Tất tần tật về Google Adsense (P5)

Cách đây hơn 1 năm chúng tôi đã từng chia sẻ với các bạn một chuỗi bài viết Tất tần tật về Google Adsense với 4 phần, từ giới thiệu, cách cài đặt và một số mẹo nhỏ để kiếm tiền online tại nhà với công cụ này. Sau khoảng thời gian khá dài áp dụng, tìm hiểu thêm chúng tôi đã tổng hợp được một vài kinh nghiệm mới và muốn chia sẻ với các bạn trong phần 5 ngay sau đây.

Phần 5: Các mức CPC và sai lầm cần tránh khi chạy Google Adsense

  1. Mức phí Google trả cho mỗi lượt click theo quốc gia

Trong phần 1 chúng tôi đã từng giới thiệu 2 cách kiếm tiền online tại nhà từ Google Adsense, đó là CPC và CPM, nhưng chung quy đều dựa vào lượt nhấp chuột của người dùng vào quảng cáo để tính tiền. Tuy vậy không phải click đến từ quốc gia nào cũng được Google trả phí như nhau, tại một số nước thậm chí còn gấp cả chục lần nước khác. Dưới đây là bảng xếp hạng mức CPC của 80 quốc gia trên thế giới theo thứ tự giảm dần.

Theo như bảng xếp hạng này thì Úc đang có mức CPC cao nhất (0,48$) còn thấp nhất là Cambodia (0,03$) và bằng với Việt Nam. Có khá nhiều tranh cãi về sự “bất công” của Google và chưa rõ lý do là gì, nhưng theo phỏng đoán là Google dựa vào mức độ tiềm năng của thị trường bản địa để thiết lập mức phí CPC, nếu chất lượng của click cao, tỉ lệ chuyển đổi tốt thì Google sẽ trả giá cao hơn.

Cũng vì mức phí CPC quá thấp nên nhiều người không mấy mặn mà với Adsense ở Việt Nam, họ tìm cách để thu về click từ nước ngoài để tăng lợi nhuận. Muốn vậy thì website của họ phải có nội dung phục vụ cho người quốc tế, đi link ở những diễn đàn nước ngoài, chọn từ khóa cũng bằng tiếng nước ngoài. Mặc dù vất vả và tốn thời gian hơn nhưng thu nhập gấp 10 lần đủ hấp dẫn để họ cố gắng.

  1. Ba lý do khiến bạn bị Google từ chối đăng ký Adsense

Website vi phạm chính sách của Google

Trước khi gửi hồ sơ đăng ký Adsense với Google bạn cần phải tuân thủ một bảng chính sách bao gồm 15 điều kiện bắt buộc do chính Google đưa ra (xem chi tiết tại: https://support.google.com/adsense/answer/48182?hl=vi). Nhưng đôi khi bạn sẽ bỏ sót một điều kiện nhỏ nào đó mà không hay biết, và rồi Google sẽ gửi cho bạn một email như thế này:

Trường hợp này thường phổ biến với một số lý do như trang có nội dung nhạy cảm, sơ sài, sử dụng subdomain, forum để đăng ký hoặc mã nguồn bản quyền,… Để tránh gặp phải thì bạn nên liệt kê tất cả những yêu cầu nhỏ nhặt này thành một danh sách rồi mới bắt đầu xây dựng nội dung, liên kết cho website của mình.

Thiếu nội dung

Lý do này thường gặp với những website mới thành lập, có quá ít nội dung (dưới 10 bài), nội dung sơ sài hoặc chủ yếu là hình ảnh. Trong email từ chối Google cũng đưa ra một số gợi ý mà bạn có thể làm theo như:

– Website cần có các bài viết văn bản (trang web chứa chủ yếu hình ảnh, video, flash không được chấp thuận)

– Nội dung phải có các câu và đoạn hoàn chỉnh, không phải chỉ tiêu đề

– Website phải hoàn tất trước khi đăng ký Googe Adsense, trang thử nghiệm sẽ bị từ chối

Vi phạm bản quyền

Vấn đề bản quyền ở nước ngoài được làm rất nghiêm nhưng tại nước ta thì hơi lỏng lẻo, đặc biệt là bản quyền nội dung trên Internet. Nếu website của bạn đăng lại nội dung của người khác, lưu trữ âm nhạc hoặc sách điện tử có bản quyền đều bị Google từ chối đăng ký Adsense. Thậm chí trang web chưa liên kết tới những trang vi phạm bản quyền cũng bị Google liệt vào danh sách đen. Thế nên trước khi đăng ký bạn nên loại bỏ tất cả những phần nội dung này khỏi website của mình.

