Như vậy chúng ta đã cùng lội ngược dòng thời gian để tìm hiểu được 4 trong số những thuật toán quan trọng trong phần 1 của bài viết Tổng hợp những thuật toán của Google cần biết trong SEO. Hãy tiếp tục cùng chúng tôi tìm hiểu những “con quái thú” khác mà Google đã tung ra cho đến thời điểm gần nhất tại phần 2 dưới đây nhé!
-
Google Hummingbird (Thuật toán chim ruồi)
Chẳng cần đợi đến một năm sau, chỉ mới 6 tháng mà Google đã tiếp tục “thả chuồng” quái thú mới, tuy nhỏ nhưng cực nguy hiểm: Chim ruồi. Vào ngày 26/9/2013 dân tình làm SEO tiếp tục đứng ngồi không yên với thuật toán này khi ông lớn chia sẻ Google Hummingbird sẽ ảnh hưởng đến 90% kết quả tìm kiếm.
Khác với những “đồng bọn” như Panda, Zebra, thuật toán mới này tập trung chủ yếu vào người dùng hơn là trừng phạt những website vi phạm. Theo đó, Hummingbird sẽ phân tích ngữ nghĩa của những cụm từ khóa trong ngữ cảnh tìm kiếm để sắp xếp thứ hạng của các câu trả lời cho những câu hỏi từ nội dung mà họ đã lập chỉ mục (index).
Như vậy, Chim ruồi chú trọng vào việc nội dung của website có hữu ích với người dùng hay không, có cung cấp đúng câu trả lời cho mỗi truy vấn của họ hay không, tránh trường hợp website spam nhiều, nội dung trùng lặp và không liên quan.
-
Google Pigeon (Thuật toán chim bồ câu)
Tiếp tục một con chim nữa gia nhập tập đoàn “quái thú” của Google, lần này Pigeon chính thức ra mắt vào ngày 25/7/2014, đủ thời gian cho các SEO-er kịp “hoàn hồn” sau vụ náo động của Hummingbird năm ngoái. Thực tế Google không công bố tên của thuật toán này, Pigeon chỉ là cái tên do cộng đồng SEO-er tự gọi với nhau mà thôi, có lẽ do nó hoạt động dựa trên công nghệ Google PigeonRank để đưa ra kết quả tìm kiếm nhanh và chính xác hơn cho người dùng.
Pigeon là thuật toán được tạo ra để cải thiện vị trí xếp hạng trên kết quả tìm kiếm địa phương. Như vậy con chim bồ câu này tập trung vào việc cải thiện tìm kiếm website theo vị trí địa lý, giúp sắp xếp dữ liệu chính xác hơn.
Thật ra các Seo-er cũng không cần quá lo lắng về thuật toán Pigeon, vì về cơ bản nó sẽ không ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm website của các bạn, nó chỉ sắp xếp để tối ưu lại những kết quả tìm kiếm theo khu vực (Google Local) mà thôi.
Giải thích thêm một chút về công nghệ PigeonRank, đây là công cụ tập hợp nhiều con chim bồ câu lại để thu thập dữ liệu. Mỗi con chim bồ câu trong hệ thống sẽ phân tích, tính toán những giá trị tương đối của các website để tìm ra sự liên quan giữa chúng, sau đó tập hợp lại thành một danh sách kết quả trang web có nội dung tương đồng nhất rồi trả về truy vấn của người dùng. Như vậy, mỗi lần những con chim bồ câu này đánh dấu các website liên quan thì sẽ tương đương một giá trị PigeonRank ở web đó tăng lên, trang nào có chỉ số PigeonRank cao thì sẽ được xếp trước.
-
Pirate Update 2
Cách đây khoảng 4 năm Google đưa vào thử nghiệm một thuật toán để tìm ra những website chuyên đi ăn cắp nội dung, copy bài viết của những website khác và tiến hành trừng phạt, gọi là Pirate Update. Sau đó khoảng 2 năm, tầm trung tuần tháng 10 năm 2014, Google tiến hành cập nhật thuật toán này, cải thiện khả năng phát hiện và xử lý trang web đi ăn cắp.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thuật toán này là các trang có nội dung về âm nhạc, video, diễn đàn,… vì rất dễ bị trùng lặp nội dung và thường xuyên xảy ra tình trạng “re-up”. Nhiều thống kê cho thấy không ít website lớn trên thế giới bị ảnh hưởng, điển hình như torrentz.eu đã sụt giảm tới 50% lưu lượng tìm kiếm.
Sự ra đời của Pirate Update 2 là tin vui đối với những trang web chuyên chia sẻ nội dung độc đáo và chính gốc, họ sẽ không còn lo vấn đề bị ăn cắp bản quyền trắng trợn nữa. Nhưng các website về phim ảnh, âm nhạc hoặc diễn đàn thì lại vướng vào rắc rối không hề nhỏ, buộc phải có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt.
-
Google Mobile Friendly
Mới đây nhất, vào tháng 4 năm 2015 Google cập nhật thuật toán mới song hành với thuật toán hiển thị của Facebook, đó là MobileFriendly. Thuật toán này đánh mạnh vào khả năng trải nghiệm người dùng trên thiết bị di động của website, nghĩa là nó sẽ không liên quan nếu người dùng tìm kiếm trên máy tính. Nếu chẳng may website của bạn chưa được tối ưu cho mobile thì rất có thể nó sẽ bị rớt hạng, thậm chí là biến mất khỏi danh sách kết quả. Để tìm hiểu rõ hơn về thuật toán này cùng những thay đổi của Facebook vào thời điểm đó, hãy đọc thêm bài viết Cộng đồng kinh doanh điêu đứng trước thuật toán mới của Google, Facebook.
Làm một người làm SEO, bạn cần phải biết ít nhất 8 thuật toán quan trọng này của Google, đồng thời thường xuyên cập nhật những thuật toán mới một cách nhanh nhất để có thay đổi phù hợp.