Cô gái trẻ Đỗ Mai Châu 24 tuổi (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk ) Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, trong khoảng thời gian chờ xin việc làm, cô đã mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỷ xây dựng một cơ sở hoa cảnh quy mô 2.000m2 với hơn 1000 loại cây cảnh các loại đó là một ý tưởng kinh doanh và quản lý hàng hoá táo bạo của cô gái còn quá trẻ
Mai Châu bên vườn cây cảnh của mình
Ấp ủ ý tưởng kinh doanh cây cảnh từ lâu
Châu tâm sự, sau khi vừa tốt nghiệp cao đẳng Châu đã ấp ủ và nảy ra ý định kinh doanh về loại cây cảnh loại nhỏ (tiểu cảnh), chủ yếu là loại cảnh mini để bàn làm việc. Được sự ủng hộ, giúp đỡ của chị gái vào tháng 6/2014, Châu chính thức kinh doanh mặt hàng cây cảnh với hình thức kinh doanh và quảng cáo bán hàng trên các trạng mạng xã hội và nguồn hàng nhập hoàn toàn từ Đà Lạt (Lâm Đồng) về sau đó bán lại.
Hốt bạc từ ý tưởng kinh doanh bình cây cảnh mini
Sau khi đưa hàng và quảng cáo bán trên mạng, Mai Châu vui mừng khi ý tưởng kinh doanh liên tiếp nhận được hằng trăm đơn đặt hàng từ khắp nơi gửi đến. Để đáp ứng như cầu và nguồn hàng Châu thường xuyên qua Đà Lạt để nghiên cứu những loại cây cảnh mới đưa về bán, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán vừa qua Châu đã bán được hàng ngàn chậu cảnh với doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng.
Châu chăm sóc cẩn thận vườn cây cảnh
Tuy nhiên, cô gái nhỏ nhắn này vẫn chưa thực sự hài lòng về những gì làm được, với sự ham học hỏi và đam mê nghiên cứu Châu đã bàn bạc với gia đình xin mở xưởng để tự đem giống cảnh về trồng, tự nhập chậu sứ về để làm thành sản phẩm hoàn thiện thay vì nhập hoàn toàn từ Đà Lạt để giảm đi chi phí đầu ra.
Ban đầu, ý tưởng này của Châu nhanh chóng bị gia đình phản đối vì bố mẹ muốn Châu sẽ đi dạy học thay vì tự mày mò kinh doanh và cũng vì số vốn đầu tư cho việc này lên tới 1 tỷ đồng, nhưng ý chí lớn cộng thêm sự quyết tâm cao độ, Châu đã thuyết phục được gia đình đồng ý cho thử sức mình.
Tự tay cô gái reo trồng cũng như chăm sóc vườn cây cảnh
Bắt tay vào công việc, Mai Châu đã lựa chọn mảnh đất rộng 2.000 m2 tại buôn Prông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) làm địa điểm sản xuất và chủ động đi nghiên cứu mang các giống cảnh về trồng. “Ban đầu mình qua Đà Lạt nhiều lần, đi nhiều vườn cây cảnh để học cách chăm sóc và tìm hiểu nhiều giống cảnh mới. Sau đó đem về trồng thử nghiệm tại Buôn Ma Thuột, do khí hậu ở địa phương mình nóng hơn nhiều so với Đà Lạt nên lúc đầu cây chết khá nhiều, lúc đó bố mẹ cũng góp ý nếu làm không được thì bỏ để làm công việc khác, nhưng mình cố gắng làm để chứng minh với mọi người rằng thực hiện mô hình này là sự lựa chọn đúng”, Châu chia sẻ.
Sau nhiều đợt cây cảnh chết, Châu không nản chí mà đã chủ động thay đổi khá nhiều thứ từ xây dựng hệ thống nhà vườn có mái che đến việc chọn đất để trồng cảnh, phân bón, cách tưới tiêu cho phù hợp…, kết quả lượng cây cảnh chết giảm đi đáng kể mang lại sự hứng khởi cho cô gái trẻ.