  1. Những lý do khiến tài khoản Google Adsense của bạn bị khóa

Tự nhấp vào quảng cáo

Dù là vô tình hay cố ý thì chỉ cần Google phát hiện ra bạn tự nhấp vào các banner quảng cáo đặt trên website của mình thì rất có thể tài khoản Adsense sẽ bị khóa ngay lập tức. Google sẽ lưu trữ tất cả thông tin từ lần đăng nhập vào tài khoản trước đó của bạn như địa chỉ IP, trình duyệt, hệ điều hành,… nên đừng mong lách luật hoặc dùng công cụ tự động. Nếu chạy Adsense cho Youtube, Google cũng khuyến cáo bạn bỏ qua đoạn quảng cáo trên video của mình, nếu không sẽ bị liệt vào danh sách đen.

Sử dụng phần mềm để tăng click

Hiện nay trên mạng có khá nhiều phần mềm được dân chạy Adsense truyền tai nhau, giúp tăng lượt click tự động để kiếm về hàng trăm đô mỗi tháng, ví dụ như Adsense Bot. Nhưng hãy nhớ là Google quản rất chặt vấn đề này và có vô vàn cách để phát hiện ra gian lận. Thậm chí Google còn khuyến cáo bạn nên hạn chế sử dụng chương trình kiểm tra liên kết bên trong trang web vì một số chương trình sẽ tự động nhấp vào những link out trên banner.

Đặt quảng cáo ở vị trí lừa người dùng

Một số người muốn lách luật nên đặt quảng cáo ở các vị trí mà người dùng buộc phải nhấp chuột trên trang web như thanh menu, điều hướng, liên kết tải xuống, xem thêm,… Google sẽ đưa bạn vào trường hợp lừa đảo nếu phát hiện ra, tất nhiên tài khoản Adsense cũng bị khóa ngay lập tức.

Sử dụng dịch vụ bên thứ ba liên quan đến click và hiển thị

Trong quy định của mình, Google không khuyến khích bạn sử dụng những dịch vụ của bên thứ ba như trao đổi click, trao đổi view,… vì nó sẽ tạo ra những click ảo vào quảng cáo. Ngoài ra Google không hoan nghênh 1 trang web hiển thị đồng thời quảng cáo của họ và của đối thủ, như Yahoo Publisher Network chẳng hạn. Tuy nhiên bạn vẫn có thể cho chúng hiển thị luân phiên bằng một đoạn code PHP để tăng tối đa lợi nhuận thu về.

Các vấn đề liên quan đến nội dung

Google không chỉ xét duyệt nội dung website khi bạn gửi hồ sơ đăng ký Adsense mà cả khi tài khoản đang chạy họ vẫn liên tục kiểm tra. Chỉ cần phát hiện ra nội dung nhạy cảm (khiên dâm, chỉ dành cho người trưởng thành) hoặc nội dung vị phạm bản quyền (tệp mp3, video, phần mềm, truyện tranh,…) thì tài khoản của bạn cũng sẽ bị khóa.

Trên đây là một số lưu ý giúp bạn đăng ký và chạy Google Adsense thuận lợi, không bị khóa tài khoản. Nếu bạn còn những kinh nghiệm khác hãy chia sẻ với mọi người nhé!

Đọc lại các phần trước ở đây:

Tất tần tật về Google Adsense (P1)

Tất tần tật về Google Adsense (P2)

Tất tần tật về Google Adsense (P3)

Tất tần tật về Google Adsense (P4)


Chia sẻ bài viết này