Tôi còn nhớ vài tuần trước đây cư dân mạng từng ồn ào tranh cãi chỉ với vấn đề màu sắc của một chiếc váy bình thường đến không thể bình thường hơn. Và trong khi người ta còn bận “phản bác” nhau thì ngoài kia 300 chiếc váy đã được bán hết sạch chỉ trong 30 phút, không cần tính cũng biết số lãi thu về khủng tới cỡ nào. Đến khi cơn sốt “Vàng – Trắng hay Xanh – Đen” qua đi nhiều người mới giật mình ngẫm lại, không chỉ là vài vấn đề tầm xàm trên mạng ảo mà câu chuyện này còn cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm Marketing quý báu.
1. Đừng dùng suy nghĩ của mình áp đặt vào khách hàng
Chiếc váy “kì lạ” kia được cho ra mắt và bày bán vào tháng 11 năm 2014 với giá 50 bảng Anh (khoảng 1,6 triệu đồng) nhưng tận đến 27/2 nó mới bắt đầu trở thành “cơn sốt” khi lượng khách đặt mua tăng đột biến, lên tới gần 1 triệu người. Lý do gì giải thích cho sự biến động này? Có phải từ khi bức ảnh đi kèm câu hỏi “Vàng – Trắng hay Xanh – Đen” được công khai trên mạng xã hội? Và tại sao lại có người nhìn ra hai màu Vàng – Trắng trong khi phía nhà sản xuất đã khẳng định không có mẫu nào như thế?
Có hàng tá câu trả lời mang tính “học thuật” được truyền tải trên mạng, nhưng trong bài viết này tôi không bàn về điều đó. Thứ tôi muốn nói là chỉ khi có người nhìn ra hai màu Vàng – Trắng, chính xác là khi cuộc tranh luận nổ ra thì chiếc váy mới bán chạy. Điều này chứng tỏ có rất nhiều người không hề cùng “ý tưởng” với nhà sản xuất, họ nhìn thấy thứ khác về sản phẩm so với cái mà công ty muốn họ thấy.
Thế đấy, đôi khi nhu cầu thực tế của khách hàng khác xa so với dự tính của doanh nghiệp, họ nhìn nhận sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp theo cách họ muốn chứ không phải cách bạn tạo ra chúng. Vì vậy trước khi bắt đầu một chiến dịch marketing bạn phải điều tra, tìm hiểu và phân tích nhu cầu của khách hàng để có kế hoạch tiếp cận phù hợp, làm tăng hiệu quả kinh doanh.
2. Tạo sự tò mò để gây sự chú ý
Nếu là người hay xem ti vi chắc rằng bạn còn nhớ một video quảng cáo khá thú vị của nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Pond’s với cái tên đậm chất…phim truyện: “7 ngày tìm lại tình yêu”. Video này được chia làm 4 phần, cách một đoạn thời gian lại được tung ra lần lượt, mà toàn chọn khung giờ vàng để chiếu. Khỏi nói cũng biết mọi người đã “trót” xem phần 1 chắc chắn sẽ muốn xem nốt phần này, nốt phần nữa để biết kết cục. Chính sự tò mò của người dùng đã làm nên sức hấp dẫn của video quảng cáo này.
Giống như thế, sở dĩ “chiếc váy đổi màu” tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ như vậy vì nó gợi được sự tò mò của khách hàng. Họ sẽ nhấp vào ảnh và soi chán chê xem nó có thực sự “đổi màu” hay không? Sau đó họ tìm đến thông tin chính cống của nhà sản xuất để được xác minh. Và rồi dù họ có mua hay không thì vô tình vẫn khiến thương hiệu của doanh nghiệp nhanh chóng được phủ rộng.
Một ví dụ điển hình nữa về kinh nghiệm Marketing tạo tò mò là quảng cáo của nước xả vải Comfort với series phim gia đình nhà vải. Gây chú ý luôn là mục đích tiếp thị cuối cùng của bất kỳ chiến lược quảng bá nào.
3. Kinh nghiệm Marketing: biến điều bình thường thành bất thường
Không được thiết kế bởi một nhà thiết kế đình đám nào đó, không được giới thiệu bởi một người nổi tiếng nào đó, chất liệu bình thường, kiểu dáng bình thường, thế nhưng “chiếc váy đổi màu” đã và vẫn đang nằm trong top được tìm kiếm và có số lượng bán ra nhiều nhất. Điều gì làm nên “kỳ tích” ấy? Chính nhờ sự “bất thường” của chiếc váy này.
Kinh nghiệm Marketing ở đây là hãy biết biến thứ bình thường xung quanh ta trở nên đặc biệt, theo hướng tiêu cực hay tích cực đều được, nhưng chúng tôi khuyến khích là tích cực. Đó có thể là một thông điệp ý nghĩa, một hình ảnh đặc trưng hay một giai điệu lạ tai. Vì cuối cùng thứ bạn cần vẫn là để lại ấn tượng trong tâm trí khách hàng, mà người ta có xu hướng nhớ kĩ những thứ khác biệt hơn đại trà.