Đó là câu chuyện của Nguyễn Hữu Dũng (1987, Bắc Ninh) tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh- Đại học kinh tế quốc anh, sau khi tốt nghiệp Dũng đã chật vật đi xin việc, chấp nhận làm việc không lương để học việc hay nhân viên văn phòng với mức lương 3 cọc 3 đồng nhưng giờ Dũng đã trở thành một trong những tỷ phú trẻ nhất với doanh thu lên tới chục tỷ đồng nhờ vỏ trấu
Từ cậu sinh viên mới ra trường nghèo khó
Sau ba năm ra trường, công việc tuy có nhiều khởi sắc nhưng cuộc sống dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Chàng trai 8x tâm sự: “Ngày nào mình cũng lặp lại vòng luẩn quẩn, sáng đi làm chiều trở về phòng trọ. Công việc nhàn nhã nhưng thu nhập chẳng là bao. Môi trường làm việc ở các thành phố lớn có quá nhiều sự cạnh tranh trong khi bản thân mình không có gì quá nổi bật. Mình đã từng rất chán nản nên quyết định phải thay đổi…”
Nghĩ là làm, Dũng xin nghỉ việc và xách ba lô về quê tìm cách lập nghiệp. Thấy bà con nông dân sau mỗi vụ mùa lại vứt bừa bãi các phế phẩm nông nghiệp như: vỏ trấu, mùn cưa, vỏ lạc… vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa vô cùng lãng phí, Dũng nảy ra ý tưởng sẽ kinh doanh từ chính những sản phẩm bỏ đi này. Anh lên mạng tìm hiểu công nghệ và vô cùng ngạc nhiên khi biết một số địa phương phía Nam đã sản xuất thành công củi đốt công nghiệp bằng vỏ trấu cách đây từ lâu. Dũng lặn lội vào tận các xưởng sản xuất để học hỏi kinh nghiệm và quy trình sản xuất. Anh cũng bỏ thời gian nghiên cứu thị trường, hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp. Đầu năm 2013, anh thành lập nhà xưởng chế biến chất đốt từ vỏ trấu với tổng số vốn gần 300 triệu đồng.
Thời gian đầu, ít nhân công một mình Dũng phải tự mình đi khắp các thôn xóm để thu mua vỏ trấu, mùn cưa làm nguyên liệu. Dũng kể, khi mới đi vào hoạt động, máy liên tục gặp trục trặc, sản phẩm làm ra có quá nửa bị lỗi, không dùng được. Sau khi nghiên cứu, mình phát hiện ra, các nguyên liệu đầu vào không tương thích khiến máy vận hành gặp khó khăn. Vỏ trấu ở miền Nam dài và mỏng, trong khi đó miền Bắc lại dày và tròn hơn nên độ kết dính không được như ý. Mình đã cùng với một số thợ cơ khí nghiên cứu, mày mò để tự tìm cách cải tiến, khắc phục cho phù hợp.
Khi sản phẩm đã đạt chuẩn, Dũng lại phải tự mình tìm thị trường. Mỗi ngày Dũng vượt hàng trăm cây số đến các tỉnh lân cận như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên… . thuyết phục các doanh nghiệp dùng thử nghiệm.Khi ấy, khái niệm “than vỏ trấu” còn rất xa lạ. Nhiều công ty đã thẳng thửng từ chối dù Dũng đưa ra mức giá thấp và cam kết chịu mọi phí tổn. Anh quyết định thay đổi chiến thuật kinh doanh, nhắm đến các hộ sản xuất nhỏ, lẻ. Dũng đến từng ngõ ngách để chào hàng, sẵn sàng cho bà con dùng thử sản phẩm miễn phí.
Với giá bán rất rẻ chỉ 1.500 đồng/ 1 kg than vỏ trấu, trong khi đó thời gian giữ nhiệt lại khá lâu. Nếu so với các loại chất đốt trên thị trường như: than, củi, dầu… thì tiết kiệm được khoảng 30% chi phí. Thêm vào đó, sản phẩm của Dũng lại thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, tro của than vỏ trấu, có thể tận dụng làm phân bón trong nông nghiệp.
