10 bí quyết lãnh đạo từ cuộc đời Abraham Lincoln (P1)

Sẽ là sai lầm nếu như bỏ quên một cái tên trong danh sách những vĩ nhân của lịch sử, Abraham Lincoln, vị tổng thống thứ 16 vĩ đại của Hoa Kỳ. Lincoln được nhắc đến với sự thắng lợi trong cuộc chiến xoá bỏ chế độ nô lệ, là người góp công lớn nhất trong việc giữ vững sự toàn vẹn thống nhất lãnh thổ nước Mỹ sau nhiều năm nội chiến. Ông là tượng đài, là hình tượng để rất nhiều nhà lãnh đạo học tập sau này. Từ cuộc đời ông, từ những việc ông làm người ta rút ra rất nhiều bài học lãnh đạo đáng quý, và trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tham khảo 10 bài học trong số đó.

1. Luôn lắng nghe

Là một nhà lãnh đạo nghĩa là bạn đang đứng trên đỉnh cao, nắm quyền rất lớn trong tập thể, đây cũng là nguyên nhân nảy sinh thói kiêu căng, ngạo mạn, khinh thường người khác của những lãnh đạo kém cỏi. Nhưng hãy học Lincoln, xem những gì ông đã làm khi đứng ở đỉnh cao ấy.

Vào năm 1865, khi cuộc nội chiến Mỹ giữa miền Nam và miền Bắc kéo dài 4 năm vừa kết thúc, mặc dù đứng ở bên chiến thắng – miền Bắc – nhưng Lincoln vẫn luôn lắng nghe tiếng nói của tù bình và người dân miền Nam, nghe họ kể về cuộc sống khó khăn của mình. Nhờ đó mà Lincoln có thể thấu hiểu nhân dân cả nước hơn để đưa ra các chính sách xác đáng, vừa thu phục lòng người vừa nhanh chóng bình ổn nước Mỹ sau cuộc nội chiến kéo dài.

Đối với người lãnh đạo, lắng nghe không chỉ là hành động làm cho có, cho vừa lòng cấp dưới mà còn để hiểu hơn tâm nguyện, nguyên do hành động của họ để từ đó đưa ra sách lược phù hợp. Khi nội bộ xảy ra xung đột thì lỗi lớn nhất là ở người lãnh đạo, đã không biết cách dẫn dắt tập thể của mình đồng lòng vì không thể hiểu những nhu cầu cơ bản của họ!

2. Biết thư giãn đúng lúc

Áp lực khi dẫn dắt cả một tập thể không hề dễ chịu, mặc dù có quyền cao chức trọng nhưng bạn phải chịu trách nhiệm về mọi kết quả đạt được kể cả tốt hay xấu. Chính vì điều này mà nhiều nhà lãnh đạo luôn phải gồng mình lên làm việc bất kể ngày đêm, cố tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Thế nhưng chính cách làm việc “thiêu thân” ấy lại là tác nhân gây lên rất nhiều sai lầm vì họ bị căng thẳng quá lâu. Nghỉ ngơi không phải hành động chiều chuộng bản thân mà đó là cách giúp chúng ta lấy lại năng lượng, như Lincoln đã áp dụng rất chuẩn xác vậy.

Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, mặc dù cuộc nội chiến đang diễn ra rất khốc liệt nhưng Lincoln vẫn tới nhà hát khoảng 100 lần, hay thỉnh thoảng kể lại vài mẩu chuyện cười giữa buổi họp để giải toả căng thẳng. Đây cũng chính là bí quyết lãnh đạo khiến Lincoln luôn giữ vững tinh thần tình táo để đưa ra quyết định sáng suốt khi cần.

Đừng cố ép mình khi năng lượng đã cạn kiệt, bạn chỉ là mọi thứ tệ thêm đi mà thôi. Tới ngưỡng giới hạn hãy dừng lại để giải toả căng thẳng, lấy sức cho cuộc đua vẫn dang dở.

3. Dám nhận lỗi

Trốn tránh trách nhiệm, đây dường như đã trở thành thói quen mà nhiều người gặp phải, đặc biệt là với các lãnh đạo, họ luôn cố gắng giữ mặt mũi và chẳng bao giờ cúi đầu nhận sai. Việc cố chấp và ngang bướng ấy không đem lại ích lợi gì cho quá trình dẫn dắt tập thể của nhà lãnh đạo cả, chỉ khiến họ trở nên ích kỉ, nhỏ nhen và kém cỏi dần trong mắt người khác mà thôi.

Với Lincoln, ông dám làm và dám chịu, sẵn sàng nhận sai và chịu trách nhiệm rồi rút ra bài học kinh nghiệm xương máu cho mình. Những khi tức giận ông thường viết một bức thư để trút tất cả vào đó rồi chẳng bao giờ gửi đi. Phong cách lãnh đạo của ông khiến nhiều người nể phục, kể cả kẻ thù.

4. Chia sẻ vinh quang

Khi nói đến thất bại người ta thường dùng đại từ “chúng tôi” nhưng khi nói đến thành công lại chỉ còn “tôi” mà thôi, điều này chứng minh một sự thật, không chỉ trốn tránh trách nhiệm mà chúng ta còn rất tham lam vinh quang. Với lãnh đạo, họ phải chịu rất nhiều áp lực khi là người đứng đầu, vì vậy nhiều người vô tình cho rằng thành quả hôm này là của riêng họ. Nhưng Lincoln thì nghĩ khác, ông biết rằng mình sẽ chẳng làm nên điều vĩ đại nếu thiếu sự giúp sức của Nội các và các nhân viên dưới quyền, thế nên khi thành công ông chia sẻ vinh quang cho họ, cùng họ nhận lấy những vinh dự sau rất nhiều nỗ lực của mình. Đây mới đúng là phong thái nhà lãnh đạo cần phải có, vì dù họ có giỏi đến đâu cũng chẳng thể làm nên điều lớn lao một mình, cần phải có người giúp sức, hỗ trợ họ.

5. Mọi người đều có cơ hội như nhau

Nhiều người thường quan niệm đã là lãnh đạo thì phải giỏi toàn vẹn, mọi thứ đều làm tốt thì mới xứng đáng dẫn dắt người khác. Nhưng thực tế lãnh đạo cũng chỉ là con người bình thường, không phải đấng toàn năng, họ cũng có những hạn chế và thiếu sót của mình. Sai lầm là ở chỗ, các vị lãnh đạo quá coi trọng mặt mũi hoặc quá tham công tiếc việc, họ gồng lên làm tất cả mặc dù có những việc họ không thể làm tốt hơn được, chính điều này dẫn đến những lỗ hổng trong quá trình hoạt động của tổ chức.

Nhưng với Lincoln thì khác, ông luôn trao cơ hội cho mọi người, để họ thể hiện tài năng của mình, để bù lấp lại những thiếu sót của ông. Đơn cử như việc Lincoln đưa Edwin M. Stanton, người công khai coi thường mình trên báo chí, vào Nội các với chức vụ Bộ trưởng Bộ Chiến tranh vì cảm thấy người này có năng lực để hoàn thành tốt công việc tại vị trí đó. Các dụng người của Lincoln là nhìn vào năng lực chứ không nhìn vào mặt mũi, chính vì thế mà ông có tổ chức hùng hậu và mạnh nhất!

Đọc thêm bài viết khác tại đây:

5 bí quyết giúp lãnh đạo tạo dựng lòng tin

Những câu hỏi mà một lãnh đạo giỏi nên tự vấn mình mỗi ngày

 10 bí quyết lãnh đạo từ cuộc đời Abraham Lincoln (P2)


Chia sẻ bài viết này