Muốn phát triển thương hiệu riêng
Không chỉ nhập giống cây cảnh từ Đà Lạt, Châu còn nhập từ Hà Nội, Hưng Yên và cả một số giống cây cảnh lạ của Trung Quốc, Thái Lan… đem về nhân giống tại mô hình của mình. Riêng với chậu đựng cây, Châu nhập hàng từ Hà Nội về, ngoài ra Châu cũng tự mình thiết kế các loại chậu cây handmade rất được khách hàng ưa chuộng.
“Khách hàng của mình hiện tại khá đa dạng từ học sinh, sinh viên, nhân viên… đa số đều thích các sản phẩm mới lạ, độc đáo nên mình cũng cố gắng tìm hiểu thị hiếu hiện nay để phục vụ khách hàng tốt nhất. Phương châm kinh doanh của mình đó là “bao đổi trả hàng 100% nếu chất lượng cây cảnh không làm hài lòng khách hàng”, chính vì vậy khi mua hàng của mình nhiều người rất an tâm”, Châu cho hay.
Chậu cảnh thủ công được khách hàng ưa chuộng
Châu cũng cho biết, các sản phẩm bán đắt hàng nhất hiện tại cơ sở của mình là: cỏ long thảo (cỏ may mắn), xương rồng sen đá, sen cánh bướm, các loại xương rồng của nước ngoài… mỗi sản phẩm có giá từ 35.000 – 200.000 đồng/chậu, riêng với các loại nhập từ nước ngoài có giá từ 1,5 triệu đồng/chậu trở lên.
Hiện tại, các sản phẩm của Châu được phân phối tại hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc, các hệ thống bán lẻ cây cảnh ở các tỉnh phía Nam, các đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh, các hội chợ và cả hệ thống bán lẻ trên internet. Với việc mở rộng thị trường, chú trọng chất lượng và tạo thương hiệu cho sản phẩm đã giúp Châu mang lại thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/tháng và trong các dịp lễ tết doanh thu còn tăng lên nhiều.
Nhiều mặt hàng với hình thù bắt mắt
Không chỉ vậy, cơ sở của Châu còn là nơi giải quyết việc làm cho 6 nhân công tại địa phương với mức thu nhập từ 3 – 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Châu cũng ưu tiên cho các học sinh đến cơ sở của mình để làm thêm dịp hè với mức lương 100 ngàn đồng/ngày.
“Nhiều bạn học sinh đến xin để vừa học cách làm, vừa làm kiếm thêm thu nhập trong thời gian được nghỉ hè, em cũng tạo điều kiện cho các em làm những công việc nhẹ, hướng dẫn thêm về những kỹ thuật trồng cảnh cho các em đa số đều rất hào hứng”, Châu cho hay.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Châu cho biết bản thân đang ấp ủ dự định sẽ mở rộng chính tại thị trường tại các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…, đồng thời trong dịp Tết tới sẽ ký hợp đồng cùng một số ngân hàng, công ty, trường học… để lấy sản phẩm cây cảnh của cơ sở tặng cho các khách hàng, đối tác quan trọng.
Riêng đối với bản thân mình, Châu cho biết sẽ không chỉ kinh doanh cảnh mà còn xin đi dạy để không uổng phí những năm đèn sách, “Sang năm tới, mình sẽ đi dạy ở trường nhưng vẫn sẽ tiếp tục duy trì kinh doanh và nhân rộng mô hình này. Mình sẽ cố để cân bằng và làm tốt cả 2 công việc, vừa là cô giáo ở trường vừa là công nhân tại cơ sở. Hiện nay, việc đưa thương hiệu cây cảnh được trồng tại TP. Buôn Ma Thuột đến với đông đảo khách hàng trên toàn quốc là điều mình luôn luôn muốn hướng tới, đó cũng là mục tiêu lớn nhất của mình”, Châu chia sẻ.