10 bài học kinh doanh đằng sau sự thất bại (P1)

Kinh doanh là con đường chông gai đầy rẫy những khó khăn và cạm bẫy, muốn bước đến đích thành công bạn phải đổ rất nhiều mồ hôi thậm chí là máu, và rồi sẽ có lúc bạn gục ngã, sẽ có lúc bạn thất bại trước nghiệt ngã, trước chiêu trò của đối thủ cạnh tranh. Nhưng thất bại không đáng sợ, đáng sợ là bạn không thể đứng dậy sau thất bại đó, đáng sợ là đi một hồi bạn vẫn gặp thất bại ấy. Thất bại không phải cùm gông kéo chúng ta lại mà chính bản thân chúng ta mới là thứ cản trở bước tiến của mình. Bài viết này sẽ chứng minh đằng sau thất bại còn có những bài học kinh doanh dành cho bạn.

1. Bạn biết đam mê thực sự của mình

Người trẻ tuổi thường nghĩ ra nhiều ý tưởng mới lạ, lại có đầy nhiệt huyết nên họ sẵn sàng đuổi theo nhiều đam mê một lúc. Điều này không có gì đáng chê trách cả, thanh xuân chính là thời điểm để xông pha, để khám phá và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng cũng chính vì ôm đồm quá nhiều việc lại không biết điều gì mới là trọng tâm nên đôi khi họ bị lạc lối rồi gặp thất bại.

Đây không phải là đòn đánh phủ đầu vì họ “cuồng vọng”, mà nó giống như một bài kiểm tra vậy, nó cho họ biết đâu mới thực sự là thế mạnh, là đam mê của mình. Không vấp ngã sao họ biết đi đường nào mới là đúng? Người trẻ thường không thích nghe lời người lớn chỉ bảo, họ muốn được “nhìn tận mắt, sờ tận tay” mới thỏa lòng. Thế nên thất bại không phải điều gì hổ thẹn, ngược lại nó còn là liều thuốc bổ, để lại nhiều bài học kinh doanh cho người trẻ.

2. Phát triển nhiều kĩ năng

Tôi có quen một cô bạn con nhà giàu, từ bé đã là tiểu thư chẳng phải động vào việc gì bao giờ, rồi đột nhiên cô bạn nổi máu kinh doanh, muốn tự mở shop quần áo. Bố mẹ cô nàng can ngăn mãi chẳng được cuối cùng đành mạnh tay chi vài trăm triệu thuê nhà mở cửa hàng cho con gái rượu. Thế là từ tiểu thư cô bạn tôi bắt đầu tất bật nào đi nhập hàng, nào sắm sửa đồ cho shop, nào thuê nhân viên,…Mất hơn một tháng quay cuồng cuối cùng cũng khai trương, nhưng chưa được nửa năm cô bạn đã phải ngậm ngùi đóng cửa. Sau đó một thời gian tôi gặp lại cô ấy, không còn là tiểu thư đỏng đảnh nữa, cô nàng từng trải hơn, cách nói chuyện khéo léo biết làm vừa lòng người khác. Ngồi tâm sự, tôi hỏi kinh doanh thất bại có buồn không, cô bạn cười cười bảo tôi, nếu không có thất bại kia thì làm gì có một cô gái nhạy bén, sắc sảo như bây giờ.

Thế đấy, thất bại dạy cho chúng ta nhiều điều, bạn sẽ biết mình còn thiếu cái gì, cái gì cần bỏ đi. Thế nên đừng ngại thử thách chính bản thân mình.

3. Hoạn nạn mới biết bạn là ai

Trong kinh doanh cần nhất là một người chung chí hướng, người sẵn sàng bên mình những bước đầu gian nan, người cùng chia sẻ mọi thành công tương lai. Thế nhưng ở đời nào có việc đơn giản như vậy, kinh doanh liên quan đến lợi ích cá nhân là tình cảm cũng bị đẩy xuống thứ yếu, có người sẵn sàng hại bạn chỉ vì chút tiền nhỏ. Thất bại giống như một cái lưới sàng lòng, cho bạn biết ai còn bên bạn khi bạn chẳng còn gì. Những người chia cho bạn một nửa chia bánh khi thiếu thốn mới là người bạn chân thành nhất.

4. Bạn sẽ biết điều gì mới là đúng đắn

Thất bại là cuộc khảo nghiệm quan điểm, cách nhìn nhận cuộc sống và cách bạn kinh doanh. Khi thất bại bạn sẽ biết có những thứ trước giờ mình nghĩ hóa ra nó không đơn giản như vậy. Thất bại giống chiếc thước răn đe, luôn đánh đòn đau để ta tỉnh ngộ. Kinh doanh có rất nhiều cạm bẫy mà đôi khi nhìn bằng mắt thường chúng ra sẽ không bao giờ biết được, có vấp phải một lần bạn mới biết cách tránh. Thế nên sau mỗi lần thất bại hãy điều chỉnh lại chính bản thân mình.

5. Biết rõ khả năng của chính mình

Bước trên con đường được trải sẵn thảm đỏ nhiều người thường lầm tưởng bản thân quá giỏi giang rồi tự phụ về khả năng của mình. Hậu quả của sự ngạo mạn, khinh thường người khác là những thất bại đau đớn khi đối mặt với thực tế phũ phàng. Thất bại cho họ thấy khả năng của mình đến đâu, cho họ biết núi cao còn có núi cao hơn, cho họ hiểu kinh doanh là con đường lắt léo và khốc liệt hơn thế giới màu hồng của họ nhiều.

Thất bại chính là người thầy vĩ đại của bất kỳ ai!

(còn tiếp…)

Ý tưởng truyền thông độc đáo từ cánh đồng hoa hướng dương

4 Bí quyết thành công cho thương mại điện tử

Kinh doanh đồ handmade – Bạn đã bắt kịp xu hướng?


Chia sẻ bài viết này