Khởi nghiệp thì luôn có thử thách, quan trọng là cách bạn đối mặt với nó như thế nào mà thôi.

Trên đây là 6 lời khuyên cho người mới khởi nghiệp kinh doanh, hi vọng rằng chúng hữu ích cho bạn.

6 lời khuyên cho người mới khởi nghiệp kinh doanh (P1)

Một kế hoạch marketing có cần thiết? (P2)

Một kế hoạch marketing có cần thiết?(P1)

Tùng MKT


Chia sẻ bài viết này