Chính vì hiệu quả kinh tế cao mà nhiều hộ gia đình đã bắt đầu thử nghiệm. Người này giới thiệu người kia. Chỉ trong một thời gian ngắn, sản phẩm của Dũng đã phủ sóng khắp các thôn xóm trong huyện. Đến lúc này, một số xí nghiệp trước kia từ chối thì nay quay lại gõ cửa, yêu cầu được dùng thử sản phẩm.
Tháng đầu tiên anh cho ra thị trường chỉ 40 – 50 tấn than, thì con số này liên tục tăng trong các tháng tiếp theo. Cao điểm có thời gian, cơ sở của Dũng sản xuất được 10 tấn/ ngày. Các đơn hàng từ khắp mọi nơi tới tấp đổ về, Dũng đã phải từ chối bớt vì không đáp ứng kịp nhu cầu.
Dũng thẳng thắn cho biết, giá nguyên liệu từ vỏ trấu khá rẻ nên trừ các chi phí sản mỗi tháng cơ sở kinh doanh của anh cũng mang lại lợi nhuận từ 200 – 300 triệu đồng. Chính vì hiệu quả kinh tế cao, nên sau 6 tháng sản xuất, Dũng quyết định nhập thêm máy ép và mở rộng thêm quy mô sản xuất.
Đến tỷ phú trẻ…
Năm 2014, bên cạnh việc phát triển thị trường than vỏ trấu, Dũng lại mở tiếp một công ty chế biến nông sản. Dũng tâm sự: “Ở miền Bắc, lúa chỉ có hai vụ nên nguyên liệu dành cho việc sản xuất than khá khan hiếm. Thêm nữa, quê mình vốn nổi tiếng là đất trồng các loại rau, quả. Mình muốn tận dụng thời gian chết lại hi vọng có thể giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp bà con nên bắt tay vào thực hiện dự án này…”. Công ty nông sản của Dũng chủ yếu chế biến sản phẩm thô. Dũng dự tính với năng suất và công nghệ hiện nay, mỗi năm công ty sẽ thu về từ 30 – 40 tỷ đồng.
Chàng trai 8x này cho biết, việc kinh doanh nghe thì có vẻ dễ nhưng không hề đơn giản. Bản thân Dũng cũng đã từng trải qua những ngày tháng khủng hoảng vì thiếu vốn thậm chí là “lao đao” khi không biết sắp xếp, phân bổ công việc một cách hợp lý
Dũng tâm sự, môi trường kinh doanh giờ rất phức tạp, việc cạnh tranh giữa các dòng sản phẩm trở nên khốc liệt. Nhiều đối thủ không từ mọi thủ đoạn để “hạ bệ” đối phương từ việc làm giả, làm nhái sản phẩm đến việc bán “phá giá” làm nhiễu loạn thị trường. Để đứng vững và tồn tại phải tạo dựng được niềm tin cho khách hàng và có những chiến lược kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.
Quan niệm của Dũng là việc kinh doanh phải xuất phát từ tâm: “Trong kinh doanh lợi nhuận là điều quan trọng nhất nhưng nếu chỉ chăm chăm đặt điều này lên đầu thì thất bại sẽ chỉ là sớm hay muộn. Chất lượng, niềm tin và thái độ làm việc chuyên nghiệp mới là điều cần để tạo nên một môi trường kinh doanh bền vững, hiệu quả.”.
Chính vì những thành công và đóng góp của mình cho xã hội, năm 2014 Nguyễn Hữu Dũng được trao tặng giải thưởng Lương Đình Của và Sáng tạo trẻ. Trong tương lai, Dũng dự định mở rộng sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài
Ngạc nhiên với 4 nữ tỷ phú giàu nhất thế giới
Cô gái trẻ kiếm hàng chục triệu từ khi 14 tuổi