Ý tưởng kinh doanh hàng xách tay

Với tâm lý chuộng hàng ngoại, chất lượng cao, kiểu dáng, mẫu mã không đụng hàng, giá cả không quá đắt như đồ hiệu, nhiều người cố công lùng mua bằng được những món đồ gắn mác hàng xách tay. Đáp ứng nhu cầu trên, các cửa hiệu bán hàng xách tay mọc lên như nấm sau mưa với muôn vàn chủng loại hàng hóa.

Thị trường hàng xách tay – “có cầu ắt có cung”

Tại Hà Nội, đại bản doanh của thị trường hàng xách tay nằm trên phố Nguyễn Sơn, gần sân bay Gia Lâm. Nơi đây có nhiều trụ sở cơ quan của ngành hàng không, đặc biệt là khu trung tâm của đoàn tiếp viên, phi công – những người cung cấp hàng cho đa phần các cửa hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn và các cửa hàng bán đồ xách tay khác trên địa bàn Hà Nội.

Với khoảng gần 2 chục cửa hàng trải dài con phố, cả mặt đường và trong một số ngõ, ví như ngõ 115, 117, hoạt động kinh doanh hàng xách tay nếu nhìn qua khá trầm lắng nhưng khi đi vào bên trong thực sự sôi động.

Ở nơi đây, nhiều cửa hàng có quy mô như một siêu thị mini, diện tích mặt bằng có thể lên tới 200 mét vuông, bày bán đủ chủng loại mặt hàng: sữa tắm, socola, bàn chải đánh răng, máy đánh trứng, đũa, nồi, xoong chảo, bia, rượu ngoại, mỹ phẩm, kính mắt, dao, đũa,… Hàng ở Nguyễn Sơn vô cùng đa dạng, có đầy đủ thương hiệu nổi tiếng thế giới mà ở các trung tâm thương mại Hà Nội có, thậm chí nhiều thương hiệu còn chưa xuất hiện tại các trung tâm thương mại.

Hàng hóa được chọn bán ở Nguyễn Sơn cũng có vài kiểu: chủ mối liên hệ trực tiếp với tiếp viên để đặt hàng hộ khách ăn chênh lệch hoặc chủ mối nắm bắt loại hàng nào sẽ được chuộng để gọi sang tiếp viên đặt hàng; cũng có thể tiếp viên tự biết loại hàng nào được chuộng và mang về để lại cho cửa hàng, ăn tiền vận chuyển theo đơn vị hàng hóa hay số cân hàng hóa.

Theo chị H.Y, chủ một cửa hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn: “Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nên người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu với nhiều mặt hàng chứ không riêng gì hàng xách tay, tuy nhiên nếu hàng hóa có chất lượng và thuộc loại nhu yếu phẩm như sữa, vitamin tổng hợp, bỉm, quần áo, phụ kiện,… thì vẫn hút khách”.

Nhiều người cho biết họ chuộng hàng xách tay vì chất lượng hơn hẳn hàng nội, thậm chí cả hàng ngoại bán chính hãng tại Việt Nam. “Cũng là cái túi da, nhưng sản phẩm xách tay về sờ mềm tay hơn hẳn mà không bị nhẽo. Túi hàng hiệu ở Việt Nam nhiều cái dùng được một thời gian là phần kim loại ở khuy, móc hay quai xách xám xỉn, bay màu”, cô Ngà – chủ shop hàng xách tay bán từ quần áo, giày dép túi xách, mỹ phẩm, kính mắt, nằm trong một con ngõ nhỏ của Hà Nội giải thích.

“Các hãng nước ngoài thường sản xuất nhiều dòng sản phẩm khác nhau, dòng sản phẩm dành cho khách nội địa sẽ có chất lượng tốt hơn hẳn so với dòng sản phẩm xuất đi nước ngoài. Lấy ví dụ như sữa Meiji xách tay sẽ có mùi vị và độ sánh khác hẳn với sữa Meiji do công ty trong nước nhập về”, một chủ shop kinh doanh mặt hàng sữa xách tay cho biết.

Chất lượng cũng là lý do khiến khách hàng tìm đến hàng xách tay. Với những mặt hàng điện tử như điện thoại, laptop thì dùng hàng xịn bao giờ cũng tốt hơn nhiều so với hàng nhập khẩu về Việt Nam. Mặc dù cùng phải đảm bảo các tiêu chuẩn của chính hãng nhưng hàng xuất châu Âu, xuất Mỹ sẽ khác với hàng xuất sang các nước châu Á. Anh Hồng Ngọc – một tín đồ công nghệ hay lùng mua hàng xách tay chia sẻ: “Hàng chính hãng và hàng xách tay đều có dăm bảy loại. Cùng một loại máy, nhưng nếu được sản xuất ở một quốc gia Châu Âu thì giá thành bao giờ cũng cao hơn (thậm chí cao gấp đôi) một chiếc máy chính hãng bán trong nước”.

Cô Ngà cũng cho hay hàng xách tay do không bị đánh thuế nên giá cả mềm hơn. Những người như cô Ngà thuận lợi ở chỗ có người nhà ở nước ngoài và những người này hiểu biết nhất định về sản phẩm. Do đó, cô chỉ cần chờ người thân đi chọn hàng hộ, đóng gói, rồi gửi về, cứ hơn chục ngày lại có đợt hàng mới.

Trong khi đó, cô Hạnh, chủ cửa hàng xách tay Thái Lan trên đường Thái Thịnh thì phải sang tận Bangkok lấy hàng. Đến mùa đắt hàng, có khi chỉ nửa tháng là cô đi lấy hàng một lần, không thì tháng rưỡi, hai tháng. Mỗi chuyến sang Bangkok, hai vợ chồng khệ nệ vừa xách vừa kéo lê gần 100 kg hành lý. Số hàng còn lại có bao nhiêu thì chuyển phát về, khoảng 5, 6 ngày thì đến Hà Nội. “Sở dĩ cô chọn Thái Lan vì hiện nay rất nhiều người Việt chuộng loại hàng này, nhất là tầng lớp trung tuổi. Hơn nữa có người nhà bên đó nên mỗi lần đi sang có nơi ăn chốn ở đàng hoàng”, cô cho biết.

Chị Thu Hà – chủ một tiệm bán hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn chia sẻ: do nhu cầu ngày càng tăng nên nguồn cung cũng phong phú hơn. Người ta thích chơi hàng xách tay vì “độc và đẹp”. Hầu như các mặt hàng khách có nhu cầu đều được các cửa hàng đáp ứng, giao ngay hoặc chờ bên kia gửi về.

Theo nhiều tiếp viên, nguồn hàng mang về Nguyễn Sơn rất đa dạng, nước hoa, mỹ phẩm chủ yếu từ Pháp, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông. Đồ quần áo cũng có nhiều nguồn, tuy nhiên đồ châu Âu rất được chuộng, thương hiệu càng nổi tiếng dễ kiếm tiền. Chị H.Y cho hay: “Chỉ có số ít hàng hóa tiếp viên nhập về là từ cửa hàng miễn thuế hay mua vào các các dịp bán hàng giảm giá lớn ở nước ngoài, những hàng hóa có giá rẻ hơn giá bán tại nước sở tại thì đều là hàng rởm”.

Xem thêm

 Phần mềm quản lý cửa hàng kinh doanh hàng xách tay

Bạn đã sẵn sàng bắt đầu kinh doanh thời trang online?


Chia sẻ bài viết này